Khái niệm dẫn độ tội phạm thường được nhắc đến trong tố tụng hình sự quốc tế. Vậy, dẫn độ tội phạm là gì? Cơ sở pháp lý nào để dẫn độ tội phạm? Cùng hilaw.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé.
1. Dẫn độ tội phạm là gì?
Dẫn độ tội phạm là một trong những chế định cổ điển của luật quốc tế trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm, đồng thời thủ tục tố tụng về dẫn độ rất phức tạp và kéo dài về mặt thời gian. Dẫn độ tội phạm luôn đụng chạm tới chủ quyền quốc gia và các quyền lợi quan trọng khác của quốc gia. Vì thế, cộng đồng quốc tế hết sức thận trọng khi đề cập tới vấn đề này trong thực tiễn quan hệ quốc tế.
Các quy định đầu tiên về dẫn độ tội phạm trong lịch sử nhân loại có thể được xác nhận là các quy tắc trong hiệp ước được ký kết giữa vua Hatusin III với hoàng đế Ai Cập Ramxây II vào năm 1296 trước công nguyên với nội dung: “Nếu một người nào đó chạy trốn khỏi Ai Cập và lẩn trốn trên lãnh thổ của vua Hatusin III, thì vua Hatusin III sẽ không giam giữ mà sẽ trả lại cho Hoàng đế Ramxây”. Như vậy, vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ, các quy định mặc dù mới ở mức sơ khai của chế định dẫn độ tội phạm đã được ghi nhận trong điều ước quốc tế, đây được coi là quá trình các quy phạm tập quán quốc tế được chuyển thành quy phạm điều ước. Bên cạnh đó, các điều ước trong lĩnh vực này chủ yếu có tính chất song phương. Sự hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm vào thời kỳ lịch sử tiếp theo đã dẫn đến việc các quốc gia ký kết các điều ước song phương về dẫn độ, trong đó quy định các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ dẫn độ tội phạm cho nhau theo yêu cầu đối với các cá nhân tội phạm bị truy nã hoặc đã bị kết án vì hành vi tội phạm đã được thực hiện. Còn điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về dẫn độ tội phạm đã ký kết vào năm 1802 giữa nước Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Vương quốc Anh trong lĩnh vực tội làm tiền giả, vỡ nợ và giết người. Vào năm 1889 các nước Argentina, Bolivia, Paraguay, Peru, Uruguay đã ký Công ước về luật hình sự quốc tế, trong công ước này có các điều khoản đề cập đến vấn đề dẫn độ tội phạm. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương khu vực chống tội phạm, cần phải kể đến bản dự thảo công ước chung về tư pháp quốc tế đã được các nước châu Mỹ xem xét tại Hội nghị quốc tế lần thứ VI được triệu tập vào năm 1928. Quyển 3 của bộ luật Công ước được đặt tên là “luật hình sự quốc tế” và ghi nhận tổng thể các quy phạm điều chỉnh vấn đề dẫn độ tội phạm. Còn tại châu Âu, vấn đề dân độ tội phạm được điều chỉnh tổng quát trong Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1975. Các quy định của Công ước nhìn chung cũng tương tự như các quy định của điều ước song phương về dẫn độ. Cần phải nhấn mạnh để phân biệt rằng: Công ước này có hiệu lực thay thế cho các điều ước song phương được ký kết giữa các quốc gia thành viên của Công ước.
Các điều ước song phương và đa phương về dẫn độ được ký kết trong khuôn khổ giữa các quốc gia thành viên Công ước có thể bổ sung hoặc tạo điều kiện áp dụng thuận lợi các quy phạm của Công ước, như vậy đây là ngoại lệ của nguyên tắc luật riêng thay thế luật chung. Ngoài ra trong khuôn khổ hợp tác tư pháp của các nước Bắc Âu (Các nước thuộc khối Benelux) đã ký kết hiệp định về dẫn độ tội phạm vào năm 1962.
