Pháp luật là gì? Nguồn gốc của pháp luật

1 Khái niệm pháp luật

Trong lịch sử tư tưởng và khoa học pháp lý của nhân loại cho đến nay chưa tìm thấy một lý giải mang tính thống nhất cho quan niệm về pháp luật. Nhiều học giả ở phương Tây như Cicero (106 – 43. tr. CN), St. Augustine (354 – 430), các chính trị gia thời La Mã đã cho rằng pháp luật là “sự phân biệt giữa những thứ công bằng và bất công”, là “sự đồng nhất giữa luật và công lý”; với triết lý về sự “Tự do”, John Locke (1632 – 1704); Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778), những chính trị gia có ảnh hưởng lớn tới cuộc cách mạng tư sản Pháp đã cho rằng: sẽ không có “tự do” nếu không có sự hiện diện của pháp luật;… Đối với Karl Marx (1818 – 1883), cha đẻ của lý thuyết cộng sản hiện đại, pháp luật chẳng qua chỉ là “ý chí của các ông (giai cấp tư sản) được nâng lên thành luật áp dụng chung cho tất cả mọi người – thứ ý chí mà nội dung chủ yếu của nó do điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định”.

Có thể thấy rằng, sự khác biệt trong quan niệm của các nhà tư tưởng nổi tiếng về khái niệm pháp luật, mặc dù là khái niệm dùng để diễn tả một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, nhưng lại được diễn tả qua lăng kính chủ quan của con người khiến cho nó khác đi. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, mỗi quan niệm pháp luật đều có các khía cạnh “chính trị” của nó.

Tuy nhiên, trên cơ sở của triết học duy vật lịch sử – Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng đã khẳng định được sự hiện diện khách quan của pháp luật trong đời sống của xã hội có giai cấp và pháp luật được xem là “hệ thống các quy tắc xử sự, mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể”.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta có nhiều thay đổi, nhất là việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khép kín, sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập với quốc tế, nhiều quan niệm truyền thống của lý luận Mác Lê nin đã được xem xét lại để bổ sung, hoàn thiện. Trong bối cảnh ấy, khía cạnh giai cấp của pháp luật tuy tiếp tục được khẳng định, nhưng khía cạnh xã hội hay giá trị xã hội của pháp luật được coi trọng hơn. Bối cảnh ấy cũng mở đường cho việc đánh giá các quan điểm về pháp luật của phương Tây với thái độ cởi mở và độ lượng hơn. Trước đây, đã có không ít lý luận pháp luật của các nước phương Tây coi là sản phẩm của xã hội, giai cấp “tư sản” và bị bác bỏ toàn bộ. Hiện nay trong bối cảnh mới, giới luật gia Việt Nam đã mạnh dạn tiếp thu, thừa nhận nhiều quan niệm, triết lý của phương Tây, như các tư tưởng, quan điểm pháp lý là một ví dụ điển hình.

Hình minh họa. Pháp luật là gì? Nguồn gốc của pháp luật

2. Nguồn gốc pháp luật

Pháp luật là sản phẩm của xã hội có giai cấp, pháp luật ra đời là do xuất phát từ nhu cầu quản lý xã hội. Việc lý giải về sự ra đời của pháp luật cũng sẽ tương tự như sự lý giải về sự ra đời của Nhà nước, khi lý giải về sự ra đời của pháp luật cũng đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thần học cho rằng, pháp luật là do thượng đế sắp đặt, tạo ra theo ý muốn của thượng đế; Quan điểm duy tâm khách quan thì cho rằng pháp luật là sản phẩm hiện thực của ý niệm đạo đức; Quan điểm theo trường phái pháp luật tự nhiên thì cho rằng ở đâu con người tồn tại, hiện diện thì ở đó có pháp luật. Quan điểm đại diện cho trường phái này phải kể đến Montesquieu, học giả người Anh cho rằng “Mọi vật đều có luật của nó. Thế giới thần linh, thế giới vật chất, những trí tuệ siêu việt, cho đến các loài vật và loài người đều có luật của mình”; Quan điểm Mác – Lênin đã lý giải về sự ra đời của pháp luật là tất yếu và khách quan, pháp luật ra đời là sản phẩm của sự biến đổi xã hội từ xã hội không có giai cấp sang xã hội có giai cấp.

Khi xã hội hình thành nhiều giai tầng khác nhau, đối kháng nhau thì các quy tắc xã hội không còn phù hợp với ý chí chung của mọi người trong xã hội. Giai cấp nắm giữ nhiều của cải vật chất muốn có những quy tắc mới nhằm tạo sức mạnh hơn hẳn so với những quy tắc xã hội cũ để bảo vệ lợi ích cho giai cấp mình, nên đã tìm cách giữ lại những tập quán có lợi, vận dụng và biến đổi các tập quán đó sao cho có lợi cho giai cấp mình.

Như vậy, pháp luật ra đời là do nhu cầu quản lý xã hội, là sản phẩm của sự phát triển xã hội vừa thể hiện tính khách quan và vừa thể hiện tính chủ quan. Nghĩa là pháp luật ra đời do nhu cầu đòi hỏi của xã hội khi đã phát triển đến một mức độ nhất định và đồng thời pháp luật cũng lại phụ thuộc vào ý chí của nhà nước, giai cấp, lực lượng thống trị trong xã hội.

Như vậy pháp luật được hình thành và phát triển luôn gắn với các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người, gắn với các hình thái kinh tế xã hội trong từng giai đoạn lịch sử: Nhà nước Chủ nô có pháp luật chủ nô; Nhà nước Phong kiến có pháp luật phong kiến; Nhà nước Tư sản có pháp luật tư sản; Nhà nước Xã hội chủ nghĩa có pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Bài viết liên quan