Trách nhiệm pháp lý của vi phạm dân sự quy định như thế nào?

Luật dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật thể hiện tập hợp các quy tắc điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trong giao dịch dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm. Vậy Trách nhiệm pháp lý của vi phạm dân sự quy định như thế nào? Hãy cùng hilaw.vn tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.


1. Vi phạm dân sự là gì?

Vi phạm dân sự là sự xâm phạm đến các quan hệ nhân thân và tài sản được quy định chung trong bộ luật Dân sự và quan hệ pháp luật dân sự khác được pháp luật bảo vệ, như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Chế tài dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự. Đối với chế tài dân sự, nó được đặt ra để bảo vệ quyền và lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội với nhau, là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho cam kết giữa các bên được thực hiện.

Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái quy định của pháp luật, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, làm xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Vi phạm pháp luật gồm:

  • Vi phạm hành chính
  • Vi phạm dân sự
  • Vi phạm hình sự
  • Vi phạm kỷ luật

Trong đó, vi phạm dân sự diễn ra tương đối phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đây là hành vi trái pháp luật và có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm phạm quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân gắn với tài sản, quan hệ nhân thân phi tài sản. Chủ thể vi phạm trong trường hợp này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ trong một quan hệ pháp luật dân sự.

Vi phạm dân sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong quan hệ dân sự. Các hành vi vi phạm dân sự gồm:

  • Vi phạm nguyên tắc, điều cấm của Bộ luật Dân sự
  • Vi phạm nghĩa vụ dân sự
  • Vi phạm hợp đồng dân sự
  • Vi phạm pháp luật dân sự ngoài hợp đồng
  • Vi phạm khác đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức….
Hình minh họa. Trách nhiệm pháp lý của vi phạm dân sự quy định như thế nào?

2. Trách nhiệm pháp lý của vi phạm dân sự quy định như thế nào?

Trách nhiệm pháp lý của vi phạm dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu, những chủ thể này phải thực hiện những biện pháp cưỡng chế của nhà nước, được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật khi họ vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.

Trách nhiệm vi phạm dân sự (trách nhiệm dân sự) là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước khi có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm… của chủ thể khác hoặc khi vi phạm nghĩa vụ dân sự đối với bên có quyền. Trong đó, bồi thường thiệt hại là biện pháp cưỡng chế phổ biến nhất trong vi phạm dân sự.

Cụ thể, tại Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:

Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.Các trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ khi vi phạm dân sự gồm:

– Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ;

– Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật;

– Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.


3. Hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự

Điều 354. Hoãn thực hiện nghĩa vụ

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.Nếu vì lý do khách quan hoặc chủ quan mà bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn thì phải thông báo cho bên có quyền biết và đề nghị bên có quyền gia hạn thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thông báo hoặc có thông báo nhưng bên có quyền không đồng ý, thì bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự. Trường hợp do sự kiện bất khả kháng mà không thể thông báo (bão lũ, dịch bệnh, tai nạn…) thì bên có nghĩa vụ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu bên có nghĩa vụ thông báo về chậm thực hiện nghĩa vụ và được bên có quyền đồng ý thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ được gia hạn và không bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ.


4. Phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự

– Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dân sự, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

– Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, các bên trong hợp đồng dân sự chỉ được áp dụng phạt vi phạm khi có thỏa thuận.

Bài viết liên quan