Vấn đề dẫn độ tội phạm luôn là đối tượng quan tâm của cộng đồng quốc tế trên bình diện hợp tác toàn cầu do tầm quan trọng của việc giải quyết có hiệu quả vấn đề hết sức nhạy cảm này trong quan hệ quốc tế. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, trong quá trình hoạt động chuyên môn của mình, Viện luật quốc tế đã thông qua Nghị quyết Oxphot thể hiện việc khuyến khích ký kết các điều ước song phương về dẫn độ và bày tỏ quan điểm về khả năng dẫn độ tội phạm không dựa trên cơ sở có điều ước quốc tế hữu quan, về cấm dẫn độ vì các lý do chính trị. Bên cạnh viện luật quốc tế, các vấn đề liên quan tới dẫn độ tội phạm cũng là đối tượng quan tâm của Hiệp hội luật quốc tế.
Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Hội quốc liên được thành lập và đã có hoạt động tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Năm 1924, Uỷ ban các chuyên viên về pháp điển hóa tiến bộ luật quốc tế đã được thành lập, có nhiệm vụ dự thảo và kiến nghị ký kết các công ước quốc tế phổ cập điều chỉnh vấn đề hợp tác giữa các quốc gia trong việc dẫn độ tội phạm. Như vậy nhiệm vụ pháp điển hóa luật quốc tế của Uỷ ban chuyên môn này cũng không bỏ qua vấn đề dẫn độ mà ngược lại còn dành cho nó một sự quan tâm thích đáng. Nhưng rất tiếc cho tới thời điểm hiện tại. một Công ước như vậy vẫn chưa ra đời. Thực tế này đã chỉ rõ ưu thế vượt trội của điều đó quốc tế song phương về dẫn độ, những Văn bản này vẫn là công cụ pháp lý quốc tế mà các quốc gia quan tâm hơn do tính khả thi của chúng trong quá trình sử dụng cao hơn so với một điều ước đa phương toàn cầu về dẫn độ.
Năm 1945, Liên hợp quốc được thành lập thay thế cho Hội quốc liên trong vai trò duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Một trong các mục đích hoạt động chủ yếu của Liên hợp quốc là thực hiện các nhiệm vụ giải quyết các vấn đề xã hội có tính toàn cầu. Đấu tranh chống tội phạm là lĩnh vực hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc. Ngay từ năm 1946, sau khi Tòa án quốc tế Nurembe tiến hành xét xử các tội phạm đầu sỏ phát xít châu Âu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ nhất được triệu tập tại Luân Đôn (Anh), đề nghị áp dụng các biện pháp truy tìm, bắt giữ và dẫn độ các tội phạm chiến tranh về quốc gia nơi tội phạm được thực hiện để tiến hành xét xử và trừng phạt theo pháp luật của quốc gia này. Để tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trừng trị tội phạm chiến tranh, năm 1947 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về “nỗ lực không mệt mỏi thì hành các nghĩa vụ của quốc gia trong việc dẫn độ và chuyển giao cho tòa án xét xử các tội phạm chiến tranh” tại kỳ họp thứ II được tiến hành tại New York (Mỹ).
Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, nhiều điều ước quốc tế chuyên biệt về chống tội phạm có tính chất quốc tế như: khủng bố, buôn bán và vận chuyển ma túy, buôn bán trẻ em và phụ nữ, khủng bố hàng không quốc tế… đã được thông qua và đa số đã có hiệu lực thi hành. Trong các điều ước quốc tế loại này có ghi nhận một loạt các quy định quan trọng về dẫn độ tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều ước. Nhìn chung các quy định về vấn đề này có nội dung điều chỉnh tương đối giống nhau về điều kiện, cơ sở pháp lý, nguyên tắc dẫn độ… Bên cạnh đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc còn thông qua điều ước quốc tế mẫu về dẫn độ tội phạm vào năm 1990 tại Hội nghị Liên hợp quốc về ngăn ngừa tội phạm tại La Habana (Cuba).
