Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Căn cứ pháp lý

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2.[312] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3.[313] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.

4.[314] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Hình minh họa. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

2. Cấu thành tội phạm của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

2.1. Khách thể của tội phạm

Là sự xâm phạm đến an toàn chung của xã hội cũng như chế độ quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự. Theo đó, vũ khí quân dụng được hiểu là: các loại súng, đạn, mìn, lựu đạn…và phương tiện kỹ thuật quân sự được hiểu: ra đa, xe kéo, máy móc phục vụ thông tin liên lạc…

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi làm ra, cất giấu, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

– Hành vi chế tạo được hiểu: hành vi làm ra, chế tạo ra các vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Việc chế tạo bao gồm những công đoạn như gia công, láp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự trên cơ sở các vũ khí, trang thiết bị hiện có.

– Hành vi tàng trữ trái phép: là việc cất giữ trong người, chỗ ở, nơi làm việc của mình các loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự trái với quy định của Nhà nước. Hình thức cất giừ có thể kéo dài. Tội phạm hoàn thành kể từ lúc hành vi cất giữ được thực hiện. Hành vi cất giừ thường được thực hiện bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

– Hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là việc dùng vũ khí hoặc sử dụng các phương tiện kỹ thuật quân sự trái với quy định của Nhà nước.

– Hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được hiểu là hành vi mua đi, bán lại các đối tượng này (không kể người thực hiện hành vi mua bán là đối tượng nào). Tội phạm hoàn thành khi hành vi mua bán được thực hiện.

– Hành vi chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự được thực hiện rất đa dạng. Người phạm tội có thể dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi lén lút, thủ đoạn lừa dối.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là lỗi cố ý trực tiếp.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.


3. Hình phạt

* Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 304 BLHS, theo đó người nào có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

* Khung tăng nặng thứ nhất được quy định tại khoản 2 Điều 304 BLHS có mức phạt tù từ năm năm đến mười hai năm cho các trường hợp phạm tội sau: có tổ chức; vật phạm pháp có số lượng lớn; vận chuyển, mua bán qua biên giới; gây hậu quả rất nghiêm trọng; tái hạm nguy hiểm.

* Khung tăng nặng thứ hai được quy định tại khoản 3 Điều 304 BLHS có mức phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm cho các trường hợp phạm tội sau: vật phạm pháp có số lượng rất lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng.

* Khung tăng nặng thứ ba được quy định tại khoản 4 Điều 304 BLHS có mức phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân cho các trường hợp phạm tội sau đây: vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

* Khoản 5 quy định về hình phạt bổ sung, theo đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Bài viết liên quan