Các hình thức trọng tài quốc tế
Trên cơ sở bản chất của tranh chấp và ý chí của các bên tranh chấp, vụ việc có thể sẽ được giải quyết tại hội đồng trọng tài do các bên tự thành lập hoặc hội đồng trọng tài của một tổ chức trọng tài thường trực. Hiện nay, trọng tài được phân thành hai loại (hai hình thức) đó là: Trọng tài Ad–hoc và Trọng tài thường trực. Mỗi hình thức trọng tài đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Các bên tranh chấp tự mình cân nhắc, quyết định về hình thức trọng tài giải quyết tranh chấp và cùng nhau thống nhất một hình thức nhất định. Hình thức trọng tài giải quyết tranh chấp cần được thể hiện cụ thể trong thoả thuận trọng tài bởi vì một thoả thuận không rõ ràng có thể sẽ bị vô hiệu.
1. Trọng tài thường trực
Trọng tài thường trực (còn gọi là trọng tài thiết chế) là một hình thức trọng tài được quản lí bởi một tổ chức trọng tài nhất định và tuân theo những quy tắc trọng tài của tổ chức trọng tài đó. Hiện nay có nhiều tổ chức trọng tài thường trực có uy tín và nổi tiếng trên thế giới như: Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (AAA), Toà án trọng tài quốc tế London (LCIA), Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), Uỷ ban trọng tài thương mại liên Hoa Kỳ, hoặc các viện trọng tài khu vực hết sức nổi tiếng tại Zurich, Stokholm và Vienna.
Khi quyết định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường trực, thường có nghĩa là các bên tham gia trọng tài lựa chọn áp dụng các quy tắc tố tụng trọng tài của một tổ chức trọng tài nhất định. Để đi tới quyết định lựa chọn hay không lựa chọn trọng tài thường trực, các bên cần nắm rõ những ưu điểm và nhược điểm của loại trọng tài này.
– Ưu điểm của trọng tài thường trực:
Thứ nhất: Mỗi tổ chức trọng tài thường trực đều có bộ quy tắc trọng tài riêng, vì vậy các bên tranh chấp dễ dàng áp dụng ngay bộ quy tắc đó để giải quyết tranh chấp mà không phải tự xây dựng các thủ tục tố tụng. Lợi ích này thấy rõ trong Bộ quy tắc trọng tài của viện trọng tài Stockholm. Điều 5 Bộ quy tắc trọng tài này nêu rõ: “Nếu một bên không bổ nhiệm trọng tài viên của mình trong thời hạn đã được xác định bởi Viện trọng tài, thì Viện trọng tài sẽ thực hiện việc bổ nhiệm đó”. Hay, theo Điều 12 Quy tắc tố tụng trọng tài của Toà án trọng tài quốc tế ICC 2012, nếu hai bên không thống nhất số lượng trọng tài viên, Toà án trọng tài quốc tế ICC sẽ chỉ định một trọng tài viên duy nhất trừ khi thấy rằng cần thiết phải chỉ định ba trọng tài viên.
Thứ hai: Hầu hết các tổ chức trọng tài thường trực đều có đội ngũ nhân viên hành chính được đào tạo chuyên nghiệp về giám sát và quản lí trọng tài, đội ngũ nhân viên này có thể trợ giúp trong toàn bộ quá trình trọng tài như: Giúp các bên có thể lựa chọn được một hội đồng trọng tài phù hợp, giám sát việc thanh toán các khoản chi phí trọng tài, ấn định phí trọng tài theo quy định chung của tổ chức trọng tài, kiểm soát các khoảng thời gian trong từng giai đoạn trong tài v.v.. Nói chung, họ có thể giúp cho quá trình trọng tài vận hành trơn tru, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
– Nhược điểm của trọng tài thường trực:
Bên cạnh ưu điểm, trọng tài thường trực có một số nhược điểm sau:
Thứ nhất: Chi phí cho quá trình trọng tài này thường khá cao, bởi vì ngoài phí trọng tài ra, các bên còn phải thanh toán các khoản liên quan tới dịch vụ hành chính, thuê địa điểm xét xử.