Ngoài các điều ước quốc tế chuyên biệt về chống tội phạm, trong những thập niên gần đây, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, một loạt các điều ước quốc tế đa phương toàn cầu về quyền con người đã được ký kết. Trong nội dung điều chỉnh của các điều ước này, vấn đề dẫn độ tội phạm đã được đề cập và giải quyết với yêu cầu phải tuân thủ các quy phạm của luật quốc tế về quyền con người. Khuynh hướng được thể hiện qua nội dung các điều ước nêu trên là hạn chế khả năng dẫn độ trong các trường hợp cụ thể ví dụ điều khoản 13 của Công ước quốc tế về quyền con người năm 1966 và Điều 3 của Công ước chống tra tấn và các hành vi đã man, phi nhân tính khác chống lại phẩm giá con người năm 1985.
Theo khoa học luật hình sự quốc tế, dẫn độ tội phạm là hành vi trợ giúp pháp lý được thỏa thuận giữa các quốc gia có liên quan (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ tội phạm) dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế được thể hiện trong quá trình quốc gia được yêu cầu dẫn lộ chuyển giao thể nhân đang hiện diện tích lãnh thổ nước mình cho quốc gia yêu cầu nhằm mục đích tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành phán quyết hình sự đã có hiệu lực pháp luật đối với thể nhân này.
Dẫn độ tội phạm là một trong các nội dung chủ yếu của hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống các hoạt động tội phạm đang ngày càng gia tăng. Đây là hình thức giúp đỡ pháp lý trong việc thực hiện thẩm quyền xét xử hình sự quốc gia. Tất cả các vấn đề có liên quan đến dẫn độ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của quốc gia, chi có quốc gia có quyền ký kết các điều ước quốc tế, thông qua các đạo luật của mình và tiến hành trong thực tế các hoạt động dẫn độ tội phạm. Đây là hệ quả tất yếu của việc thực hiện chủ quyền quốc gia trên phạm vi lãnh thổ xác định. Tuy nhiên trong lịch sử nhân loại đã từng biết đến các trường hợp dẫn độ tội phạm được tiến hành thông qua các nhà thờ thiên chúa giáo vào thời kỳ trung cổ.
Hiện nay trong luật hình sự quốc tế đều khẳng định và công nhận dẫn độ tội phạm là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của quốc gia. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia của luật quốc tế và được khẳng định trong thực tiễn quốc tế. Xuất phát từ chủ quyền quốc gia, bất kỳ nước nào cũng có quyền giải quyết các vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các thể nhân đang hiện diện trên lãnh thổ nước mình, ngay cả trong trường hợp có điều ước quốc tế thì dẫn độ tội phạm cũng chỉ được tiến hành với các điều kiện cụ thể được quy định. Cần lưu ý rằng bản thân dẫn độ tội phạm không phải là sự trừng phạt mà chỉ là biện pháp tạo điều kiện áp dụng sự trừng phạt bằng pháp luật trong tương lai. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở thuyết phục khi thực tiễn đã chứng minh ở phạm vi nhất định dẫn độ tội phạm cũng là biện pháp ngăn ngừa tội phạm.
Trong khoa học luật hình sự quốc tế cần phân biệt rõ giữa khái niệm dẫn độ tội phạm và khái niệm trục xuất. Hành vi trục xuất của quốc gia đối với cá nhân vi phạm là hành vi thể hiện đường lối, chính sách của nhà nước trong quan hệ đối nội, đây không phải là hoạt động hợp tác quốc tế chống tội phạm. Trục xuất là hành vi của quốc gia không cho phép cá nhân vi phạm pháp luật nước mình được quyền lưu trú trên lãnh thổ quốc gia và phải rời khỏi nước này trong một thời hạn xác định theo luật. Đây là hành vi thể hiện quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành chính được thực hiện theo quyết định riêng biệt của quốc gia. Trục xuất là chế định pháp lý của luật quốc gia trong khi đó dẫn độ tội phạm là hành vi tương trợ tư pháp được thực hiện theo yêu cầu của quốc gia có liên quan và dẫn độ tội phạm là chế định pháp lý của luật quốc tế.
