Quy định chế độ phụ cấp độc hại mới nhất

1. Chế độ phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Thông tư 07/2005/TT-BNV, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức viên chức được chia thành 04 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.

(1) Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

– Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

– Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

– Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

– Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

(2) Mức 2, hệ số 0,2 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).

(3) Mức 3, hệ số 0,3 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).

(4) Mức 4, hệ số 0,4 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm quy định tại (1).

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Hình minh họa. Quy định chế độ phụ cấp độc hại mới nhất

2. Chế độ phụ cấp độc hại đối với người lao động

Nếu người lao động làm việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại sẽ tùy theo sự thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động.

Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 1/3/2021 quy định danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được áp dụng theo Thông tư này, và trong Bộ luật Lao động 2019 không nhắc đến yếu tố nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại trong thang lương, bảng lương.

So với quy định trước đây, danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được bổ sung thêm số lượng đáng kể các nghề, công việc nhưng vẫn được chia theo từng lĩnh vực cụ thể và phân loại theo điều kiện lao động loại VI, V, VI. Tuy nhiên, Thông tư mới chỉ quy định chung tất cả các nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc độc hại nguy hiểm mà không chỉ rõ công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thì tương ứng với điều kiện lao động nào.

Ngoài mức phụ cấp độc hại có thể thỏa thuận theo hợp đồng lao động thì các quy định khác về chế độ cho người lao động làm công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm có thể đưa vào hợp đồng lao động cho người lao động theo các quy định sau tùy đối tượng áp dụng:

Về thời gian làm việc:

Người lao động được đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Căn cứ: Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019

Về nghỉ hằng năm:

Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:

– 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong khi đó, người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Quyền lợi riêng của một số đối tượng:

– Lao động nữ mang thai: Được giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày hoặc chuyển công việc nhẹ hơn.

Tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động thì được chuyển làm việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

– Lao động cao tuổi: Chỉ được sử dụng lao động cao tuổi khi đảm bảo điều kiện an toàn.

Nội dung này được ghi nhận cụ thể trong khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động năm 2019:

Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

– Lao động là người khuyết tật: Chỉ được sử dụng người khuyết tật làm công việc này nếu họ đồng ý.

Cụ thể, khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm hành vi sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

* Chế độ hưu trí:

Theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.

* Chế độ ốm đau:

Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:

– 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);

– 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 – dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);

– 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

* Chế độ bệnh nghề nghiệp:

Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

– Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.

Bài viết liên quan