Hình thức nhà nước là gì? Yếu tố cấu thành hình thức nhà nước

Hình thức nhà nước là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận chung về nhà nước. Hình thức nhà nước là yếu tố quan trọng quyết định kết quả thống trị chính trị của giai cấp thống trị.


1. Hình thức nhà nước là gì?

Hình thức nhà nước là thuật ngữ dùng để chỉ phương thức tồn tại và phát triển của nhà nước. Thông qua hình thức nhà nước, có thể thấy được chủ thể nào nắm giữ quyền lực nhà nước cũng như cách thức thực thi quyền lực đó.

Như vậy, hình thức nhà nước được hiểu là “là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước và phương pháp thực hiện quyền lực nhà nước”


2. Các yếu tố cấu thành hình thức nhà nước

Hình thức nhà nước được cấu tạo bởi ba yếu tố cơ bản gồm: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước, chế độ chính trị.

2.1. Hình thức chính thể

Hình thức chính thể là cách thức tổ chức và trình tự thành lập cơ quan cấp cao của quyền lực nhà nước cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan đó với nhau và với nhân dân.

Hình thức chính thể của nhà nước được nghiên cứu dưới ba khía cạnh: quyền lực nhà nước được trao cho cơ quan nào? Dưới những cách thức nào? Sự tham gia của nhân dân trong các tổ chức và hoạt động của các cơ quan đó như thế nào? Theo đó, hình thức chính thể được chia thành hai dạng:

2.1.1 Chính thể quân chủ

Quyền lực cao nhất tập trung toàn bộ hoặc một phần trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế (cha truyền con nối).

Chính thể quân chủ có hai dạng cơ bản: quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.

– Quân chủ tuyệt đối: Là mô hình tổ chức nhà nước được thiết lập dựa trên thuyết về quyền lực tối cao của nhà vua (phổ biến trong xã hội phong kiến), ví dụ: Nhật Bản thời trung đại, Trung Quốc, Việt Nam.

– Quân chủ hạn chế: Là chính thể trong đó, quyền lực tối cao của nhà vua bị hạn chế về mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp. Bên cạnh đó, quyền lực tối cao đó được san sẻ cho các thiết chế khác là các cơ quan nhà nước được bầu ra theo nhiệm kỳ như Nghị viện, Chính phủ…, ví dụ Đan Mạch, Anh, Bỉ, New Zealand…

2.1.2. Chính thể cộng hòa

Quyền lực cao nhất của nhà nước thuộc về cơ quan được bầu ra theo một thời hạn nhất định (phương thức bầu cử). Các cơ quan này thường có tên gọi như Đại hội nhân dân (Nhà nước cộng hòa dân chủ Aten cổ đại), Nghị viện, Quốc hội…

Chính thể cộng hòa có hai dạng: Là cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc

– Cộng hòa dân chủ: Là chính thể trong đó mọi công dân có đủ điều kiện theo luật định được tham gia bầu cử để thành lập ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

– Cộng hòa quý tộc: Là chính thể trong đó chỉ có giới quý tộc mới có quyền bầu để thành lập ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (ví dụ chế độ cộng hòa quý tộc phong kiến ở một số thành phố của Italia như Gionnso, Phlorenso, nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô La Mã cổ đại thế kỷ VI – I TCN).

Hình minh họa. Hình thức nhà nước là gì? Yếu tố cấu thành hình thức nhà nước

2.2. Hình thức cấu trúc nhà nước

Hình thức cấu trúc nhà nước là cách thức tổ chức nhà nước thành các đơn vị hành chính – lãnh thổ và mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền nhà nước.

Có hai hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu là hình thức nhà nước đơn nhất và nhà nước liên bang.

– Nhà nước đơn nhất là nhà nước thống nhất, có chủ quyền chung, trong đó nước được phân chia thành các cấp hành chính, và chỉ có một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội); một cơ quan hành chính nhà nước cao nhất (Chính phủ) với hệ thống cơ quan quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương và cơ sở, ví dụ Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Pháp, Nhật…

– Nhà nước liên bang là nhà nước có hai hay nhiều nhà nước thành viên hợp lại và ngoài hệ thống cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính cao nhất chung cho toàn liên bang, trong mỗi nước thành viên cũng có hệ thống cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính cao nhất riêng của mình; trong quan hệ với nhà nước liên bang, các nhà nước thành viên đều bình đẳng và có quyền độc lập tương đối. Các nhà nước liên bang điển hình như Mỹ, Đức, Áo, Ấn Độ, Mexico, Thụy Sĩ…

Ngoài hai hình thức nhà nước đơn nhất và nhà nước liên bang, còn xuất hiện nhà nước liên minh. Đây là sự liên kết tạm thời giữa hai hay nhiều nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhà nước liên minh tự giải tán hoặc có thể chuyển đổi thành nhà nước liên bang (ví dụ Liên minh Châu Âu – EU, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ 1776 đến 1787, là nhà nước liên minh, sau đó phát triển thành nhà nước liên bang)

2.3. Chế độ chính trị

Chế độ chính trị là tổng thể những phương pháp, cách thức do các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của mình.

Từ khi nhà nước xuất hiện cho đến nay, giai cấp thống trị đã sử dụng nhiều phương pháp, thủ đoạn nhằm thực hiện quyền lực nhà nước. Có thể phân ra hai phương pháp cơ bản, đó là phương pháp dân chủ và phương pháp phản dân chủ.

– Phương pháp dân chủ: gồm dân chủ thật sự, dân chủ giả hiệu, dân chủ rộng rãi, dân chủ hạn chế, dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp…

– Phương pháp phản dân chủ: thể hiện tính độc tài, khi phương pháp này phát triển đến cao độ sẽ trở thành phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.

Việc sử dụng các phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào bản chất của nhà nước, điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời, phụ thuộc vào tương quan lực lượng đấu tranh giai cấp cũng như các yếu tố khách quan và chủ quan khác trong mỗi giai đoạn lịch sử ở mỗi nước cụ thể.

Bài viết liên quan