Trong quá trình hình thành và phát triển luật hình sự quốc tế, chế định dẫn độ tội phạm ngày càng được phát triển theo hướng hoàn chỉnh hơn. Mặc dù vậy, chế định này vẫn chưa được đẩy đủ như mong muốn của cộng đồng quốc tế trong thời điểm hiện tại của cuộc chiến chống tội phạm – thời điểm bùng nổ và tiên tiến mạnh mẽ của một xu thế toàn cầu hóa tất yếu và theo đó là làn sóng tội phạm ngày càng gia tăng, đặc biệt là tội phạm có tính chất quốc tế. Đồng thời việc dẫn độ tội phạm được quy định ở các điều ước quốc tế có mức độ và phạm vi hiệu lực thi hành rất khác nhau. Hơn nữa các quy định tố tụng về dẫn độ theo pháp luật trong nước của các quốc gia có nội dung điều chỉnh không hoàn toàn giống nhau đã làm cho vấn đề dẫn độ vốn đã phức tạp lại càng trở nên khó khăn hơn trong tiến trình giải quyết giữa các quốc gia trong hợp tác quốc tế chống tội phạm. Chính vì vậy việc ký kết một điều ước quốc tế chuyên môn về dẫn độ tội phạm có tính phổ cập toàn cầu là mục tiêu của những nỗ lực cố gắng và phấn đấu không mệt mỏi của nhân loại. Mong muốn sống còn này là chính đáng nhưng khó có thể thực hiện trong một tương lai gần, khi thực tiễn quốc tế về dẫn độ tội phạm còn biết đến trường hợp một số quốc gia sử dụng vấn đề này như là công cụ thể hiện đường lối chính sách của mình trong quan hệ quốc tế, trái với mục đích và chức năng của dân độ tội phạm là giúp đỡ pháp lý trong đấu tranh chống tội phạm.
2. Cơ sở pháp lý để dẫn độ tội phạm
Dẫn độ tội phạm được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được các quốc gia hữu quan thực thi dựa trên các cơ sở pháp lý sau đây:
– Pháp luật trong nước của các quốc gia, hoặc;
– Các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, hay;
– Các điều ước quốc đa phương về chống các loại tội phạm Có tính chất quốc tế.
Như trên đã đề cập, dẫn độ tội phạm là quyền chứ không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia. Trong luật hình sự quốc tế không tồn tại tập quán quốc tế quy định: Dẫn độ tội phạm là nghĩa vụ của quốc gia. Dựa trên cơ sở quyền lực tối cao của mình đối với lãnh thổ, quốc gia có toàn quyền quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội đang ở trên lãnh thổ nước mình dựa trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật quốc gia hoặc tự mình quyết định có dẫn đó tội phạm hay không cho quốc gia yêu cầu dẫn độ. Việc dẫn độ trong trường hợp này hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực của quốc gia xuất phát từ chủ quyền lãnh thổ của mình, dựa trên cơ sở pháp lý là luật quốc gia và được thực hiện trong trường hợp không có điều ước quốc tế hữu quan về dẫn độ giữa các quốc gia về cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Trong khoa học luật hình sự quốc tế trường hợp này được gọi là “Dẫn độ tội phạm không có điều ước quốc tế”. Khi đó dẫn độ tội phạm là quyền pháp lý quốc tế của quốc gia. Nghĩa vụ dẫn độ tội phạm với tính chất là nghĩa vụ pháp lý quốc tế chỉ phát sinh khi giữa các quốc gia có liên quan tồn tại điều ước quốc tế tương ứng quy định các điều kiện cụ thể cho phép dẫn độ.