Thứ hai: Các thủ tục hành chính đôi khi tiêu tốn một khoảng thời gian đáng kể và điều này là không phù hợp với những vụ việc yêu cầu xét xử nhanh.

2. Trọng tài Ad-hoc (Trọng tài vụ việc)
Trọng tài Ad–hoc (còn gọi là trọng tài vụ việc) là một hình thức trọng tài được quản lí theo những quy tắc trọng tài do chính các bên tham gia trọng tài xây dựng nên.
Đối với hình thức trọng tài này, các bên được tự do thoả thuận về các quy tắc tố tụng mà không buộc phải tuân theo bất kì một bộ quy tắc tố tụng trọng tài nào. Các bên có quyền thoả thuận về cách thức bổ nhiệm trọng tài viên, địa điểm trọng tài, luật điều chỉnh quá trình trọng tài, ngôn ngữ trọng tài v.v...
Trọng tài Ad–học cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt của nó mà các bên tham gia giao dịch cần xem xét kĩ trước khi quyết định có lựa chọn nó hay không.
– Ưu điểm của trọng tài Ad-hoc:
Một trong những ưu điểm nổi bật của hình thức trọng tài này là đáp ứng được ước vọng của các bên và thực tế của một tranh chấp cụ thể. Trên cơ sở thực tế của tranh chấp như: khối lượng tài liệu cần xử lí, số lượng nhân chứng sẽ được mời, khả năng tài chính của mỗi bên... mà các bên sẽ thiết lập các quy tắc trọng tài phù hợp.
Một ưu điểm nữa cần nhắc tới đó là khả năng tiết kiệm tiền bạc và thời gian của các bên bằng cách thay đổi các thủ tục tố tụng (thường là rút ngắn các thủ tục tố tụng), không phải thanh toán các chi phí cho dịch vụ hành chính.
– Nhược điểm của trọng tài Ad-hoc:
Nhược điểm chính của hình thức trọng tài này bắt nguồn từ chính bản chất của nó đó là không bắt buộc các bên tuân theo một bộ quy tắc trọng tài nào trong quá trình xét xử. Giả sử rằng, vào lúc bắt đầu quá trình tố tụng, một bên tranh chấp từ chối bổ nhiệm trọng tài viên, hay muốn thay đổi trọng tài viên do nghi ngờ về sự vô tư của ông ta, hay đặt vấn đề về thẩm quyền của hội đồng trọng tài, và nếu các bên không thể hợp tác được với nhau để giải quyết những vấn đề này, sẽ không có bộ quy tắc sẵn có nào được áp dụng để giải quyết. Nguyên tắc chung được pháp luật nhiều nước thừa nhận cho trường hợp này là: Luật của nước nơi diễn ra trọng tài sẽ được áp dụng. Chẳng hạn, theo Luật trọng tài Ấn Độ 1996 thì, nếu địa điểm trọng tài ở Ấn Độ và nếu các bên không thể thoả thuận được về số lượng trọng tài viên, thì hội đồng trọng tài sẽ bao gồm một trọng tài viên được bổ nhiệm bởi Chánh án Toà án tối cao Ân Độ hoặc Toà phá án. Nói chung, những rủi ro rất dễ xảy ra đối với hình thức trọng tài này nếu các bên không có thiện chí hợp tác giải quyết tranh chấp giữa họ.
Theo Luật trọng tài thương mại 2010 của Việt Nam, thì hình thức trọng tài thường trực và trọng tài Ad-học đều được khuyến khích sử dụng tại Việt Nam, những nội dung chi tiết liên quan tới hai hình thức trọng tài này được quy định khá đầy đủ trong Luật trọng tài thương mại 2010.