Chủ sở hữu quyền tác giả theo pháp luật sở hữu trí tuệ

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thuộc quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể thuộc các trường hợp sau:


1. Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

Tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm có thể do nhiệm vụ hoặc theo sự giao kết hợp đồng với các chủ thể khác, theo quy định tại Điều 39 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền quy định tại Điều 20 và Khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Trong trường hợp chủ sở hữu là tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo cho tác giả thì giữa tác giả và tổ chức đó phải có mối quan hệ lao động và việc sáng tạo tác phẩm là theo nhiệm vụ, nghĩa vụ lao động được giao. Còn trường hợp tác phẩm được sáng tạo theo hợp đồng, chủ sở hữu là người thuê, đặt hàng cho tác giả sáng tạo. Xu thế phát triển của xã hội, có không ít những kết quả nghiên cứu là sản phẩm của một tác giả hay nhóm tác giả nhưng do nhiều tổ chức, cơ quan giao nhiệm vụ theo hợp đồng hay theo đơn đặt hàng. Thực tế, một kết quả nghiên cứu có thể là sự kế thừa nhiều công trình nghiên cứu trong một thời gian dài, vì vậy rất khó khăn trong việc phân định từng phần mà cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ. Ví dụ, đề tài nghiên cứu Các loài nấm linh chi (đề tài cấp cơ sở) do trường Đại học X giao nhiệm vụ. Khi tác giả có kết quả bước đầu và có bài báo công bố, tỉnh A lại giao cho tác giả thực hiện đề tài cấp tỉnh (tỉnh A cấp kinh phí và được nghiệm thu), sau đó tác giả phát triển rộng hơn thành đề tài cấp bộ trọng điểm (kinh phí từ ngân sách nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý). Khi xem xét tính khả thi của đề tài nghiên cứu, Hội đồng tư vấn thường căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoảng năm năm cận đăng ký. Trong trường hợp tỉnh A chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài cho một đơn vị sản xuất nấm, dẫn đến tranh chấp giữa các cơ quan giao nhiệm vụ. Vì vậy, nếu không có sự phân định rõ ràng, cụ thể giữa tác giả với tổ chức, cơ quan giao nhiệm vụ vào thời điểm đó rất khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu tác phẩm.

Cá nhân thỏa thuận cho người khác tạo ra tác phẩm để đáp ứng nhu cầu vật chất hay tinh thần của mình. Trong cả hai trường hợp tổ chức giao nhiệm vụ hoặc cá nhân xác lập hợp đồng để tạo ra tài sản trí tuệ thì trong hợp đồng hai bên cần thỏa thuận rõ phạm vi quyền của bên giao nhiệm vụ đối với tác phẩm, ví dụ như chỉ nắm quyền sử dụng đối với tác phẩm…

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, doanh nghiệp tư nhân A độc quyền khai thác các tác phẩm nghệ thuật với tư cách là chủ sở hữu, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Doanh nghiệp này chỉ vi phạm nếu trong hợp đồng có hạn chế quyền của Doang nghiệp này được hưởng như việc xác định phạm vi, mục đích sử dụng tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, thỏa thuận trong hợp đồng nếu càng cụ thể sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp có thể xảy ra.

Hình minh họa. Chủ sở hữu quyền tác giả theo pháp luật sở hữu trí tuệ

2. Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế

Theo quy định tại Điều 40 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế. Người thừa kế là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền quy định tại Khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.


3. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền

Quyền tác giả có thể được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thông qua hình thức chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng. Chuyển nhượng quyền tác giả được hiểu là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu các quyền của mình theo quy định của pháp luật. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả được hiểu là việc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu quyền tác giả là người được hưởng quyền có một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và nhân thân trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng (Điều 41 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005).


4. Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước

Theo quy định tại Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm sau:

Thứ nhất, đối với tác phẩm khuyết danh thuộc sở hữu nhà nước. The quy định tại Điều 26 Nghị định 22/2018/NĐ-CP,  tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh được chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh cho tổ chức, cá nhân khác và được hưởng thù lao từ việc chuyển nhượng quyền đó. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền được hưởng quyền của chủ sở hữu đến khi danh tính của tác giả được xác định.

Thứ hai, tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản.

Thứ ba, tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước. Khi cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước trong trường hợp này có nghĩa vụ xin phép sử dụng; thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, các quyền, lợi ích vật chất khác; nộp một bản sao tác phẩm trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày phổ biến, lưu hành. Cá nhân, tổ chức thực hiện các nghĩa vụ tại Cục Bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật.


5. Tác phẩm thuộc về công chúng

Do đặc thù đối với các quyền tác giả là tác phẩm, là sản phẩm mang tính sáng tạo của con người nên có giá trị chung. Sau một thời hạn bảo hộ theo quy định của pháp luật, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng. Điều 43 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì thuộc về công chúng;

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005″.

Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc về công chúng có các quyền nhân thân theo Khoản 1, 2 và 4 của Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Đối với quyền tài sản, chủ sở hữu quyền tác giả không còn độc quyền nên các cá nhân, tổ chức có toàn quyền khai thác phục vụ mục đích mà pháp luật không cấm như nghiên cứu, kinh doanh,… mà không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Trường hợp việc sử dụng tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ mà xâm phạm các quyền nhân thân không thể chuyển giao thì cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ có liên quan yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; đồng thời có quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo pháp luật hành chính, dân sự hoặc hình sự.

Bài viết liên quan