Đề cương ôn tập môn Lịch sử nhà nước và pháp luật có đáp án cho các bạn tham khảo.
1. Sự khác nhau của tổ chức chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông so với các triều đại trước đó.
Giai đoạn vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497)
Trước khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã trải qua giai đoạn sống gần gũi với cuộc sống đời thường của dân chúng, ông đã hiểu được những điểm tốt, xấu cùng tồn tại trong xã hội. Khi lên ngôi, Lê Thánh Tông thấy được những bất cập của bộ máy cầm quyền, những năm đầu thời Lê sơ còn mang nặng “hơi hướng” của thể chế quân chủ quý tộc nhà Trần, việc trọng đãi các quý tộc hoàng tộc và các bậc “khai quốc công thần”. Thêm nữa, cương vực nước Đại Việt đã mở rộng, yêu cầu xây dựng một nước Đại Việt hùng cường; những bài học của các triều đại trước về tổ chức chính quyền địa phương sao cho phát huy hiệu quả nhất. Do đó, Lê Thánh Tông đã tiến hành cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương, bên cạnh giữ lại những mặt tích cực của các triều đại trước đồng thời loại bỏ các điểm không tốt, chính từ những lý do đó mà tổ chức chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông có những điểm giống và khác các triều đại trước.
Giai đoạn vua Lê Thánh Tông có hai giai đoạn, thời kỳ 1460 – 1470 và thời kỳ 1471 đến 1497
a. Về tổ chức các cấp chính quyền địa phương:
- Chia nước thành 12 thừa tuyên đạo, đến năm 1471 thì thêm đạo thừa tuyên thứ 13.
- Cả nước chia thành 3 cấp: Cấp phủ, cấp huyện – châu, cấp xã.
b. So với tổ chức các cấp của các triều đại khác thì như sau:
- Thời các vua Lê trước Lê Thánh Tông: Chính quyền địa phương gồm các cấp: Đạo, lộ (trấn, phủ), châu, huyện và xã.
- Thời Hồ: Cấp lộ, cấp phủ, cấp châu, cấp huyện và cấp xã
- Thời Trần: Cấp lộ, cấp phủ – châu, cấp xã
- Thời Lý: Cấp lộ – trại, cấp phủ châu, cấp hương – xã – sách
- Thời tiền Lê: Cấp đạo, cấp hành chính cơ sở giáp, cấp xã.
Sự phân chia các cấp trong chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông so với các triều vua Lê trước và triều đại Lý – Trần (ngoại trừ nhà Hồ) vẫn giữ tính vùng miền. Sự phân cấp này nhằm bảo đảm dễ quản lý và ngăn ngừa sự cát cứ. Sự phân chia chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông nhằm thu hẹp quyền hành của chính quyền địa phương và tăng sự lệ thuộc vào chính quyền trung ương.
c. Có sự phân công rõ rệt về chức năng nhiệm vụ trong từng cấp
Đối với cơ quan ở cấp đạo thì Ty Tuyên chính sứ (đứng đầu là Tuyên chính sứ) được lập ra ở cấp đạo từ năm 1464 thay thế cho quan Hành khiển. Đứng đầu mỗi thừa tuyên đạo lúc đó gồm có hai cơ quan là Đô tổng binh sứ tuy phụ trách việc cai quản quân đội và Thừa chính sứ ty phụ trách việc hành chính và tư pháp. Sự kiện này đánh dấu chuyển hình thức cai quản địa phương bởi một cá nhân, hơn nữa chỉ thiên về quản lãnh quân sự sang hình thức cai quản bằng một cơ quan có một quan chức đứng đầu và có sự phân công chức trách giữa các bộ phận trong ty. Sự phân chia này nhằm xóa bỏ tình trạng lộng quyền dẫn đến xu hướng cát cứ ly tâm của quan lại địa phương đồng thời tạo ra sự thống nhất chỉ đạo từ trên xuống gắn địa phương với trung ương để thống nhất các mặt hoạt động của đất nước. Từ năm 1467, Lê Thánh Tông không chỉ trao quyền cho một cơ quan phụ trách mà quyền hành được chia đều cho 3 cơ quan:
- Thừa ty phụ trách các công việc thuộc lĩnh vực hành chính, tài chính, dân sự.
- Đô ty phụ trách quân sự.
- Hiến ty có chức năng giám sát mọi công việc trong đạo để tâu lên vua.
d. Thực hiện giám sát nhau
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho đặt chứ Hiến sát sứ ở các đạo, sau đó lại đặt chức giám sát ngự sử ở 13 đạo để làm nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ các hiến ty, giám sát đàn hoặc các hành vi sai trái của quan lại các thừa tuyên, phủ, huyện.
Ở cấp phủ: Cũng giống như cấp phủ thời các vua Lê trước, chức năng là truyền luyện từ trên xuống cho các huyện – châu, đốc thúc và kiểm tra việc thi hành, thu nộp các loại thuế, các lao dịch, binh dịch.
e. Ở cấp huyện – châu
Giống các triều vua Lê trước là ở miền núi gọi là châu, đồng bằng gọi là huyện. Ở cấp này đặc biệt có một điểm giống các triều trước là có tính vùng miền. Đối với miền núi thì sử dụng các tộc trưởng, tù trưởng để giữ những chức vụ quan trọng nhằm tránh trình trạng chống đối triều đình hay có âm mưu phản loạn.
g. Một điểm rất khác so với các triều đại khác là tổ chức cấp xã cấp xã
Chia tách xã theo những quy định có tính quy cũ, xã có 3 loại: Xã nhỏ, xã vừa và xã lớn tùy vào số hộ trong xã. Qui định rõ chức vụ của những người đứng đầu xã tránh trình trạng lợi dụng quan hệ họ hàng thông gia để kéo bè kéo cánh. Việc bầu xã trưởng theo quy tắc dân chủ bầu trực tiếp. Vua Lê Thánh Tông đã can thiệp trực tiếp sâu rộng vào trong chính quyền cấp xã, đây là điểm rất khác so với các triều đại trước, nhằm hạn chế nạn cường hào cũng như tình trạng cát cứ ở địa phương.
h. Về việc bổ nhiệm quan lại
Cũng như các triều đại khác thì quan lại bằng chế độ tập ấm, theo đó con cháu của hoàn thân quốc thích quan lại cao cấp được phong tước vị phẩm hàm thậm chí đươc trao một số công việc triều chính tuy nhiên thời vua Lê Thánh Tông, những quan lại được tuyển chọn bằng hình thức này được quy định rất chặt chẽ bằng cách quy định rõ trong một số điều ở chương vi chế Bộ luật Hồng Đức nhằm loại trừ những tiêu cực đối với hình thức tuyển dụng này. Một điểm khác với các triều đại khác là quan lại có thể được bổ nhiệm bằng con đường đề cử và việc này cũng được quy định một cách chặt chẽ.
