Tội khủng bố theo Bộ luật Hình sự 2015

1. Căn cứ pháp lý

Tội khủng bố được quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 299. Tội khủng bố

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


2. Cấu thành tội phạm của tội khủng bố

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội khủng bố xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, xâm phạm vào danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản của cơ quan, tổ chức, công dân.

Hình minh họa. Cấu thành tội phạm của tội khủng bố

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Tội khủng bố thể hiện bằng những hành vi khách quan sau:

– Hành vi xâm phạm đến tính mạng công dân được thể hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, như: dùng sức mạnh vật chất tác động lên cơ thể nạn nhân gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe công dân. Sức mạnh vật chất thể hiện như: dùng súng bắn, đánh bom, mìn, lựu đạn, dùng dao, kiếm đâm. chém… Hành vi xâm phạm tính mạng trong tội khủng bố cũng có thể được thực hiện bằng các thủ đoạn khác như: đầu độc nạn nhân bằng thuốc độc, các loại hóa chất gây thiệt hại tính mạng công dân.

– Hành vi phá hủy tài sản của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, việc hủy hoại tài sản này dẫn đến làm mất giá trị sử dụng của tài sản như bị đốt cháy, đánh bom, mìn, đổ axit, ngâm nước… làm cho tài sản không thể khôi phục được.

– Hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể như bắt, giữ, giam người trái pháp luật, xâm phạm sức khỏe của công dân như gây thương tích cho người khác, hành vi làm hư hại tài sản là bằng những thủ đoạn khác nhau làm cho tài sản bị hư hỏng muốn sử dụng phải sửa chữa và khôi phục lại.

– Hành vi đe dọa xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của Cơ quan, tổ chức, cá nhân thể hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như bằng lời nói, cừ chi, viết thư, điện thoại… tạo tâm lý hoảng sợ, gây hoang mang cho quần chúng.

Tội phạm hoàn thành khi người thực hiện hành vi phạm tội thực hiện được hành vi khách quan nếu trên không kể hậu quả tác hại đã xảy ra hay chưa.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng là dấu hiệu bắt buộc.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.


3. Hình phạt

* Khoản 1 quy định người nào nhàm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

* Khoản 2 quy định phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

* Khoản 3 quy định phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

* Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung người phạm tội có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bài viết liên quan