Tội phá thai trái phép theo Bộ luật Hình sự 2015

1. Căn cứ pháp lý

Tội phá thai trái phép được quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 316. Tội phá thai trái phép

1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội phá thai trái phép

2.1. Khách thể của tội phạm

Là xâm phạm đến an toàn công cộng thuộc lĩnh vực hỗ trợ y tế cũng như tính mạng, sức khỏe của người khác.

Hình minh họa. Cấu thành tội phạm của tội phá thai trái phép

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi phá thai không đúng quy định của pháp luật. Thể hiện việc trái phép này bằng những hình thức sau: phá thai không có bằng cấp chuyên môn; phá thai khi không được giao nhiệm vụ (dù có trình độ chuyên môn); phá thai vi phạm các quy tắc nghề nghiệp khác. Hậu quả của tội phá thai trái phép là thiệt hại nghiêm trọng về thể chất – hậu quả chết người hoặc tổn hại nặng cho sức khỏe của người bị phá thai. Tội phá thai trái phép hoàn thành khi hậu quả chết người hoặc tổn hại nặng cho sức khỏe của người bị phá thai xảy ra. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội phá thai trái phép là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phá thai không đúng quy định của pháp luật với hậu quả chết người hoặc tổn hại nặng cho sức khỏe của người bị phá thai. Tuy nhiên, nếu người có hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án thì dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng không đặt ra.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội phá thai trái phép có thể là lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc lỗi vô ý vì cẩu thả.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Là người có năng lực TNHS và từ đủ 14 hoặc 16 tuổi trở lên.


3. Hình phạt

* Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 316 BLHS, theo đó người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người đó hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

* Khung tăng nặng thứ nhất dược quy định tại khoản 2 Điều 316 BLHS có mức phạt tù từ ba năm đến mười năm cho trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng.

* Khung tăng nặng thứ hai được quy định tại khoản 3 Điều 316 BLHS có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm cho trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

* Khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung, theo đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bài viết liên quan