So với các triều đại khác thì quan lại có thể được bổ nhiệm bằng con đường thi cử tuy nhiên thời vua Lê Thánh Tông, việc này được rất chú trọng, bởi vì những hạnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Nho giáo. Một điểm khác so với các triều đại khác là các quan lại phải trai qua giai đoạn thử việc và sát hạch để kiểm tra năng lực. Áp dụng chính sách luân chuyển công tác và chế độ hồi ty để làm trong sạch đội ngũ quan lại chống trình trạng tham nhũng. Qua đó cho thấy các cách thức đào tạo, tuyển dụng và sát hạch quan lại dưới thời vua Lê Thánh Tông tạo ra một đội ngũ quan lại trên nền tảng lập trường của kẻ sĩ theo Nho học.
Như vậy với tổ chức chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông, cả nước chia thành 13 thừa tuyên đạo, có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường. Nhà nước trực tiếp quản lý các địa phương thông qua hệ thống quan lại.
Tóm lại, tổ chức chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông là mô hình tiên tiến nhất của chế độ quan chủ phong kiến đương thời, thể hiện khá hoàn chỉnh tư tưởng chỉ đạo của Lê Thánh Tông: Lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, nặng nhẹ cùng kiềm chế nhau, địa phương gắn với trung ương. Tổ chức chính quyền địa phương thời vua Lê Thánh Tông có trình độ chuyên môn hóa cao hơn hẳn so với các triều đại khác và các nước khác ở vùng Đông Nam Á.
2. Phân tích nguyên tắc hạn chế quyền lực và ngăn chặn tình trạng phân quyền cát cứ thể hiện trong tổ chức bộ máy hành chính địa phương sau cải cách của Lê Thánh Tông. Những ưu điểm và hạn chế có thể rút ra cho công tác quản lí hành chính địa phương hiện nay.
a. Phân tích tổ chức bộ máy hành chính địa phương sau cải cách của Lê Thánh Tông
Xu hướng chung của các triều đại phong kiến Việt Nam là quân chủ trung ương tập quyền, thể hiện qua hình ảnh nước Việt Nam thống nhất không phân chia suốt gần chục thế kỷ độc lập. Để được như vậy, không phải chỉ nhờ nét văn hóa đặc thù nảy sinh trên điều kiện tự nhiên, kinh tế và lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam mà còn nhờ vào việc các triều đại phong kiến xưa đều có những nỗ lực lớn lao trong việc duy trì quyền lực tập trung. Trong các triều đại đó thì triều đại của Lê Thánh Tông là một trong những triều đại rực rỡ và thành công nhất về mọi phương diện, tất nhiên là cả về tổ chức hành chính địa phương để duy trì quyền lực tập trung.
Triều Lê sơ vốn hình thành sau cuộc chiến tranh giành độc lập, thế nên tổ chức hành chính nhà nước nặng về quân sự để phục vụ cho công tác quốc phòng và trị an, đặc biệt là trong các triều đại đầu tiên. Vì vậy, công tác tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương được xây dựng theo hướng tập quyền, thể hiện qua việc hầu hết quyền hành tập trung vào tay một cơ quan đứng đầu bởi một cá nhân (như ở đạo là Hành khiển, ở phủ là tri phủ,…). Nhưng điều này nếu kéo dài thường dễ dẫn đến lạm quyền và tạo điều kiện cho các thế lực địa phương phát triển dẫn đến nguy cơ nội chiến hoặc ít ra là phản loạn. Điều này vẫn thường thấy xảy ra với các địa phận của dân tộc ít người do họ có quyền tự trị tương đối lớn (như loạn Nùng Trí Cao thời nhà Lý). Vì vậy, sau khi lên nắm quyền, Lê Thánh Tông bắt đầu tiến hành cuộc cải cách quy mô lớn về tổ chức bộ máy nhà nước, cả trung ương lẫn địa phương, để tăng cường uy quyền của nhà vua và hạn chế quyền lực của địa phương cũng như ngăn chặn các thế lực cát cứ.
