1. Giống cây trồng mới là gì?
Theo Công ước UPOV (International Union for the Protection of New Varieties of Plant), giống cây trồng là một nhóm cây trồng thuộc duy nhất một cấp phân loại thực vật thấp nhất, bất kể giống cây trồng đó có đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được công nhận quyền tác giả giống cây trồng hay không. Nhóm cây trồng này phải:
i) Xác định được bằng sự biểu hiện của các tính trạng thu được từ các kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen đã biết;
ii) Phân biệt được với các nhóm cây trồng bất kỳ khác bằng sự thể hiện của ít nhất một trong các tính trạng đã biết;
iii) Được coi là một đơn vị khi xét về khả năng không thay đổi trong quá trình nhân giống cây trồng.
Như vậy, một giống cây trồng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được thừa nhận, không phải định nghĩa riêng cho các giống cây trồng đủ điều kiện bảo hộ. Do vậy, một giống phải được xác định bằng những tính trạng biểu hiện rõ ràng, cụ thể qua bản mô tả tính trạng khi được cấp bằng bảo hộ. Cũng có quan điểm cho rằng, chỉ cần sử dụng phương pháp công nghệ sinh học phân tử để phân biệt sự khác biệt giữa các giống mà không cần thí nghiệm khảo nghiệm để mô tả giống đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, cần phân biệt khái niệm “xác định”.
Pháp luật Việt Nam đưa ra một số khái niệm sau:
– Giống cây trồng gồm cây giống hoàn chỉnh, vật liệu nhân giống, vật liệu thu hoạch của các giống cây trồng thuộc loài cây nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sinh, các loài nấm mới được chọn tạo hoặc được phát hiện và phát triển từ một loài cây trồng thuộc Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;
– Chủ bằng bảo hộ giống cây trồng là tổ chức, cá nhân được cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
– Vật liệu nhân giống là các bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây hoàn chỉnh như: hạt giống, bào tử, thân, rễ, cây con, cành ghép, mắt ghép, cây ghép, sợi nấm, củ, quả, chồi, hoa, mô, tế bào hoặc các bộ phận khác của cây;
– Vật liệu nhân giống là cây hoàn chỉnh hoặc bất cứ bộ phận nào của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống của giống cây trồng;
– Bản mô tả chi tiết của giống cây trồng là tài liệu thể hiện các tính trạng của giống cây trồng theo quy phạm khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định và được xác nhận của cơ quan bảo hộ giống cây trồng. Bản mô tả chi tiết được coi là đã công bố khi phát hành tới công chúng dưới các hình thức như: báo cáo khoa học, bản tin, báo, tạp chí hoặc các ấn phẩm khác;
– Cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong Nghị định này là Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
– Đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam là tổ chức, cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc có địa chỉ thường trú tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức, cá nhân sở hữu giống cây trồng đăng ký bảo hộ ủy quyền bằng văn bản để thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
– Tác giả giống cây trồng là người trực tiếp thực hiện toàn bộ hoặc một phần công việc chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới;
– Nước có ký thỏa thuận về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng với Việt Nam được hiểu là một quốc gia bất kỳ có ký thỏa thuận song phương với Việt Nam hoặc các quốc gia thuộc tổ chức liên chính phủ trong trường hợp Việt Nam ký thỏa thuận với tổ chức liên chính phủ về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
2. Bảo hộ giống cây trồng
Bảo hộ giống cây trồng (bảo hộ quyền đối với giống cây trồng) là một dạng SHTT mà nó dành cho chủ sở hữu (hoặc tác giả) giống cây trồng một quyền được độc quyền khai thác giống cây trồng để chủ sở hữu quyền có điều kiện thu lại những chi phí cho quá trình đầu tư vào công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới. Việc thu lại những chi phí của chủ sở hữu (hoặc tác giả) có thể bằng cách tự khai thác (độc quyền sản xuất giống để bán) hoặc cho phép người khác khai thác rồi thu tiền bản quyền từ người khai thác. Nhờ cơ chế này mà chủ sở hữu có thể tái đầu tư cho việc nghiên cứu chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới tiếp theo và do vậy tạo ra nhiều giống cây trồng cho sản xuất.
Theo Công ước UPOV chủ sở hữu giống cây trồng gồm tổ chức, cá nhân thuộc một trong các trường hợp:
(1) Trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới bằng chi phí của bản thân;
(2) Đầu tư cho việc chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng mới;
(3) Được thừa kế hợp pháp quyền đối với giống cây trồng từ người khác. Chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng: Đối với một số cơ sở nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước thì chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng thuộc về nhà nước. Đối với các công ty thì phụ thuộc vào hợp đồng ký kết thuê nhân công giữa công ty và tác giả làm trong công ty. Quyền đối với giống cây trồng còn được trao cho người “phát hiện hoặc phát triển giống cây trồng mới” nghĩa là một người chỉ phát hiện giống cây trồng rồi đăng ký bảo hộ thì chưa đủ điều kiện để được cấp quyền. Sau khi phát hiện người này cần phát triển giống cây trồng. Thử nghiệm đòi hỏi tốn công sức, thời gian và các chi phí cần thiết do vậy cụm từ “phát hiện và phát triển” thể hiện hai hoạt động cần có để có được quyền đối với giống cây trồng.
3. Ý nghĩa của việc bảo hộ giống cây trồng
Việc bảo hộ giống cây trồng có ý nghĩa sau:
– Hỗ trợ công tác bảo tồn và tăng đa dạng nguồn gen cây trồng;
– Tăng số lượng tác giả tham gia chọn tạo và phát triển giống cây trồng mới;
– Nhà nước giảm đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, có điều kiện tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản;
– Chọn tạo giống gắn với thị trường;
– Chất lượng giống trong sản xuất được duy trì;
– Cơ hội tiếp nhận đầu tư vào sản xuất giống;
– Người sản xuất có cơ hội tiếp cận các giống tốt.