1. Khái niệm chấp hành viên là gì?
Tham gia vào quá trình thi hành án dân sự có rất nhiều chủ thể và mỗi chủ thể có vị trí, vai trò khác nhau. Trong đó, chủ thể tham gia vào hầu hết các giai đoạn của quá trình thi hành án và là người giữ vị trí tổ chức thi hành án được gọi là chấp hành viên.
Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định dân sự được đưa ra thi hành.
Trong pháp luật thi hành án dân sự, Điều 17 LTHADS cũng định nghĩa chấp hành viên theo hướng này.
Chấp hành viên là công chức nhà nước, là người được bổ nhiệm theo những tiêu chuẩn do pháp luật quy định và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không phải là thù lao theo vụ việc. Chấp hành viên thực hiện quyền lực của Nhà nước để tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự. Trong tổ chức thi hành án dân sự, chấp hành viên có vai trò quan trọng, kết quả thi hành án dân sự phụ thuộc một phần rất lớn vào chấp hành viên. Chấp hành viên chịu sự quản lí của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhưng trong việc tổ chức thi hành án thì chấp hành viên có vị trí tương đối độc lập với thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, chấp hành viên chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Không cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có quyền can thiệp trái pháp luật vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên. Mọi hoạt động của chấp hành viên đều phải tuân thủ pháp luật. Chấp hành viên phải thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định dân sự, không được có bất kì sự thay đổi nào về nội dung bản án, quyết định dân sự được đưa ra thi hành, trừ trường hợp các đương sự thoả thuận về việc thi hành án.
Trước đây, theo quy định của PLTHADS năm 2004 chấp hành viên được bổ nhiệm theo nhiệm kì 5 năm. Hiện nay, để tạo điều kiện cho chấp hành viên độc lập, nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành án LTHADS không quy định việc bổ nhiệm chấp hành viên theo nhiệm kì mà quy định ngạch chấp hành viên. Chấp hành viên được Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm suốt đời theo ba ngạch là chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp. Trên cơ sở đó, những vụ việc thi hành án đơn giản, rõ ràng, lượng tiền, tài sản phải thi hành án có giá trị nhỏ sẽ do chấp hành viên sơ cấp thực hiện, những vụ việc tương đối phức tạp do chấp hành viên trung cấp thực hiện, những vụ việc đặc biệt phức tạp sẽ do chấp hành viên cao cấp thực hiện. Quy định này vừa phát huy vai trò của chấp hành viên trong tổ chức thi hành án vừa khắc phục được bất cập trong điều động, luân chuyển chấp hành viên.
Chấp hành viên được cấp trang phục, phù hiệu, thẻ chấp hành viên để sử dụng khi làm nhiệm vụ và được hưởng thang bậc lương theo quy định của Chính phủ.

2. Tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức chấp hành viên
2.1. Tiêu chuẩn chấp hành viên
Chấp hành viên là công chức nhà nước và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thi hành án, cho nên chỉ những người đáp ứng đủ những tiêu chuẩn do pháp luật quy định mới được bổ nhiệm làm chấp hành viên. Theo quy định tại Điều 18 LTHADS, các tiêu chuẩn đó bao gồm:
+ Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định tại Điều 18 LTHADS, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên (khoản 1 Điều 18 LTHADS).
+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 LTHADS, có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên và trúng tuyển kỳ thi tuyển chấp hành viên sơ cấp thì được bổ nhiệm làm chấp hành viên sơ cấp.
+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 LTHADS, có thời gian làm chấp hành viên sơ cấp từ 5 năm trở lên và trúng tuyển kỳ thi tuyển chấp hành viên trung cấp thì được bổ nhiệm làm chấp hành viên trung cấp.
+ Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 LTHADS, có thời gian làm chấp hành viên trung cấp từ 5 năm trở lên và trúng tuyển kì thi tuyển chấp hành viên cao cấp thì được bổ nhiệm làm chấp hành viên cao cấp. Bên cạnh đó, người đang là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan thi hành án dân sự có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt do nhu cầu cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 LTHADS và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên thi hành án trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên thi hành án cao cấp.
Bên cạnh đó LTHADS năm 2014 bổ sung quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên trong quân đội. Cụ thể: Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 LTHADS, là sĩ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm chấp hành viên trong quân đội. Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 18 LTHADS.
Ngoài ra, người đang là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan thi hành án dân sự, người đã từng là chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 LTHADS thì có thể được bổ nhiệm chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển. Trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên có thể được bổ nhiệm chấp hành viên sơ cấp; có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm chấp hành viên trung cấp; có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển.
2.2. Việc bổ nhiệm chấp hành viên
Xuất phát từ vị trí quan trọng của chấp hành viên trong hoạt động thi hành án dân sự nên chấp hành viên sẽ do Bộ trưởng Bộ tư pháp xem xét bổ nhiệm trên cơ sở các tiêu chuẩn chấp hành viên. Việc bổ nhiệm chấp hành viên được thực hiện theo thủ tục chặt chẽ do Chính phủ quy định trong nghị định về cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự.
2.3. Việc miễn nhiệm và cách chức chấp hành viên
Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.