b. Ưu điểm bộ máy hành chính địa phương sau cải cách của Lê Thánh Tông
Đầu tiên là việc chia, tách, đổi lại các đơn vị hành chính. Biện pháp này không những có ý nghĩa lớn trong việc tổ chức lại công tác quản lí thành một hệ thống quy củ và thống nhất mà còn có tác dụng xóa bỏ, thay đổi địa giới và địa phận cũ của các thế lực quý tộc phong kiến. Kế đến ở mỗi cấp hành chính, Lê Thánh Tông thực hiện việc phân tán quyền lực ra cho các cơ quan và cá nhân khác nhau để tránh tập trung quyền lực quá lớn vào tay một người. Cụ thể như ở cấp đạo, Tam Ty được thành lập để thay nhiệm vụ của quan Hành Khiển (dân sự) và quan Tổng quản (quân sự). Theo đó Thừa ty quản lí hành chính, Đô ty quản lí quân sự và Hiến ty quản lí tư pháp. Các cơ quan đều có chức năng và quyền lực riêng, từ đó giám sát và chế ức quyền lực của nhau, tránh sự lạm quyền. Đây là một bước tiến đáng kể mà so sánh với điều kiện hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng bộ máy hành chính địa phương nước CHXHCN Việt Nam đã thừa kế những thành tựu đó khá tốt với cơ quan lập pháp là Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan tư pháp là Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
– Ty ngự sử trực thuộc Ngự sử đài giám sát quan lại
Một biện pháp nữa được Lê Thánh Tông thực thi để tăng cường giám sát với cấp đạo là việc đặt ra các cơ quan giám sát của trung ương, cụ thể là các Ty ngự sử trực thuộc Ngự sử đài, có trách nhiệm đàn hặc và giám sát hoạt động của quan lại cũng như cơ quan nhà nước ở cấp đạo. Đây là một biện pháp tăng cường mạnh mẽ sự kiểm soát của trung ương với địa phương mà so sánh thực tế thì hiện nay chúng ta chưa có cơ quan nào thực sự có quyền hành như thế dù rằng Thanh tra nhà nước vẫn có nhiệm vụ và quyền hạn giám sát, thanh tra. Một ưu điểm nữa của Lê Thánh Tông là quy định quan lại chỉ được tại chức đến năm 65 tuổi, bãi bỏ luật cha truyền con nối cho các công thần. Theo tôi điều này cũng góp phần hạn chế quyền hành của các đại thần, tránh tình trạng cả nhà làm quan. Chế độ Lưu quan, tức là luân chuyển quan lại quanh các địa hạt, tránh trình trạng cát cứ.
– Ban hành tiêu chuẩn cử xã trưởng
Đặc biệt trong việc tăng cường quyền lực trung ương, hạn chế quyền lực địa phương, là việc Lê Thánh Tông trực tiếp can thiệp vào công tác quản lí ở làng xã, vốn được coi là “thành trì” vững chắc của chế độ công xã nông thôn. Đó là thông qua việc ban hành tiêu chuẩn cử xã trưởng cùng với quy định về hương ước, triều đình nhà Lê đã có thể khống chế tương đối đến tận cấp cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất sự thâu tóm quyền lực của địa phương vì ngay cả cơ sở là làng xã cũng bị triều đình trung ương giám sát và ức chế quyền tự trị thì không có lực lượng địa phương nào có thể ngoi lên được. Hiện nay thì khác hẳn, chúng ta đang có tư tưởng bỏ lỏng cấp cơ sở, tập trung vào các cấp trung gian như quận huyện mà không đầu tư đúng mức cho công tác quản lí và công tác cán bộ ở cấp phường xã – cấp cơ sở. Đây có thể coi là một sự chậm tiến khi các triều đại phong kiến từng bước thâm nhập vào cơ sở thì chúng ta với điều kiện kinh tế hiện đại lại không tiếp tục phát huy.
Tuy nhiên, qua đó ta cũng đã có thể thấy được các biện pháp cải cách quyết đoán và từng bước Lê Thánh Tông thể hiện quyết tâm hạn chế tính địa phương hóa, cát cứ để tập trung quyền lực về trung ương, phù hợp với văn hóa đoàn kết và nhu cầu xây dựng bảo vệ tổ quốc Đại Việt xưa. Dù rằng còn có những hạn chế nhất định của thời đại, nhưng những cải cách trên đã cho thấy một tư duy “vượt trước” nền chính trị Việt Nam phong kiến cũng như thiên tài cá nhân của Lê Thánh Tông, và qua đó giúp chúng ta rút ra được những bài học lịch sử quý báu trong công cuộc tổ chức quản lí hành chính địa phương, nhất là trên con đường quá độ lên CNXH đầy gian nan.
c. Nhược điểm bộ máy hành chính địa phương sau cải cách của Lê Thánh Tông
Tuy nhiên nếu áp dụng vào thời đại ngày nay, khi chính quyền là “do dân và vì dân” thì chủ nghĩa tập trung (tuyệt đối) sẽ có một số nhược điểm sau:
– Thiếu tính đại diện.
Chính phủ dân chủ phải là đại diện của nhân dân. Do đó nếu chính quyền tập trung hết vào chính phủ trung ương thì làm sao người dân có thể có được đại diện của mình được? Dân có thể bầu ra 1 người, 2 người đại diện cho mình ở thủ đô. Nhưng làm sao có thể kiểm soát chắc chắn hoạt động của những người này khi họ ở xa mình có khi là cả nghìn cây số? Quyền lực sẽ thu về tay 1 số tầng lớp cao cấp.
– Không thể đáp ứng tốt nguyện vọng của nhân dân.
Bởi chính quyền địa phương mới là người hiểu rõ nhu cầu của nhân dân chứ không phải chính quyền trung ương. Không thể trông đợi 1 quan chức ở Hà Nội hiểu rõ sự phát triển, yêu cầu, đòi hỏi của người dân tỉnh Bình Dương, cũng như không thể trông đợi một cán bộ ở Quận 1 TP. HCM hiểu rõ nhu cầu của huyện Cần Giờ v.v… Chỉ có những người trực tiếp sống và làm việc ngay tại địa phương mới có những hiểu biết tường tận nhất của nhân dân. Nói cách khác, chính quyền địa phương gần gũi với người dân hơn chính quyền trung ương.
Do đó tóm lại 1 chính quyền quá tập trung sẽ dẫn tới mất dân chủ. Tuy nhiên rõ ràng khái niệm dân chủ không tồn tại đối với 1 nhà nước phong kiến. Do đó chính sách của Lê sơ như vậy có thể nói là tương đối tốt. Khi áp dụng vào thời đại ngày nay, thời đại của tự do dân chủ, thì cần phải cẩn thận.
3. Chứng minh tính tản quyền trong cải cách của Lê Thánh Tông
a. Tản quyền là gì?
Tản quyền có nghĩa là một công việc không tập trung vào một cơ quan, một chức quan mà sẻ chia cho nhiều cơ quan, nhiều chức quan cùng đảm trách. Mỗi cơ quan, mỗi chức quan là đảm nhiệm một nhiệm vụ, một lĩnh vực nhất định và hoạt động độc lập.
b. Mục đích của tản quyền?