Dẫn độ tội phạm trong trường hợp không có điều ước quốc tế tương ứng chỉ có thể được thực hiện theo quan điểm và nhận định riêng của quốc gia được yêu cầu dựa trên cơ sở pháp lý quan trọng là luật quốc gia. Tại nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật quốc gia chuyên biệt về dẫn độ, một trong các nguyên tắc quan trọng cho phép dẫn độ được ghi nhận trong các đạo luật này là việc dẫn độ chỉ được tiến hành dựa trên cơ sở của sự tôn trọng điều kiện có đi có lại. Điều kiện này xác định thái độ xử sự của các quốc gia phải thống nhất theo trật tự: Nếu quốc gia này đáp ứng yêu cầu về dẫn độ cho quốc gia kia, thì quốc gia được đáp ứng phải có nghĩa vụ xử sự như vậy trong trường hợp quốc gia đối tác của mình có yêu cầu tương tự (yêu cầu về dẫn độ tội phạm).
Sau khi ra quyết định cho phép dẫn độ dựa trên cơ sở pháp lý là luật quốc gia, thì mọi trình tự, thủ tục và điều kiện dẫn độ dẫn độ tội phạm phải được tiến hành trong thực tế, căn cứ vào pháp luật hiện hành của quốc gia cho phép dẫn độ tội phạm. Việc áp dụng luật tố tụng nước ngoài (luật nước yêu cầu) trong quá trình dẫn độ là có thể được, nếu có sự thỏa thuận đồng ý của các bên có liên quan, đồng thời đáp ứng mọi điều kiện và yêu cầu được đặt ra.
Điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm là cơ sở pháp lý quốc tế làm phát sinh nghĩa vụ dẫn độ tội phạm của quốc gia được yêu cầu. Trong các điều ước quốc tế loại này điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến dẫn độ, như: nguyên tắc, điều kiện, và các trường hợp không dẫn độ tội phạm, dẫn độ đến nước thứ 3, hoãn dẫn độ và dẫn độ lại… Về nguyên tắc, quốc gia nào yêu cầu dẫn độ phải chịu mọi chi phí liên quan tới dẫn độ. Từ góc độ luật quốc tế, điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ là điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa nhà nước, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự. Trong số các điều khoản về tương trợ tư pháp hình sự, vấn đề dẫn độ tội phạm đã được đặc biệt quan tâm và điều chỉnh rất cụ thể, rõ ràng đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thực hiện, bởi vì vấn đề dẫn độ tội phạm đã, đang và sẽ tiếp tục là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với sự ổn định trật tự xã hội và an ninh quốc gia của mỗi nước trong cộng đồng quốc tế. Cùng với điều ước song phương về tương trợ tư pháp còn có điều ước quốc tế song phương chuyên môn về dẫn độ tội phạm, phạm vi điều chỉnh của loại điều ước này chỉ bao gồm các vấn đề pháp lý của dẫn độ tội phạm phải bị dẫn độ trong quan hệ giữa hai quốc gia thành viên. Trong thực tế hợp tác quốc tế chống tội phạm, loại hình điều ước song phương chuyên môn về dẫn độ tội phạm có xu hướng phát triển mạnh trước làn sóng tội phạm ngày càng gia tăng, đặc biệt là tội phạm có tính chất quốc tế. Điểm đặc biệt là vị trí của điều ước song phương chuyên môn về dẫn độ luôn luôn được khẳng định trong các điều ước quốc tế đa phương chống tội phạm. Các điều ước đa phương này công nhận các quy định tương ứng của điều ước quốc tế song phương là cơ sở pháp lý quốc tế bắt buộc các quốc gia thành viên phải thi hành nghĩa vụ dẫn độ tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước đa phương về chống tội phạm.
