Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học

Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học là những vấn đề (sự vật, hiện tượng) mà ngành khoa học này nghiên cứu trong những phạm vi, mức độ nghiên cứu cụ thể nhằm đạt được mục đích của nó. Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học Việt Nam gồm bốn vấn đề cơ bản sau đây:


1. Tình hình tội phạm

Để có cơ sở phòng chống tội phạm trước hết phải hiểu bản chất của nó. Luật hình sự nghiên cứu tội phạm ở mức độ hành vi. Hành vi phạm tội có những thuộc tính, dấu hiệu đặc trưng khác với những hành vi xã hội khác”. Tuy nhiên, tội phạm được tội phạm học nghiên cứu ở các mức độ tồn tại khác nhau, không chỉ ở mức độ hành vi mà còn ở mức độ chung nhất, khái quát nhất, đó là “tình hình tội phạm”. Và chỉ khi có sự nghiên cứu tội phạm từ mức độ hành vi sang mức độ khái quát như vậy thì mới có thể nhận thức được đầy đủ “bức tranh” tình hình tội phạm, từ đó định ra một chiến lược, chương trình phòng ngừa tội phạm đồng bộ ở các cấp độ.

Ở góc độ xã hội, tội phạm học quan niệm tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội được hình thành từ những xử sự có tính xã hội. Ở góc độ pháp lý, tình hình tội phạm được tạo thành từ những hành vi bị luật hình sự coi là tội phạm. Như vậy, tội phạm học đã tiếp cận tình hình tội phạm ở khía cạnh xã hội – pháp lý.

Hình minh họa. Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học

Tình hình tội phạm tồn tại khách quan và có những đặc điểm, thuộc tính riêng của nó. Dựa vào các thuộc tính, đặc điểm này có thể biết được tính chất của tình hình tội phạm và phân biệt nó với các hiện tượng khác hiện diện trong xã hội. Vì vậy, những thuộc tính, dấu hiệu của tình hình tội phạm là nội dung đầu tiên của tình hình hình tội phạm được tội phạm học nghiên cứu. Mặt khác, các thông số của tình hình tội phạm cũng được tội phạm học làm sáng tỏ để có cơ sở đánh giá sự tồn tại, phổ biến của tình hình tội phạm đã xảy ra. Như vậy, các thuộc tính, đặc điểm tình hình tội phạm và các thông số tình hình tội phạm là hai nội dung đầu tiên, quan trọng cần nhận thức về tình hình tội phạm.

Tội phạm học nghiên cứu tình hình tội phạm ở ba mức độ: tình hình tội phạm chung (bao gồm tất cả các tội phạm), loại tội phạm (bao gồm những tội phạm có cùng đặc điểm, tính chất) và tội phạm cụ thể. Mỗi mức độ tồn tại đều có quy luật riêng và giữa chúng có mối quan hệ biện chứng tuân theo quy luật của cặp phạm trù cái chung – cái riêng của phép biện chứng duy vật. Tình hình tội phạm cũng được tội phạm học nghiên cứu ở những phạm vi địa bàn hoặc ngành – lĩnh vực khác nhau và trong những giai đoạn, thời điểm khác nhau.

Có thể nói tình hình tội phạm là khái niệm cơ bản, trung tâm trong tội phạm học. Những hiểu biết ban đầu về tình hình tội phạm sẽ mở ra những nội dung nghiên cứu khác có liên quan như nguyên nhân phạm tội, dự báo tình hình tội phạm, phòng ngừa tội phạm,…


2. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm

Sự tồn tại tình hình tội phạm luôn luôn có nguyên nhân và điều kiện. Nhu cầu nhận thức về tình hình tội phạm tất yếu đưa đến việc tìm hiểu các nguyên nhân và điều kiện của nó. Mặt khác, hoạt động phòng ngừa tội phạm hướng đến loại bỏ các nguyên nhân và điều kiện. Như vậy, nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm là nội dung quan trọng thuộc đối tượng nghiên cứu của tội phạm học.

Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm được tội phạm học nghiên cứu là những hiện tượng, quá trình có khả năng làm phát sinh, tồn tại tình hình tội phạm.

