Người bị hại là gì? Quyền và nghĩa vụ của người bị hại

1. Người bị hại là ai?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Một trong những thay đổi về nhận thức đối với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đó là, bị hại không chỉ là cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Theo tinh thần này, bị hại phải được hiểu là con người pháp lý chứ không chỉ là con người tự nhiên và có thể là cá nhân hay cơ quan, tổ chức. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra. Thể chất, tinh thần, tài sản của họ phải là đối tượng của tội phạm. Bị hại cũng có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra; tài sản và uy tín của cơ quan, tổ chức đó phải là đối tượng của tội phạm.

Xét về mặt hình thức, người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra chỉ trở thành bị hại trong tố tụng hình sự khi họ được cơ quan có thẩm quyền công nhận là bị hại (thông qua giấy triệu tập bị hại). Trong trường hợp hành vi phạm tội không bị phát hiện và xử lý hoặc trường hợp không xác định được người bị thiệt hại mặc dù trên thực tế có người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra thì người đó cũng không trở thành bị hại trong vụ án hình sự.

Hình minh họa. Người bị hại là gì? Quyền và nghĩa vụ của người bị hại

2. Quyền và nghĩa vụ của bị hại

2.1. Quyền của bị hại

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ;

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự, trước khi lấy lời khai bị hại, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải thông báo và giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị hại biết. Việc này phải được ghi vào biên bản.

– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

Một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Theo đó, không chỉ các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ cũng có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đổ vật liên quan đến vụ án để làm rõ tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, cũng như những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bị hại cũng có quyền đưa ra những yêu cầu như yêu cầu hoãn phiên tòa, yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng…

– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá là quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Quy định này tạo sự chủ động cho bị hại trong việc bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của mình.

– Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, định giá tài sản về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, trừ những trường hợp giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết, nếu không chấp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; khi không được chấp nhận thì bị hại có quyền tự mình yêu cầu giám định.

– Được thông báo về kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

Tùy theo từng giai đoạn tố tụng, bị hại được cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án như quyết định truy tố, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án… để họ biết được những vấn đề thuộc nội dung vụ án mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã kết luận, trên cơ sở đó họ chuẩn bị chứng cứ, lý lẽ hoặc yêu cầu để buộc tội bị cáo hoặc để chứng minh những thiệt hại mà bị can (hoặc bị cáo) gây ra, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Họ cũng có quyền được thông báo kết quả giải quyết vụ án của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

– Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

Bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật khi có căn cứ cho rằng những người này không vô tư trong khi tiến hành tố tụng hoặc khi tham gia tố tụng;

– Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại và các biện pháp bảo đảm bồi thường;

Không giống với những người tham gia tố tụng khác, bị hại luôn quan tâm và mong muốn quyền lợi của họ được giải quyết một cách thỏa đáng, nên họ không những có quyền đề nghị mức bồi thường mà còn có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp cần thiết đê’ bảo đảm bồi thường như kê biên tài sản hoặc các biện pháp khác. Ngoài ra, họ còn quan tâm đến việc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào về hành vi đã gây ra, vì vậy pháp luật quy định bị hại có quyền đề nghị hình phạt với bị cáo.

– Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đê’ nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

Bị hại tham gia phiên tòa để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại phiên tòa. Tòa án phải triệu tập bị hại đến dự phiên tòa, nếu bị hại vắng mặt, Tòa án phải hoãn phiên tòa nếu thấy cần thiết.

– Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

– Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Chú trọng và nâng cao vai trò của bị hại trong vụ án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định quyền tham gia các hoạt động tố tụng của bị hại để họ chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà không cần phải chờ đến khi được thông báo.

– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

– Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

Bị hại có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như hình phạt đối với bị cáo. Khi tội phạm xảy ra, quan hệ pháp luật hình sự xuất hiện là quan hệ giữa Nhà nước và chủ thể của tội phạm (về quan hệ pháp luật tố tụng hình sự thì đó là giữa cơ quan tiến hành tố tụng và bị can, bị cáo), còn mối quan hệ giữa bị can, bị cáo và bị hại chỉ là quan hệ dân sự trong việc bổi thường những thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Mặc dù vậy, do bị hại là nạn nhân của hành vi phạm tội, những thiệt hại mà bị hại phải gánh chịu không chỉ là những thiệt hại về vật chất mà còn là những tổn thất khác về uy tín, tinh thần, không chỉ bồi thường thiệt hại vật chất mà có thể giải quyết được. Vì vậy, ngoài quyền kháng cáo về mức bồi thường, pháp luật còn quy định cho bị hại được quyền kháng cáo cả về phần hình phạt, được thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trong việc yêu cầu Nhà nước xử lý thích đáng về hình sự đối với bị cáo.

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

Là chủ thể trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc bị thiệt hại về uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra, nếu các quyết định, hành vi tố tụng của quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không có căn cứ hoặc trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì bị hại có quyền khiếu nại.

– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài những quy định trên, Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định:

Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị hại.

Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

2.1. Nghĩa vụ của bị hại

Để khắc phục những khó khăn trong trường hợp họ bất hợp tác và cố tình không có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cẩu, đổng thời để cao trách nhiệm của họ, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị hại có nghĩa vụ sau:

– Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

– Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bài viết liên quan