Tranh chấp đất đai là gì? Các dạng tranh chấp đất đai

1. Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp đất đai

1.1. Tranh chấp đất đai là gì?

Tranh chấp đất đai là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống xã hội ở mọi thời kỳ lịch sử. Trong một xã hội tồn tại sự đối kháng giữa các giai cấp thì đất đai luôn là đối tượng tranh chấp giữa chúa đất và nông nổ, giữa địa chủ và nông dân, giữa đông đảo quần chúng nhân dân không có đất và bọn chủ đất lớn. Tóm lại, đó là tranh chấp giữa những kẻ áp bức và những người bị áp bức. Những tranh chấp này biểu hiện mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp, khi xung đột không thể điều hoà được thì tất yếu phải giải quyết bằng các cuộc cách mạng xã hội để thay thế chế độ sở hữu đất đai này bằng chế độ sở hữu đất đai khác tiến bộ hơn. 

Trong chế độ của chúng ta hiện nay, Nhà nước là người đại diện cho toàn thể nhân dân lao động thực hiện quyền sở hữu đối với đất đai. Vì thế, tranh chấp đất đai trong thời kì này mang nội dung kinh tế cũng như ý nghĩa chính trị khác với tranh chấp đất đai trong xã hội có giai cấp đối kháng. 

Tuy nhiên, các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật đất đai không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề trong quan hệ pháp luật, vì thế sẽ xuất hiện những ý kiến khác nhau, những mâu thuẫn, bất đồng nhất định. Hiện tượng đó được thể hiện trên thực tế bằng những hành động cụ thể và người ta gọi đó là sự tranh chấp.

Vậy tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

Theo quy định tại Khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Hình minh họa. Tranh chấp đất đai là gì? Các dạng tranh chấp đất đai

1.2. Đặc điểm của tranh chấp đất đai

Có thể nêu ra một số đặc điểm của tranh chấp đất đai như sau: 

– Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lÝ, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp; 

– Các chủ thể tranh chấp đất đai chị là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai; 

– Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, 

Tranh chấp đất đai xảy ra sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, tinh thần của các bên, gây nên tình trạng mất ổn định, bất đồng trong nội bộ nhân dân, làm cho những quy định của pháp luật đất đai cũng như những chính sách của Nhà nước không được thực hiện một cách triệt để.


2. Các dạng tranh chấp đất đai

Sự tồn tại của các dạng tranh chấp đất đai tự thân nó là sự phản ánh những đặc trưng của quan hệ pháp luật đất đai ở từng thời kì nhất định. Căn cứ vào tính chất pháp lý của các tranh chấp, có một số dạng chủ yếu sau đây: 

2.1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất

– Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi hoặc do hai bên không xác định được với nhau; 

– Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế, quan hệ li hôn giữa vợ và chồng, 

– Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác; 

– Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác. 

2.2. Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất

Việc một bên vi phạm, làm cản trở tới việc thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên không làm đúng nghĩa vụ của mình cũng phát sinh tranh chấp. Loại tranh chấp này thường thể hiện ở các hình thức như: 

– Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; 

– Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. 

2.3. Tranh chấp về mục đích sử dụng đất

Đặc biệt là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với trồng cây cao su; giữa đất hương hoả với đất thổ cư… trong quá trình phân bổ và quy hoạch sử dụng đất. 

Nhiều khi tranh chấp về quyền sử dụng đất dẫn đến những tranh chấp về địa giới hành chính. Loại tranh chấp này thường xảy ra giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau, tập trung ở những nơi có nguồn lâm thổ sản quý, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, ở vị trí dọc theo các triền sông lớn, những vùng có địa giới không rõ ràng, không có mốc giới nhưng là vị trí có tầm quan trọng.

Xem thêm: Phân biệt tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai

Bài viết liên quan