Tránh tập trung quyền hạn vào một cơ quan, một chức quan, tránh trình trạng ôm đồm bao biện, tránh trình trạng lạm quyền đe dọa tới sự ổn định nhà nước.
c. Yêu cầu của tản quyền?
Giới hạn quyền hạn, chức năng nhiệm vụ, đề cao vai trò trách nhiệm của từng cá nhân.
d. Biểu hiện tính tản quyền
Thứ nhất, Tính tản quyền thể hiện trước hết ở các cơ quan trung ương
Tính tản quyền thể hiện rõ nhất ở việc xóa bỏ các cơ quan trung gian và thành lập ra các cơ quan mới: 6 bộ, 6 tự, 6 khoa, đảm trách những công việc cụ thể, thể hiện tính chuyên môn hóa, trong đó vai trò giải quyết các công việc hành chính của triều đình được chủ yếu giao cho 6 bộ.
Tách 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) ra khỏi Thượng thư sảnh để lập 6 cơ quan riêng cai quản các mặt hoạt động của nhà nước. Mỗi bộ có một Thượng thư phụ trách, chịu trách nhiệm trước Nhà Vua.
Những công việc lặt vặt chuyên trách trong bộ thì giao cho các Thanh lại ty, có quan Lang trung trông coi và quan viên Ngoại lang giúp việc.
Ví dụ: Để công việc bộ Lại được điều hòa nhanh chóng và phân minh, những công việc ó tính cách chuyên môn như thuyên chuyển tuyển bổ và khảo sát quan lại được trao cho một cơ quan đặc trách là Thuyên khảo Thanh lại ty.
Còn những công việc thường nhật của bộ thì giao cho Tư vụ sảnh, có quan tư vụ đứng đầu.
Ví dụ: Nhiệm vụ của bộ Hộ: Coi sóc ruộng đất, tài chính, nhân khẩu, tô thuế, kho tàng, thóc tiền và lương của quan quân.
Riêng bộ Hộ và bộ Hình còn thêm Chiếu ma sở có quan Chiếu ma phụ trách việc ghi chép văn thư vào sổ.
Tuy nhiên, công việc của 6 bộ rất nhiều, có nhiều công việc không thể đảm trách hết được, do đó vua Lê Thánh Tông lập ra 6 tự phụ trách công việc phụ của 6 bộ. Điều đáng lưu ý là 6 tự (Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thường bảo tự) là cơ quan độc lập với 6 bộ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.
Phụ trách ở mỗi tự có chức quan Tự khanh trật Chánh ngũ phẩm và phụ giúp là quan Thiếu khanh Chánh lục phẩm.
Để bảo đảm 6 bộ hoạt động có hiệu quả, các quan lại có trách nhiệm hơn thì vua Lê Thánh Tông thành lập ra 6 khoa (Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa) có chức năng giám sát tương ứng với 6 bộ. Quan phụ trách cao nhất của mỗi khoa là quan Đô cấp sự trung với trật Chánh nhất phẩm, dưới là quan Chấp sự trung trật Chánh bát phẩm. Lục khoa không phải là cơ quan cấp dưới của Lục bộ mà là cơ quan giám sát Lục bộ và báo cáo trực tiếp lên Vua, cho nên mặc dù quan phụ trách ở khoa tuy phẩm trật không lớn nhưng rất có thực quyền.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn khác được cải cách phù hợp với chức năng nhiệm vụ tương ứng với một đối tương, và đảm trách từng công việc cụ thể hơn.
Từ sự cách cải theo nguyên tắc tản quyền như đã nêu trên ta thấy có nhiều cơ quan mới được thành lập nhưng bộ máy nhà nước trung ương trở nên tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn; nhiều chức quan mới xuất hiện tuy phẩm trật khác nhau nhưng thực quyền như nhau và có trách nhiệm hơn.
Thứ hai là tính tản quyền trong cải cách chính quyền ở địa phương.
Tính tản quyền thể hiện ở việc thành lập 13 đạo để thu hẹp bớt quyền hành của chính quyền địa phương và xóa bỏ một số đơn vị trung gian.
Chính trong việc tổ chức mỗi đạo cũng thể hiện tính tản quyền rõ nét.
Lê Thánh Tông đã cho cải tổ việc quản lý địa phương bằng cách trao quyền phụ trách ở một đạo cho 3 cơ quan:
Thừa ty: phụ trách các công việc thuộc lĩnh vực hành chính, tài chính, dân sự.
Đô ty: phụ trách quân sự.
Hiến ty có chức năng giám sát các công việc trong đạo để tâu lên vua.
Chức quan đứng đầu mỗi cơ quan đảm trách công việc phù hợp với chức năng và trình độ của mình. Ví dụ: Tổng binh xuất thân từ hàng võ, không hiểu chữ nghĩa mà kiêm giữ hai chức sẽ trở ngại cho việc quân ngũ và việc chính trị, vậy
Tông binh chỉ nên chuyên về việc binh.
Để bảo đảm trách nhiệm của từn cá nhân, thì công tác thanh tra giám sát ở các địa phương cũng được chú trong. Vua Lê Thánh Tông cho đặt Giám sát ngự sử ở 13 Đạo làm nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ các Hiến ty, giám sát đàn hoặc các hành vi sai trái của quan lại các thừa tuyên, phủ, huyện. Đồng thời Lê Thánh tông cũng quy định rõ chức trách của các quan Giám sát ngự sử.
Ngoài ra, tính tản quyền còn thể hiện rất rõ ở cấp xã.
Chia tách và quy định rõ rõ từng loại xã và người đứng đầu của từng xã.
Bỏ chế độ xã quan và đổi thành xã trưởng. Phân địn rõ số lượng xã trưởng cho từng loại xa: đại xã thì dùng 5 người, trung xã thì dùng 4 người, xã nhỏ thì 2 người và nhỏ dưới 60 hộ thì một người. Quy định rõ về người làm xã trưởng: không cho phép những người là anh em ruột, anh em con chú, bác, cô, cậu, dì già cùng làm xã trưởng. Trông bộ máy chính quyền xã gồm các chức: xã trưởng, xã sử, xã tư. Mỗi chức vụ có một nhiệm vụ triêng biệt. Mỗi xã có thêm nhiều thông nên có thêm chức trưởng thôn để cùng xã trưởng giải quyết công việc.
