Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.


1. Căn cứ pháp lý

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.


2. Cấu thành tội phạm của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

2.1. Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi khách quan, đó là:

– Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Theo đó hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi khắc, đúc đấu giả, in, vẽ, photocopy màu hoặc bằng các thủ đoạn khác làm ra con dấu trái phép bắt chước theo mẫu con dấu đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, lưu hành hoặc không theo mẫu đó. Còn hành vi làm giả tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi in ấn, sản xuất trái phép các tài liệu hoặc giấy tờ khác theo mẫu gốc hoặc không theo mẫu gốc của cơ quan, tổ chức như giấy giới thiệu, giấy chứng nhận, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, hộ chiếu, bằng tốt nghiệp các bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân, giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, giấy chứng nhận thương binh, bằng tổ quốc ghi công… Trong quá trình làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác như nêu trên, người phạm tội có thể có hành vi thêm, bớt, sửa đổi nội dung… và đó chỉ là những dấu hiệu chứng minh thêm đối với hành vi phạm tội này.

Ví dụ: Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức C, Nguyễn Quốc D, trưởng phòng trung tâm xúc tiến đầu tư nước ngoài, tại thành phố H đã làm giả tài liệu hồ sơ, giả mạo tư cách pháp nhân, giả mạo tư cách tài chính, sửa đổi luận chứng kinh tế, kỹ thuật và các giấy tờ khác để được xin cấp giấy phép đầu tư. Còn Nguyễn Đức C đã làm giờ giấc xác nhận số dư tài khoản của ba công ty Nga tại các ngân hàng Nga nhằm phù hợp với số vốn pháp định đã ghi trong hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư. Bằng cách làm giả tài liệu và tư cách pháp nhân, Nguyễn Đức c đã được UBND tinh K cấp giấy phép đầu tư và quyền sử dụng gần 44 ha đất của dự án. Với hành vi nêu trên, Nguyễn Đức C đã phạm tội theo Điều 341 BLHS và Nguyễn Quốc D là đồng phạm với vai trò giúp sức.

Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như dùng bằng tốt nghiệp để xin việc, bổ nhiệm, tăng lương, đi lao động nước ngoài; làm giả giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ để hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước…

– Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi nêu trên là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, cần xác định mức độ hậu quả vì “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là một trong các tình tiết định khung tăng nặng.

– Ngoài ra, để xác định hành vi phạm tội cần nghiên cứu một số hành vi khách quan khác như các quy định về con dấu, về tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Theo Điều 1 Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu thì: “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức”, việc khắc dấu, sử dụng con dấu, trách nhiệm đăng ký và thông báo… phải tuân theo quy định của pháp luật. Còn tài liệu của cơ quan, tổ chức là tài liệu về tổ chức, hoạt động, dự án, công trình nghiên cứu khoa học, hồ sơ cán bộ, sổ sách…

Cần lưu ý trong việc xác định hành vi phạm tội là trong trường hợp làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi đó cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Ví dụ: hành vi khắc dấu giả của công ty không có thật trên thực tế để giao dịch hợp đồng nhằm chiếm đoạt tài sản thì cần xác định hành vi làm giả con dấu là một thủ đoạn lừa đảo cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, chứ không phải hành vi làm giả con dấu.

Hình minh họa. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

2.2. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét tính chất, mức độ của tội phạm.

2.3. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người phạm tội là người đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.


3. Hình phạt

Về hình phạt, cấu thành cơ bản của tội phạm quy định mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (khoản 1); phạt tù từ hai năm đến năm năm khi có một trong các tình tiết định khung tăng nặng là có tổ chức; phạm tội nhiều lần (xem phần phân tích về tình tiết “phạm tội có tổ chức” và “phạm tội nhiều lần ở tội chống người thi hành công vụ); gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm (khoản 2). Nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt tù từ bốn năm đến bảy năm (khoản 3). Các tình tiết định khung tăng nặng gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của tội này chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Thực tiền, để xác định mức độ hậu quả là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng cần đánh giá toàn diện, tổng thể những hậu quả của hành vi phạm tội bao gồm thiệt hại về vật chất, về uy tín của cơ quan, tổ chức… cũng như phạm vi ảnh hưởng của hậu quả đó.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng (khoản 4).

Bài viết liên quan