Không có một hiệp định nào của WTO điều chỉnh toàn diện chính sách đầu tư/kinh doanh của một thành viên WTO. Do vậy, các thành viên cũng không có nghĩa vụ phải đưa ra cam kết toàn diện về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ của WTO đã có tác động theo những khía cạnh và mức độ khác nhau đối với chính sách đầu tư/kinh doanh của Việt Nam, như cam kết về: (i) cung cấp dịch vụ dưới hình thức hiện diện thương mại (phương thức 3), (ii) doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp thương mại nhà nước), (iii) quyền kinh doanh, (iv) trợ cấp công nghiệp, (v) các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, (vi) hoạt động của các khu kinh tế…
1. Nghĩa vụ chung về minh bạch hoá chính sách đầu tư kinh doanh
Đoạn từ 32 đến 51 trong Báo cáo của Nhóm công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, ngoài việc mô tả hiện trạng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư/kinh doanh, Việt Nam đã khẳng định một số nguyên tắc chủ yếu sau:
(i) Nhà đầu tư, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật Việt Nam không cấm và được quyết định hình thức, địa điểm đầu tư, tỷ lệ góp vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm …, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(ii) Danh mục lĩnh vực đầu tư/kinh doanh có điều kiện hoặc cấm đầu tư/kinh doanh sẽ được định kỳ rà soát lại nhằm xác định những quy định còn chồng chéo hay mâu thuẫn để xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ.
(iii) Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ danh mục các lĩnh vực/ngành nghề cấm đầu tư/kinh doanh hoặc đầu tư/kinh doanh có điều kiện sẽ hoàn toàn tuân thủ theo các nghĩa vụ của Việt Nam đối với WTO. Ý kiến của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các danh mục này trong quá trình soạn thảo sẽ được công khai hoá phù hợp với Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Cam kết về điều kiện và thủ tục cấp phép
Đoạn 507 trong Báo cáo có viết: Việt Nam bảo đảm áp dụng các điều kiện và thủ tục cấp phép trong ngành dịch vụ đã cam kết mở cửa theo nguyên tắc không tạo ra các rào cản về tiếp cận thị trường. Cụ thể, cam kết này được thể hiện trong ba nội dung sau:
(i) Việt Nam đảm bảo sẽ công bố công khai các thủ tục và điều kiện cấp phép trước khi áp dụng trên thực tế và trong văn bản công bố đó sẽ xác định rõ thời hạn để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cấp phép.
(ii) Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và quyết định việc cấp phép trong thời hạn đã được xác định nêu trên.
(iii) Theo yêu cầu của người nộp hồ sơ xin cấp phép, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo tình trạng hồ sơ và phải cho biết hồ sơ đó đã đầy đủ hay chưa. Trường hợp không được cấp phép, người nộp hồ sơ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp phép.