Tội phạm của tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Căn cứ pháp lý

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm chỗ ở của người khác

2.1. Khách thể của tội phạm

Chỗ ở của công dân là nơi đang có người ở hợp pháp. Có thể đó là nơi ờ thường xuyên lâu dài hay tạm trú, có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một tòa nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn, hoặc ở nhờ. Chỗ ở hợp pháp được cơ quan hoặc chính quyền địa phương thừa nhận.

Điều 22 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.“. Thẩm quyền và thủ tục về khám xét chỗ ở được quy định tại Điều 193, 194 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tội phạm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

Ngoài ra, tội phạm còn xâm phạm những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khám xét chỗ ở, địa điểm; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

Hình minh họa. Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm chỗ ở của người khác

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ờ hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

– Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác là hành vi của người không có thẩm quyền, nhiệm vụ nhưng vì động cơ riêng tư đã tự ý vào lục soát, khám xét chỗ ở của người khác; hoặc hành vi của người có thẩm quyền, nhiệm vụ khám chỗ ở nhưng không chấp hành theo đúng những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về căn cứ, thẩm quyền ra lệnh, tiến hành khám xét…

Ví dụ: Nguyễn Ngọc H nợ tiền của bà B và bỏ trốn khỏi địa phương, ngày 20/8, bà B nhận được tin H đang trốn tại nhà của chị N (chị gái của H) ở cùng địa phương. Bà B cùng với hai con tra i là anh T và anh c đến nhà chị N tìm H. Tuy nhiên, khi đến nơi chị N khóa cửa ngoài, không cho mẹ con bà B vào nhà đồng thời khẳng định H không ở nhà của chị. Mẹ con bà B không tin đã lấy xà ben phá cửa nhà chị N, xông vào trong nhà lục lọi khắp các phòng tìm H nhưng không thấy.

– Đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ là hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn bất kỳ buộc người khác phải rời chỗ ở của họ một cách miễn cưỡng, trái với ý muốn của họ, ngoại trừ trường hợp cưỡng chế để thi hành một quyết định hợp pháp về nhà ở như cưỡng chế để thi hành bản án dân sự chia tài sản thừa kế hoặc quyết định niêm phong của Ngân hàng để yêu cầu thanh toán nợ.

Ví dụ: Ông H và bà c tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà số 127/45 phố H và khởi kiện ra Tòa án. Theo bản án của Tòa án thì quyền sở hữu căn nhà số 127/45 phổ H là của bà c. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà c không làm đơn đề nghị Cơ quan thi hành án thi hành bản án mà thuê K và D cầm côn, gậy cùng một số thanh niên xông vào đánh ông H và người nhà, buộc gia đình ông H phải chuyển đồ đạc ra khỏi nhà.

– Hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như lấn chiếm chỗ ở của công dân, lợi dụng chủ vắng nhà đã phá khoá vào ở không được phép của chủ nhà…

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Một số trường hợp chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, đây là tình tiết tăng nặng định khung.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc.


3. Hình phạt

– Khung 1: phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

– Khung 2: phạt tù từ một năm đến ba năm áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

+ Có tổ chức là từ 2 người trở lên khi thực hiện tội phạm có sự phân công vai trò trách nhiệm của từng người trong hành động;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

– Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây phẫn nộ, mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc vì nạn nhân bị ép buộc ra khỏi nhà do uất ức đã ốm đau, bị tai nạn giao thông.

– Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Bài viết liên quan