Nguyên tắc tản quyền ở địa phương mục đích tránh trình trạng cát cứ địa phương ảnh hưởng đến chính quyền trung ương.
4. Các đặc trưng của pháp luật hôn nhân và gia đình
Pháp luật hôn nhân và gia đình chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo
Hôn nhân phụ hệ, gia trưởng, đa thuê. Được cụ thể hóa bằng các chuẩn mực của nho giáo sau:
a. Quan hệ cha – con
Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.
Cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng và nuôi dạy con cái: xuất phát từ quyền làm chủ gia đình của người tô trưởng, cha mẹ có quyền dạy dỗ, chăm lo đời sống vật chất cho con cái khi còn sống chung với cha mẹ.
Điều 547: Các con còn ở nhà với cha mẹ, mà đi ăn trộm, thì cha bị xử tội biếm; ăn cướp thì cha bị xử tội đồ; nặng thì xử tăng thêm tội; và đều phải bồi thường thay con những tan vật ăn trộm ăn cướp. Nếu con đã ở riêng thì cha bị xử tội phạt hay biếm; cha đã báo quan thì không phải tội; nhưng báo rồi mà còn để con ở nhà thì cũng xử như chưa báo.
Con cái phải phụ tùng mệnh lệnh của cha mẹ: Với tư cách là người gia trưởng nên cha mẹ có quyền quyết định những vấn đề quan trong trong gia đình mà không phụ thuộc vào ý chí của con cái.
Điều 2. Khoản 7: Bất hiếu, là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu, không cử ai; nối dối là ông bà cha mẹ chết.
Điều 475: Lăng mạ ông bà cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài; đánh thì xử lưu đi châu xa; đánh bị thương thì xử tội giảo; vì lầm lỡ mà làm chết, tì xử tội lưu châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh. Đánh ông bà ngoại thì giảm tội một bậc.
Pháp luật hôn nhân và gia đình đưa ra những những điều kiện chuẩn mực mà mỗi người trong gia đình ở mỗi vị trí khác nhau cần phải có trong quan hệ gia đình. Khi con cái có hành vi phá vỡ trật tự đó xâm phạm các điều kiện tồn tại của gia đình theo trật tự lễ giáo phong kiến thì pháp luật cho phép cha mẹ có quyền loại bỏ người con đó ra khỏi gia đình.
Điều 354: Người nào tranh giành ruộng đất thì phải biếm hai tư. Nếu đã có chúc thư mà còn cố tranh giành thì cũng xử biếm như thế và phải tước mất cả phần của mình nữa. Nếu cha mẹ không nhận làm con, trong chúc thư không có tên mà vẫn cố tranh thì phải biếm ba tư, đòi lại số ruộng đất tranh cho người chủ. Nếu người trưởng họ đảm bảo sai thì phải biếm một tư.
Con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ tuổi cao sức yếu và đó là dịp để con cái báo hiếu cha mẹ. Hành vị phạm nghĩa vụ này sẽ cấu thành tội bất hiếu trong nhóm thập ác tội.
Điều 506: Con cháu trái lời dạy bảo, và không phụng dưỡng bề trên mà bị ông bà cha mẹ trình lên quan thì xử tội đồ làm khao đinh; con nuôi, con kế tự mà thất hiếu với cha nuôi, cha kếm thì xử giảm tội trên một bật và mất những tài sản đã được chia.
Nghĩa vụ tang chế, thờ phục cha mẹ khi cha mẹ mất.
Điều 130: Có tang ông bà cha mẹ và chồng mà giấu không khóc thì phải tội đồ làm khao đinh, đàn bà đồ làm tang thất phụ. Trong khi tang mà bỏ đồ tang mặc đồ thường và vui chơi đàn hát thì biếm hai tư. Gặp đàn hát mà nghe ay là dự những tiệc vui mừng đều xử phạt 80 trượng.
Điều 543: Cha mẹ chết mà nói dối là còn tang người khác, không để đại tang thì xử tội đồ làm khao đinh. Nói dối là ông bà cha mẹ hay chồng chết để đi xin tiền, vay tiền, hay có ý để tránh việc gì, thì phải biếm ba tư. Nói dối là bác chú thím cô anh em chị em chết thì phải biếm một tư.
Điều 317: Người nào đang có tang cha mẹ hoặc chồng mà lấy chồng hoặc cưới vợ thì xử tội đồ, người khác biết mà vẫn cứ kết hôn thì xử tội biếm ba tư và đôi vợ chồng mới cưới phải chia lìa.
Điều 408: Đang có tang cha mẹ hay tang chồng mà gian dâm cũng xử tội chém.
b. Quan hệ vợ – chồng
Vợ chồng phải thủy chung.
Nghĩa vụ thủy chung của người vợ: sự thủy chung của người vợ là điều cần thiết, nếu vi phạm là một trong bảy lý do để buộc người chồng phải bỏ vợ.
Điều 321: Vợ cả, vợ lẽ tự tiện bỏ nhà chồng đi thì xử tội đồ làm xuy thất tỳ; đi rồi lấy chồng khác thì phải đồ làm chung thất tỳ; người và gia sản phải trả về nhà chồng cũ.
Người chồng phải gánh vác những việc lớn trong gia đình: bảo đảm đời sống vật chất, kinh tế cho cả gia đình, gìn giữ và duy trì trật tự gia đình là trách nhiệm của người chồng theo quan niệm gia trưởng của Nho giáo.
Người vợ phải phục tùng chồng và gia đình chồng. Nhằm đảm bảo lợi ích của gia đình nhà chồng theo chế độ phụ hệ: xuất giá tòng phu.
Nghĩa vụ tang chế của vợ với chồng và cha mẹ chồng: lo toan tang ma, tế tự khi chồng mất hay cha mẹ chồng mất. Vi phạm nghĩa vụ này, người vợ bị khép vào tội thập ác.