Nội dung và yêu cầu nghiên cứu là làm sáng tỏ những hiện tượng, quá trình nào có vai trò làm phát sinh, tồn tại tình hình tội phạm cũng như mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng trong cơ chế đó. Vấn đề quan trọng là chứng minh được mối quan hệ nhân quả để thấy được tình hình tội phạm là kết quả tất yếu của một số nguyên nhân và điều kiện nhất định.

Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm được nghiên cứu ở phạm vi và mức độ chung nhất (nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm), ở phạm vi và mức độ loại tội phạm (nguyên nhân và điều kiện của loại tội phạm), ở phạm vi và mức độ tội phạm cụ thể.

Trên cơ sở các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm có thể biết được quy luật của tình hình tội phạm, xu hướng của nó và xây dựng các biện pháp phòng ngừa nó trong tương lai.


3. Nhân thân người phạm tội

Tội phạm do con người thực hiện, do đó muốn tìm hiểu bản chất tội phạm (hoặc tình hình tội phạm) cần nghiên cứu con người phạm tội, mà cụ thể là làm sáng tỏ các đặc điểm nhân thân. Mặt khác, các biện pháp phòng chống tội phạm chủ yếu tác động đến con người phạm tội và các mối quan hệ xã hội của con người. Do đó, nhân thân người phạm tội trở thành đối tượng nghiên cứu của tội phạm học…

Nhân thân người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu bao gồm các đặc điểm đặc trưng, điển hình phản ánh bản chất người phạm tội. Những đặc điểm này có vai trò trong cơ chế hành vi phạm tội, góp phần làm phát sinh tội phạm.

Nội dung nghiên cứu nhân thân người phạm tội, trước hết là tìm hiểu nguồn gốc hình thành các đặc điểm nhân thân, sau đó phân tích để làm sáng tỏ đặc điểm, tính chất và mức độ tác động các đặc điểm nhân thân đó trong cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội. Mặt khác, mối quan hệ biện chứng giữa các đặc điểm sinh học và các đặc điểm xã hội của người phạm tội cũng là một chủ đề quan trọng của tội phạm học. Vấn đề phân loại (kiểu hóa) người phạm tội cũng được tiến hành sau khi tìm hiểu các đặc điểm nhân thân người phạm tội.

Những đặc điểm nhân thân người phạm tội được nghiên cứu ở các khía cạnh sinh học, tâm lý, xã hội và pháp lý. Tất nhiên, không phải tất cả các đặc điểm nhân thân của người phạm tội đều là đối tượng nghiên cứu của tội phạm học mà chỉ có những đặc điểm nhân thân nào có ý nghĩa đối với việc thực hiện tội phạm và phòng chống tội phạm mới được tội phạm học nghiên cứu.

Chỉ khi nào nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về con người phạm tội thông qua các đặc điểm nhân thân của họ mới có thể “giải mã” được vì sao một người phạm tội và phạm tội này chứ không phạm tội khác. Và khi đó có thể dự báo được tội phạm và phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.


4. Phòng ngừa tội phạm

Phòng ngừa tội phạm là mục tiêu, đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu của tội phạm học. Kết quả của quá trình nhận thức về tội phạm và con người phạm tội sẽ đem lại nhiều ý nghĩa nếu được vận dụng vào thực tiễn phòng ngừa tội phạm.

Phòng ngừa tội phạm được tội phạm học nghiên cứu bao gồm: các biện pháp, các nguyên tắc, các chủ thể phòng ngừa tội phạm; vấn đề dự báo tội phạm và kế hoạch hóa hoạt động phòng ngừa tội phạm.

Phòng ngừa tội phạm được nghiên cứu ở phương diện xã hội và pháp lý; phòng ngừa toàn bộ tội phạm nói chung, phòng ngừa loại tội phạm và tội phạm cụ thể; phòng ngừa theo chủ thể chịu tác động của biện pháp; phòng ngừa tội phạm ở phạm vi quốc gia, địa phương, ngành và lĩnh vực hoạt động xã hội.