Điều ước quốc tế đa phương toàn cầu chống tội phạm có tính chất quốc tế được công nhận chung là cơ sở pháp lý trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm, các vấn đề liên quan đến dẫn độ được giải quyết dựa trên nền tảng các quy định có liên quan của loại hình điều ước quốc tế này. Có thể đưa ra một số các điều ước như vậy: bốn điều ước quốc tế về chống khủng bố hàng không quốc tế, ba điều ước quốc tế về cấm vận chuyển và buôn bán ma túy, điều ước quốc tế về chống làm tiền giả, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… các vấn đề pháp lý về dẫn độ tội phạm được điều chỉnh thích hợp trong từng điều ước quốc tế đa phương về chống tội phạm có tính chất quốc tế và đương nhiên sẽ có sự khác biệt nhất định trong điều chỉnh tội phạm phụ thuộc vào đặc trưng riêng biệt của từng loại tội phạm là đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế. Song có một điểm chung là đa số các điều ước quốc tế đa phương này đều ghi nhận quy định cho phép các quốc gia thành viên sử dụng các điều ước song phương chuyên môn về dẫn độ là công cụ pháp lý để giải quyết vấn đề dẫn độ tối phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước đa phương, còn trong trường hợp không có điều ước song phương chuyên môn về dẫn độ giữa các quốc gia thành viên hữu quan thì cho phép các quốc gia thành viên được quyền chấp nhận chính điều ước đa phương về chống tội phạm là cơ sở pháp lý tùy nghi để tiến hành dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia này. Như vậy trong trường hợp thứ nhất, các điều ước quốc tế đa phương về chống tội phạm có tính chất quốc tế đã dẫn chiếu tới các điều song phương chuyên môn về dẫn độ để giải quyết, khi không được sẽ rơi vào trường hợp thứ hai thì các quốc gia thành viên được quyền sử dụng chính điều ước đa phương là cơ sở pháp lý tùy nghi (không bắt buộc) để tiến hành dẫn độ.
Qua nghiên cứu các quy định về dẫn độ tội phạm trong luật hình sự quốc tế, có thể đi đến kết luận rằng: nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện dẫn độ tội phạm, các quốc gia thường duy trì và sử dụng các phương thức sau đây:
+ Các nước thỏa thuận nhất trí một danh mục đầy đủ các loại hình tội phạm phải lẫn độ và danh mục này được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế hữu quan;
+ Các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn tính chất nghiêm trọng của tội phạm và mức án trừng phạt của pháp luật là điều kiện để xác định loại tội phạm để dẫn độ. Tiêu chuẩn mức án trừng phạt nghiêm khắc chỉ được áp dụng đối với bị cáo, chứ không được thực hiện đối với tù nhân sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Các quốc gia sử dụng phương thức hỗn hợp bao gồm cả hai phương thức trên, nghĩa là trong điều ước quốc tế cũng như trong luật quốc gia đồng thời ghi nhận cả danh mục tội phạm bị dẫn độ cũng như tiêu chí tính chất nghiêm trọng của tội phạm và mức án trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Theo đánh giá của giới khoa học luật hình sự quốc tế, thì phương thức thứ nhất loại bỏ được những phức tạp và trở ngại phát sinh trong trường hợp phải xác định tính chất chính trị của tội phạm, và như vậy tạo môi trường pháp lý minh bạch cho các quốc gia thực hiện dẫn độ. tội phạm theo danh mục đã thỏa thuận thống nhất trong điều ước quốc tế. Còn cách thức thứ 2 có ưu điểm là cho phép dẫn độ tội phạm mà không phải tiến hành điều tra, nghiên cứu rất phức tạp thành phần của hành vi tội phạm, cũng như luật hiện hành của quốc gia… Tuy nhiên phương thức này không loại bỏ được tính phức tạp của khía cạnh chính trị trong thành phần tội phạm.
3. Các nguyên tắc pháp lý về dẫn độ tội phạm
Quá trình phát triển chế định dẫn độ tôi phạm đã hình thành nên hê thống các nguyên tắc chỉ đạo trong toàn bộ hoạt động dẫn độ tội phạm:
– Nguyên tắc có đi có lại
– Nguyên tắc định danh kép;
– Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình;
– Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị.
– Các vấn đề pháp lý khác về dẫn độ tội phạm.
Xem thêm: Các nguyên tắc pháp lý về dẫn độ tội phạm