Điều 2: Mười tội ác (Thập ác)
Khoản 7: Bất hiếu, … có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu. không cử ai; nói dối là ông bà cha mẹ chết.
Khoản 9: Bất nghĩa, … nghe thấy tin chồng chết không cử ai lại vui chơi ăn mặc như thường, cùng là cải giá.
c. Quan hệ anh em
Anh em phải hòa thuận
Trong gia đình, anh em phải hòa thuận vì mối quan hệ này quyết định sự thịnh suy của gia đình
Điều 52: Anh em không hòa thuận đến nỗi phải tranh giành kiện cáo nhau, thì người trái lẽ phải xử tội nặng hơn người thường một bậc.
Về quan hệ anh em cũng mang nặng tính gia trưởng của nho giáo.
Điều 478: Đánh anh chị hàng ty ma thì phải biếm một tư; hàng tiểu công, đại công, thì tăng tội từng một bậc. Đánh bậc tôn trưởng lại thêm tội một bậc; đánh trọng thương thì xử nặng hơn tội đánh bị thương thường một bậc; đánh chết thì phải tội chém. Bậc tôn trưởng đánh bị thương những con cháu bậc dưới từ hàng ty ma, thì xử nhẹ hơn đánh người thường một bậc; hàng tiểu công, đại công, đều kém dần từng bậc một. Đánh chết thì xử tội giảo; đánh chết không phải bằng mũi nhọn và không phải cố ý giết thì xử tội lưu đi châu xa.
Điều 477: Đánh anh chị cậu dì và ông bà cha mẹ vợ thì xử tội đồ làm khao đinh; đánh bị thương thì xử đồ làm tượng phường binh; đánh bị thương gãy chân tay, thì xử làm đồ chuẩn điền binh; đánh bằng gươm giáo bị thương gãy chân tay mù mắt, thì xử lưu đi châu xa; đánh chết thì xử chém, lăng mạ những người nói trên, thì xử biếm hai tư; ngộ xác thì xử đồ làm chuẩn điền bị; làm lỡ làm bị thương thì đồ làm khao đinh. Đối với bác, chú, thiếm, cô đều xử nặng hơn một bậc. Đánh chết em trai, em gái cùng là con cháu gái con rễ con cháu của anh em thì xử đồ làm chuẩn điền binh; đánh chết bằng đồ nhọn sắt và cố ý giết thì xử tội lưu đi châu ngoài. Ngộ sát thì không phải tội, đánh vợ của anh thì xử tội nặng hơn tội đánh người thường một bậc.
Riêng những người chị em dâu có hành vi gây bất hòa với những người anh em khác của gia đình chồng thì ngoài việc xử lý hình sự còn là một trong bảy lý do buộc người chông ly hôn vợ.
Điều 310: Vợ cả, vợ lẽ phạm phải điều nghĩa tuyệt như thất xuất mà người chồng chịu giấu không bỏ thì xử tội biếm, tùy theo việc nặng nhẹ.
Trong lĩnh vực thừa kế, nếu có sự tranh giành về quyền được thừa kế thì sẽ bị truất quyền hưởng thừa kế.
Điều 388: … nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình.
Giữa anh em còn có nghĩa vụ để tang cho nhau, cao nhất là một năm, ít nhất là ba tháng. Ngoài ra giữa những anh chị em có nghĩa vụ để tang cho nhau thì không được kết hôn.
Điều 319: Người vô loại lấy co, dì, chị, em gái, kế nữ, người thân thích, đều phỏng theo luật gian dâm mà trị tội.
5. Pháp luật nhà Lê bảo vệ quyền phụ nữ trong chừng mực nhất định
Pháp luật nhà Lê mặc dù ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo và pháp luật Nhà Tống nhưng vẫn có những điểm tiến bộ hơn, mang tính nhân văn hơn đó là bảo vệ quyền phụ nữ. Được thể hiện qua các quyền sau:
a. Quyền nhân thân
Các quy định về kết hôn, từ hôn, ly hôn, nuôi con cái.
Bảo vệ danh dự người phụ nữ về kết hôn
Điều 315: Nhà trai đã có sính lễ rồi, mà không lấy nữa, thì phạt 80 trượng và mất đồ sính lễ.
Bảo vệ quyền tự do trong kết hôn
Điều 338: Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái kẻ lương dân thì xử tội phạt, biếm hay đồ.
Bảo vệ danh tiết cho người phụ nữ
Điều 320: Tang chồng đã hết mà người vợ muốn thủ tiết, nếu ai không phải là ông bà cha mẹ mà ép gả cho người khác, thì xử biếm ba tư và bắt phải ly dị; người đàn bà phải trả về nhà chồng cũ.
Người phụ nữ có thể từ hôn nhằm bảo đảm sự an toàn, sự hạnh phúc cho trương lai của họ
Điều 322: Con gái hứa gả chồng mà chưa thành hôn nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái được kêu quan mà trả đồ lễ.
Luật Hồng Đức quy định trong ba trường hợp sau thì người chồng không được ly dị vợ.
Đoạn 165 Hồng Đức thiện chính thư có quy định bổ sung: Người vợ đã để xong ba năm tang cha mẹ chồng; lúc lấy nhau nghèo hèn về sau giàu có và lúc lấy nhau người vợ còn người thân nhưng lúc bỏ nhau người vợ không còn người thân nào.
Người phụ nữ có quyền quyền ly hôn. Nếu người chồng quy phạm nghĩa vụ chung sống.
Điều 308: Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con, thì cho hạn một năm.
Và có hành vi vô lễ với cha mẹ vợ
Điều 333: Nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thư quan sẽ cho ly dị.
Điều 402: Quyến rũ con gái chưa có chồng, thì xử như tội gian dâm thường, và phải nộp tiền tạ, nhiều ít tính theo bậc sang hèn, trả cho cha mẹ người con gái; người con gái không phải tội.
