Những điều cần biết về Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)

Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.


1. Các trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận lưu hành tự do

– Pháp luật quy định hàng hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do;

– Theo đề nghị của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp không thuộc danh mục cần phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do theo quy định của pháp luật.


2. CFS đối với hàng hóa nhập khẩu

CFS này sẽ do cơ quan, tổ chức nước ngoài (nước mà thương nhân nhập khẩu hàng hóa) cấp để thương nhân nộp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý khi nhập khẩu hàng hóa.

Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS đối với hàng hóa nhập khẩu tại Phụ lục V Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Căn cứ yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ và trong phạm vi danh mục này các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp CFS kèm theo mã HS hàng hóa.

CFS phải có những thông tin tối thiểu sau đây:

– Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.

– Số, ngày cấp CFS.

– Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

– Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

– Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.

– Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.

– Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.

Cơ quan quản lý sẽ quy định cụ thể những trường hợp CFS được áp dụng cho nhiều lô hàng.

Trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan quản lý, CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.

Trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS hoặc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với nội dung CFS, cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh tới cơ quan, tổ chức cấp CFS.

Hình minh họa. Những điều cần biết về Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)

3. CFS đối với hàng hóa xuất khẩu

Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý trực tiếp thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu trong những trường hợp sau:

– Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.

– Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

CFS đối với hàng hóa xuất khẩu được thể hiện bằng tiếng Anh và có các nội dung tối thiểu như đối với CFS hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu của của nước nhập khẩu thì cơ quan có thẩm quyền cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu.


4. Quy trình cấp CFS tại Việt Nam

Thương nhân gửi hồ sơ trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến đến cơ quan cấp CFS, hồ sơ bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

– Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

– Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.

– Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp CFS cho thương nhân.

Lưu ý: Số lượng CFS được cấp theo yêu cầu của thương nhân.

Bài viết liên quan