Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bàng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.


1. Căn cứ pháp lý

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện được quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

2.1. Khách thể của tội phạm

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, đây cũng là nội dung những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Chính vì thế, hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân xâm phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được pháp luật báo vệ.

Hình minh họa. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này là hành vi cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Hành vi cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ là hành vi dùng các loại thủ đoạn khác nhau buộc người khác buộc phải lựa chọn việc lấy vợ, lấy chồng dù họ không muốn. Hành vi cản trở người khác kết hôn là hành vi ngăn cản việc kết hôn của một người trái ý muốn của họ dù quan hệ tiến tới hôn nhân trong trường hợp này không thuộc các điều kiện cấm kết hôn quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình. Hai loại hành vi này được thực hiện khi những người khác chưa thiết lập quan hệ hôn nhân.

Hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ là hành vi ngăn cản việc tiếp tục mối quan hệ vợ chồng được thiết lập sau khi kết hôn một cách hợp pháp buộc người khác phải ly hôn trái với nguyện vọng của họ. Loại hành vi trên được thực hiện khi những người khác đã tồn tại quan hệ hôn nhân.

Các thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần… mà Điều 181 Bộ luật Hình sự liệt kê được giải thích như sau:

Hành hạ: là hành vi đối xử với người lệ thuộc mình dẫn tới những đau đớn về một thể chất như đánh đập, bỏ đói, bắt giữ, nhốt trói…

Ngược đãi: là hành vi đối xử với người lệ thuộc mình dẫn tới những đau đớn về một tinh thần như mắng chửi, si nhục hoặc hành vi khác làm người bị lệ thuộc cảm thấy nhục nhã, tủi hồ…

Uy hiếp tinh thần: là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích căn bản của người khác hoặc được người khác yêu quý, coi trọng như dọa gây thương tích, gây thiệt hại về tài sản hoặc đe dọa gây thiệt hại cho người định lấy làm vợ, làm chồng…

Thực tế cho thấy để cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. người phạm tội có thể sử dụng một trong những thủ đoạn trên hoặc không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được mục đích phạm tội. Việc phân định người phạm tội sử dụng thủ đoạn nào trong nhiều trường hợp cũng chỉ mang tính chất tương đối do thường gây ra cả những đau đớn về tinh thần cho người bị cản trở, cưỡng ép.

Yêu sách về của cải là hành vi đòi hỏi việc kết hôn phải thỏa mãn những điều kiện về kinh tế một cách phi lý rõ ràng vượt quá khả năng kinh tế của một bên để cho phép kết hôn hoặc thực hiện nghi lễ kết hôn hoặc để đảm bảo cho đời sống hôn nhân sau này như thách cưới, đòi của hồi môn với giá trị rất lớn nhằm ngăn cả, chia rẽ hai bên không thể vượt qua rào cản về kinh tế để tiến đến hôn nhân.

Thủ đoạn khác là những hành v i khác trái pháp luật nhằm mục đích cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Những hành vi nêu trên sẽ chi bị xử lý hình sự nếu trước đó đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này. Mặt khác, một điểm cần lưu ý là những hành v i này nếu đã đủ yếu tố cẩu thành các tội hành hạ người khác hoặc tội bức tử thì sẽ bị xử lý về các tội này.

Một điểm khác cần phân biệt những trường hợp sự tự nguyện trong việc đi tới hôn nhân dựa trên những thủ đoạn lừa dối để lấy người có tài sản, có điều kiện về kinh tế, để lấy người khỏe mạnh, không bị coi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Với các đặc điểm nêu trên, loại tội phạm nào được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, do rất nhiều động cơ khác nhau, song đều chung mục đích là dẫn tới một quan hệ hôn nhân hoặc chấm dứt hôn nhân hoặc chấm dứt việc kết hôn mang tính ép buộc.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người đã thành niên, có năng lực trách nhiệm hình sự.


3. Hình phạt

Loại tội này chỉ có một khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, thể hiện quan điểm về mức hình phạt không cao của các nhà làm luật. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì việc xử lý các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình không những phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản của hình phạt và quyết định hình phạt, mà phải phù hợp với những đặc điểm của quan hệ gia đình và đạo đức xã hội, khi người phạm tội hầu hết là những bậc gia trưởng trong gia đình dòng họ, có công lao nhất định đối với việc sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục người bị cưỡng ép kết hôn hay cản trở hôn nhân, mặt khác, phải tính đến việc khôi phục những quan hệ tình cảm, những giá trị gia đình sau khi tội phạm thực hiện.

Bài viết liên quan