Như vậy, chỉ khi nào tội phạm học nghiên cứu đầy đủ những vấn đề cơ bản nêu trên thì mới có thể nhận thức đầy đủ về tình hình tội phạm và lĩnh vực hoạt động phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, tội phạm học còn nghiên cứu những vấn đề liên quan khác như: Lịch sử hình thành và phát triển tội phạm học, Nạn nhân học, Tội phạm học nước ngoài, Hợp tác quốc tế trong phòng ngừa tội phạm…. Tầm quan trọng và hướng nghiên cứu của nó được tóm tắt như sau:

Thnht, Lịch shình thành và phát triển tội phạm học. Khía cạnh lịch sử của tội phạm học phản ánh “dòng chảy” tư tưởng về tội phạm và phòng ngừa tội phạm xuyên suốt các thời kỳ lịch sử cùng với các thành tựu cũng như những hạn chế của nó. Nghiên cứu lịch sử là để kế thừa và định hướng phát triển tội phạm học. Mặt khác, những sáng kiến, kinh nghiệm được rút ra từ lịch sử tội phạm học có thể được vận dụng trong thực tiễn phòng chống tội phạm. Ngày nay, tri thức về lịch sử của tội phạm học có vị trí quan trọng trong hệ thống tội phạm học.

Thhai, Nạn nhân học. Nạn nhân của tội phạm cũng là đối tượng nghiên cứu của tội phạm học. Nếu đặt vấn đề vì sao một người phạm tội và tìm hiểu nhân thân người phạm tội, thì ngược lại, cũng cần đặt câu hỏi vì sao một người trở thành nạn nhân của tội phạm và tất yếu phải nghiên cứu khía cạnh nạn nhân của tội phạm. Nạn nhân được nghiên cứu trong tội phạm học không hạn chế ở việc giải thích các tình huống phạm tội liên quan đến nạn nhân mà còn giải quyết nhiều nhiệm vụ lý luận và thực tiễn khác về phòng ngừa tội phạm. Tri thức về nạn nhân của tội phạm (nạn nhân học) còn được xem như là phần phụ (sub-area) của tội phạm học.

Thứ ba, Tội phạm học nước ngoài. Ngày nay, tội phạm học phát triển mạnh ở nhiều quốc gia và có những đóng góp đáng kể cho hoạt động phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, quan điểm về tội phạm và phòng ngừa tội phạm trong lý luận và thực tiễn của các nước có thể có những điểm tương đồng và khác biệt cần được tham khảo, đặc biệt là tội phạm học của những nước có trình độ phát triển. – Một hướng tiếp cận khác đối với tội phạm học nước ngoài là nghiên cứu ở góc độ so sánh – gọi là “Tội phạm học So sánh” (Comparative Criminology). Như vậy, tội phạm học nước ngoài cũng là một đối tượng nghiên cứu đồng thời là một lĩnh vực tri thức của Tội phạm học.

Thtư, hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm. Nếu xem xét vấn đề một cách độc lập thì hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm diễn ra ở ba hướng chính. Một là, hợp tác thông qua lập pháp hình sự, trong đó các quốc gia thống nhất về các dấu hiệu pháp lý hình sự đối với các tội phạm có tính chất quốc tế (như khủng bố, rửa tiền, buôn bán người,…) và tinh thần áp dụng các biện pháp chế tài đối với các tội phạm đó. Hai là, các quốc gia thỏa thuận nội dung, cách thức tương trợ tư pháp hình sự (theo dõi, điều tra tội phạm, dẫn độ, chuyển giao phạm nhân thi hành hình phạt tù,…). Thực chất đây là hợp tác ở khía cạnh tố tụng hình sự. Ba là, hợp tác trong việc trao đổi thông tin về tội phạm có tính chất quốc tế, nguyên nhân và xu hướng của nó; hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát tội phạm và phòng ngừa tội phạm giữa các quốc gia, giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế; hợp tác trong đào tạo cán bộ, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, tài chính,… Hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm ở khía cạnh này là đối tượng nghiên cứu của tội phạm học.

Bài viết liên quan