1. Tiến bộ xã hội là gì?
Tiến bộ xã hội là sự phát triển con người một cách toàn diện, phát triển các quan hệ xã hội công bằng và dân chủ. Tiến bộ xã hội là quy luật phát triển khách quan của lịch sử xã hội, là sự thay thế của các hình thái kinh tế – xã hội, hình thái sau cao hơn hình thái trước. Sự tiến bộ xã hội thể hiện ở sự công bằng xã hội, ở mức sống của con người tăng lên, sự phân hóa giàu nghèo ít và sự chênh lệch nhỏ về trình độ phát triển giữa các khu vực, thất nghiệp ít hoặc được loại trừ, các loại phúc lợi xã hội, dân trí, v.v. tăng lên.
Tiến bộ xã hội được thể hiện tập trung ở sự phát triển nhân tố con người. Liên hợp quốc dùng khái niệm chỉ số về phát triển con người (HDI – Human Development Issue) làm tiêu chí đánh giá sự tiến bộ và phát triển của mỗi quốc gia. Chỉ số HDI được xây dựng với ba chỉ tiêu cơ bản là:
– Tuổi thọ bình quân, đó là số năm sống bình quân của mỗi người dân ở một quốc gia từ khi sinh ra đến lúc chết.
– Thành tựu giáo dục, được tính bằng trình độ học vấn của người dân và số năm đi học bình quân của người dân tính từ tuổi đi học (mặt bằng dân trí).
– Mức thu nhập bình quân đầu người (GDP/người/ năm). HDI là chỉ tiêu tổng hợp quan trọng đánh giá tiến bộ xã hội.
2. Quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội
Phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau.
Phát triển kinh tế là cơ sở vật chất cho tiến bộ xã hội. Tiến bộ xã hội biểu hiện ở sự tăng mức sống của con người, tức là kinh tế phải tăng trưởng làm cho GDP/người tăng lên. Tiến bộ xã hội còn biểu hiện ở sự giảm khoảng cách giàu nghèo, ở trình độ phát triển giữa các vùng chênh lệch ít… Muốn vậy, kinh tế phải phát triển mới có thể tạo điều kiện vật chất để thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo, đầu tư cho sự phát triển ở các vùng lạc hậu. Tiến bộ xã hội cũng thể hiện ở nâng cao dân trí, học vấn, phục vụ y tế, việc mở rộng các loại phúc lợi xã hội… Những nhiệm vụ trên chỉ có thể thực hiện có kết quả nhờ phát triển kinh tế.
Ngược lại, tiến bộ xã hội lại thúc đẩy sự phát triển kinh tế hơn nữa. Một mặt, tiến bộ xã hội xác định các nhu cầu mới của đời sống xã hội, đòi hỏi nền kinh tế phải đáp ứng. Mặt khác, tiến bộ xã hội thể hiện ở mức sống của con người tăng lên, trình độ học vấn, dân trí tăng lên, công bằng xã hội tốt hơn… làm cho xã hội ổn định, khả năng lao động sáng tạo và nhiệt tình lao động của con người tốt hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển hơn.
Quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội suy đến cùng thực chất là quan hệ biện chứng giữa sự phát triển lực lượng sản xuất với sự phát triển quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Nói cách khác, đó là sự phát triển của hình thái kinh tế – xã hội.
Phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là một trong những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều đó được khẳng định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển”, và được phát triển tại Đại hội X của Đảng: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”.