Luật Hồng Đức còn bảo vệ phụ nữ một khi họ phạm tội, pháp luật vẫn dành cho họ sự khoan hồng, bao dung: không bị đánh bằng trượng, không thi hành án tử hình đang nuôi con nhỏ, hay các mức hình phạt đồ dành cho họ nhẹ nhàng hơn sơ với nam giới…
Điều 680: Đàn bà phải tội tử hình trở xuống, nếu đang có thai, thì phải để sinh đẻ sau một trăm ngày, mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị xử biếm hai tư ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. Dù đã sinh rồi nhưng chưa đủ hạn 100 ngày mà hành hình thì ngục quan và ngục lại bị tội biếm hay tội phạt. Nếu khi chưa sinh mà thi hành tội xuy thì ngục quan bị phạt tiền 20 quan, ngục lại bị tội 80 trượng. Nếu vì đánh roi để xảy ra trọng thương hay bị chết, thì khép vào tội lầm lỡ giết người hay làm bị thương. Sau khi sinh đẻ chưa đủ 100 ngày, mà đem thi hành xuy hình, thì chiếu theo tội lúc chưa sinh mà giảm cho một bậc.
b. Bảo vệ về mặt tài sản cho phụ nữ
Tuy pháp luật về thừa kế còn mang nặng tính nho giáo nhưng ở pháp luật Triều Lê vẫn mang tính nhân văn thể hiện ở chỗ con gãi cũng có quyền thừa kế
Điều 391: Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng…
Điều 397: Người ông là Trần Giáp sinh được trai gái hai con, trai trưởng là Trần Ảt, gái là Trần Thị Bính, Trần Ảt sinh được một gái Trần Thị Đinh, còn thơ ấu thì Trần Ảt chết. Ông là Trần Giáo lập chúc thư giao phần ruoogj đất hương hỏa cho
Trần Thị Bính giữ. Khii Trần Thị Bính chết, thì phần hương hỏa phải trả lại cho con gái Trần Ảt là Trần Thị Đinh giữ.
Có quyền sở hữu tài sản
Điều 376: Vợ chồng đã có con thì một người chết trước sau đó con cũng lại chết, thì điền sản thuộc về chồng hay vợ.
Chia tài sản khi ly hôn
c. Pháp luật hôn nhân gia đình có những giá trị, chuẩn mực về tập quán
Những tập quán phù hợp thì được cụ thể hóa trong pháp luật.
Dùng pháp luật để loại bỏ những tập quán tiêu cực.
6. Hãy chứng minh rằng pháp luật nhà Lê là sự kết hợp hài hòa của hai nhân tố nhân trị và pháp trị
Pháp luật nhà Lê là hệ thống pháp luật hoàn thiện nhất, là đỉnh cao trong tiến trình lập pháp của xã hội phong kiến Việt Nam.
Thời kỳ nhà Lê, hệ tư tưởng Nho giáo được coi là một hệ tư tưởng chiếm vị trí độc tôn trong việc tổ chức, cai trị xã hội. Ý thức hệ chủ đạo của Nho giáo là dùng lễ trị, nhân trị để duy trì trật tự xã hội. Tư tưởng lễ trị là dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân chúng, là nền tảng của mọi quan hệ xã hội theo những thứ bậc, trật tự, gồm quan hệ vua tôi lấy chữ trung làm đầu; quan hệ thầy trò coi trọng chữ nghĩa; quan hệ giữa cha mẹ với con cái lấy chữ hiếu làm trọng, quan hệ anh em lấy chữa hòa để duy trì và bạn bè dùng chữ tín để xác lập,…Bên cạnh đóm chủ nghĩa nhân trị đề cao các giá trị đạo đức khác, đòi hỏi con người xử sự với nhau phải có lòng nhân ái, độ lượng, thương yêu nhau; giữa nhà nước với dân chúng (nhất là đối với người phạm tội) phải có sự khoan hồng, nhân đạo.
Tuy nhiên để cho các giáo lý này được thấm nhuần và trở thành quy phạm xử sự bắt buộc trong xã hội nên cần phải dùng pháp trị, hình trị. Tức trong một số trường hợp để bảo đảm các giá trị nhân, lễ này phát huy tối đa hiệu lực cần phải dùng đến những hình phạt đối với người không tuân thủ. Đối với người phạm vào tội thập ác mà xâm phạm đến khách thể là các quan hệ chính trị (tội mưu phản, tội mưu bạn, tội mưu đại nghịch, tội bất kính) làm ảnh hưởng đến an nguy Tổ Quốc (đại diện là vua); khách thể là các quan hệ hôn nhan gia đình (tội ác nghịch, tội bất hiếu, tội bất mục, tội nội loạn) làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội; khách thể là các luân lý đạo đức xã hội (tội bất đạo, tội bất nghĩa) nhóm tội thập ác là nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng đã xâm phạm vào những khách thể mà không thể tha thứ được, hình phạt giành cho tội phạm này thường rất nghiêm khắc, rất nặng nè hạn chế những quy định mang tính giảm nhẹ, đặc biệt khi đã cấu thành hình thức.
Pháp luật không nêu định nghĩa về hình phạt nhưng hình phạt là loại chế tài phổ biến nhất áp dụng cho hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật bất kể trong lĩnh vực nào. Chính vì không có sự phân định rõ ràng giữa hành vi phạm tội với những loại vi phạm pháp luật khác nên chế tài mang nặng tính trừng trị, nghiêm khắc nhất. Tinh nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở chỗ nó luôn đem đến những bất lợi cho người bị kết án sự tước bỏ hoặc hạn chế những quyền tự do nhân thân hay tài sản thậm chí cả quyền được sống, Pháp luật phong kiến nói chung và của nhà Lê nói riêng dùng hình phạt để bảo vệ nội dung và khách thể của pháp luật vốn được xây dựng trên cở sở nhân trị và đức trị, Nói cách khác việc dùng hình phạt (pháp trị) để bảo vệ các giá trị tư tưởng nhân văn của học thuyết Khổng – Mạnh. Vì lẽ đó, nội dung của pháp luật hình sự thể hiện rõ nét nhất sự kết hợp giữa hai hệ tư tưởng pháp trị với lễ trị và nhân trị. Điều này thể hiện rõ nét hơn trong chế định hình phạt của luật nhà Lê. Việc quy định hình phạt thể hiện sự cứng nhắc thậm chí quá tỉ mỉ và phân hóa theo mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Cả hai ý thức hệ nêu trên thẩm thấu một cách nhuần nhuyễn hòa quyện vào nhau và được cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật. Quan niệm nhân trị, lễ trị được các nhà làm luật lấy làm cơ sở để xây dựng nên nội dung của pháp lật cũng như xác định khách thể trong các quan hệ pháp luật. Tư tưởng pháp trị được các nhà làm luật sử dụng để cụ thể hóa thành các cách thứ bảo vệ nội dung và khác thể của pháp luật. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhân, lễ và pháp và được thể hiện trong toàn bộ hệ thống pháp luật nhà Lê.