Ngoài ra, xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của chấp hành viên trong hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án nói riêng, khoản 2 Điều 19 LTHADS còn quy định việc miễn nhiệm chấp hành viên trong trường hợp người đang là chấp hành viên nhưng do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khoẻ mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc vì lí do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm chấp hành viên như vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức phải áp dụng các hình thức kỷ luật cách chức hoặc buộc thôi việc nhưng xét thấy không còn đủ phẩm chất đạo đức, điều kiện để làm chấp hành viên.
Trong các trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi, uy tín, danh dự của chấp hành viên thì việc miễn nhiệm chấp hành viên phải do Bộ trưởng Bộ tư pháp quyết trên cơ sở các căn cứ do luật định. Trình tự, thủ tục xem xét miễn nhiệm chức danh chấp hành viên sẽ được quy định cụ thể tại nghị định của Chính phủ về cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Ngoài ra, chấp hành viên còn có thể bị cách chức khi người đó vi phạm các quy định về nghĩa vụ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đạo đức của người chấp hành viên nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để đảm bảo quyền lợi, uy tín, danh dự của chấp hành viên thì việc cách chức chấp hành viên phải được xem xét thận trọng bởi hội đồng bao gồm những người có thẩm quyền và trách nhiệm trên cơ sở các căn cứ do luật định. Thẩm quyền, thủ tục xem xét cách chức chức danh chấp hành viên sẽ được quy định cụ thể tại nghị định của Chính phủ về cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của chấp hành viên
Nhiệm vụ của chấp hành viên được hiểu là những công việc mà chấp hành viên phải tiến hành trong quá trình thi hành án dân sự vì mục đích đảm bảo cho việc thi hành án dân sự được khách quan, đúng pháp luật và trong thời hạn do pháp luật quy định. Để chấp hành viên có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, pháp luật thi hành án dân sự cần phải trao cho chấp hành viên những quyền hạn cụ thể. Quyền hạn của chấp hành viên được hiểu là phạm vi những công việc mà chấp hành viên được thực hiện trong quá trình thi hành án dân sự.
Nhiệm vụ và quyền hạn của chấp hành viên do pháp luật thi hành án dân sự quy định. Chấp hành viên là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tổ chức thi hành bản án, quyết định khi được thủ trưởng cơ quan thi hành án phân công. Vì vậy, để tạo điều kiện cho chấp hành viên có thể chủ động hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy tối đa vai trò cá nhân của chấp hành viên nhưng vẫn đảm bảo việc thi hành án đúng pháp luật, chấp hành viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
– Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chấp hành viên.
– Triệu tập đương sự, người có liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án; giải thích, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án.
– Ấn định thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Nếu hết thời hạn tự nguyện mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.
– Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan xử lí vật chứng, tài sản và những việc khác có liên quan đến việc thi hành án.
Khi xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, trong phạm vi quyền hạn của mình, chấp hành viên có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các tài liệu, tin tức về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Chính quyền địa phương, cơ quan đăng kí quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến tài sản, thu nhập của người phải thi hành án. Căn cứ vào kết quả xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, tùy từng trường hợp cụ thể mà chấp hành viên áp dụng các biện pháp thi hành án thích hợp hoặc đề nghị với thủ trưởng cơ quan thi hành án ra các quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu thi hành án…
– Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, cưỡng chế thi hành án, lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án, thu giữ tài sản thi hành án để bảo đảm việc thi hành án.
Trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên sẽ quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp trước khi chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì người phải thi hành án có thể tẩu tán, cất giấu tài sản gây khó khăn cho công tác thi hành án. Vì vậy, trong một số trường hợp trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án chấp hành viên cần phải áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm hay cưỡng chế nào phụ thuộc vào nội dung của bản án, quyết định, đơn yêu cầu thi hành án, tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
– Yêu cầu cơ quan công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật. .
– Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành án; quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
– Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án dân sự và các khoản phải nộp khác.
– Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ: Thi hành án dân sự là lĩnh vực công tác khó khăn, phức tạp. Trong nhiều trường hợp sự chống đối của đương sự, đặc biệt là của người phải thi hành án diễn ra rất quyết liệt và trong mọi quá trình thi hành án. Để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của chấp hành viên cũng như đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản của công dân, ngăn chặn những hành vi chống đối quyết liệt của đương sự, LTHADS đã bổ sung quyền hạn này cho chấp hành viên.
– Thực hiện nhiệm vụ khác do thủ trưởng cơ quan thi hành án giao: Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
4. Những việc chấp hành viên không được làm
Để đảm bảo việc thi hành án được vô tư, khách quan và tránh những tiêu cực trong công tác thi hành án thì bên cạnh những quyền hạn mà chấp hành viên được làm, pháp luật cân quy định cụ thể những việc chấp hành viên không được làm. Những việc mà chấp hành viên không được làm bao gồm:
– Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, bí mật nhà nước quy định tại Luật cán bộ, công chức năm 2008 (Điều 18 đến Điều 20), sản xuất kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
– Tư vấn cho người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc những người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quá trình thi hành án làm cho việc thi hành án không đúng quy định của pháp luật.
– Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết các vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
– Sử dụng trái phép tiền, tài sản, vật chứng có liên quan đến thi hành án.
– Thi hành những vụ việc có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ trực tiếp của bản thân và những người thân thích;
– Sử dụng thẻ chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Sách nhiễu, gây phiền hà cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành án.
– Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
Để chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án dân sự có hiệu quả, LTHADS đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên và những việc chấp hành viên không được làm tại Điều 20, Điều 21 và một số điều luật khác.