Vì vậy, không có gì mâu thuẩn khi điều luật này đề cao các giá trị lễ nghĩa nhân văn nhưng điều luật khác thể hiện sự mạnh tay (thậm chí thái quá) của pháp luật trong việc trừng trị người phạm tội.
7. Chứng minh pháp luật nhà Lê bảo vệ các tập quán
Phổ biết nhất là các tập quán được sử dụng trong đời sống chính trị như nguyên tắc truyền ngôi theo nguyên tắc thế tập, tập quán trong đời sống dân sự như tập quán về sở hữu ruộng đất, tập quán canh tác, vay mượng, tập quán phân biệt đẳng cấp hay trọng nam khi nữ ít nhiều được thừa nhận trong quan hôn nhân gia đình; tập quán phân chia và sở hữu ruộng đất hay canh thu tô trong quan hệ sở hữu ruộng đất…
Trong lĩnh vực pháp luật hình sự
Trong nhóm tội thập ác thì pháp luật cũng đã bảo vệ tập quán về bảo vệ tổ quốc; bảo vệ vương quyền; con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; trò phải kính thầy.
Điều 2.
“Khoản 1: Mưu phản, là mưu mô là nguy đến xã tắc.
Khoản 7: Bất hiếu, là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường;
Khoản 8: Bất nghĩa, là giết quan bản phủ và các quan đương chức tại ngiệm; giết thầy học; nghe tin chồng chết không cử ai lại vui chơi ăn mặc như thường, cùng là cải giá;”
Phạm những tội này thương hình phạt rất hà khắc.
Tập quán bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị
Điều 7: Những người thuộc về nghị thân mà phạm tội thì họ tôn thất, họ hoàn thái hậu đều được miễn những tội đánh roi, đánh trượng, thích mặt; họ hoàng hậu thì được chuộc bằng tiền.
8. Chứng minh bộ máy nhà nước thời Nhà Nguyễn mang tính chuyên chế.
a. Tính chuyên chế là gì?
Tính chuyên chế là bằng mọi biện pháp phải giữ được quyền lợi của giai cấp thống trị, một nền chính trị phản dân chủ, dùng quân đội, công cụ bạo lực để bảo vệ nhà nước
b. Nguyên nhân dẫn đến tính chuyên chế của nhà Nguyễn
– Hoàn cảnh lịch sử ra đời rất phức tạp, thời kỳ loạn lạc kéo dài, phương Tây dòm ngó.
– Nền kinh tế đối đầu giữa kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp với công nghiệp, thị trường của phương Tây.
– Nho giáo gặp phải sự đối đầu của ý thức hệ Kito.
Để bảo đảm quyền lợi của mình, nhà Nguyễn bắt buộc phải chuyên chế.
c. Tính chuyên chế thể hiện ở những điểm sau
Hoàng Đế có quyền lực rộng lớn trải trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
– Bằng pháp luật nhà Nguyễn duy trì quyền hạn tuyệt đối của nhà Vua, không chia sẻ, không nhân nhượng hoặc ủy thác cho bất kỳ một ai.
– Đặt lệ “Tứ bất” nhằm hạn chia sự phân chia quyền lực: không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, không lập Trạng nguyên.
9. Chứng minh: “Chính quyền địa phương giai đoạn 1802-1830 tổ chức một cách thận trọng và dè dặt”
a. Nguyên nhân
Vì nhà Nguyễn đứng trước nhiều khó khoăn và thử thách mới do hoàn cảnh lịch sử mang lại. Đàng ngoài là vùng đất nghịch do nhiều sĩ phu và dân chúng vẫn còn chống đối. Đàng trong là vùng đất mới còn nhiều biến động nên chưa thật sự ổn định
b. Cách thực hiện Chia nước làm 3 miền: Miền Bắc, miền Nam và miền Trung
Tổ chức chính quyền cấp thành cho miền Bắc và miền Nam: quản lý theo nguyên tắc trung ương tản quyền. Thời kỳ đầu vẫn theo chế độ quan quản, đứng đầu là hai vị Tổng trấn với quyền hành rộng rãi.
10. Tại sao Lập cấp thành thời nhà Nguyễn là biện pháp mang tính ứng phó linh hoạt tạm thời, bảo đảm cho sự tồn tại của nhà Nguyễn.
a. Nguyên nhân
Nhà Nguyễn mới thành lập nên chưa ổn định, chưa đủ khả năng để trực tiếp quản lý đặc biệt là vùng đất nghịch ở Đàng Ngoài và vùng đất mới ở Đàng Trong.
b. Biện pháp
– Bắc thành nhà Nguyễn dùng chính sách cai trị đặc biệt: dùng thổ quan để cai trị là các cựu thần nhà Lê.
– Tổng trấn đứng đầu cấp thành được vua ban sắc ấn riêng, trực tiếp điều khiển, kiểm soát các trấn trực thuộc.
– Năm 1831 vua Minh Mạnh thực hiện cải cách tránh trình trạng chuyên quyền: Xóa bỏ cấp thành, thành lập tỉnh và dưới sự kiểm soát của nhà Vua, vị trí các tỉnh ngang nhau.