Hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản và ý nghĩa của Hiến pháp 1946

1. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp năm 1946

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là xây dựng Hiến pháp nhằm củng cố chính quyền nhân dân và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Ngày 20/9/1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tháng 11/1945, bản Dự thảo Hiến pháp đầu tiên được công bố để nhân dân đóng góp ý kiến. Ngày 2/3/1946, trên cơ sở Bản dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Vào tháng 10 năm 1946 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I đã thảo luận dân chủ và đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 9/11/1946.

Vì hoàn cảnh chiến tranh do đó Hiến pháp năm 1946 không được đưa ra toàn dân phúc quyết và công bố.


2. Nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1946

Hiến pháp năm 1946 gồm lời nói đầu, 7 chương với 70 điều. Lời nói đầu xác định nhiệm vụ của dân tộc trong giai đoạn này là bảo vệ lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ; xác định ba nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp là: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền lợi dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Chương I. “Chính thể” (gồm 3 điều) quy định chính thể của nước Việt Nam.

Điều 1 Hiến pháp năm 1946 quy định “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định rõ chính thể của nước Việt Nam là cộng hòa dân chủ, đồng thời khẳng định bản chất của Nhà nước ta là một nhà nước dân chủ nhân dân, thể hiện quyền lực nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Điều 2 và Điều 3 của Hiến pháp năm 1946 quy định: Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia. Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đô đặt ở Hà Nội.

Chương II. “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” (gồm 18 điều) quy định các quyền và nghĩa vụ rất cơ bản như: Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền bầu cử, ứng cử; quyền tư hữu tài sản; các quyền tự do dân chủ và tự do cá nhân; quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia…; công dân có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ tôn trọng Hiến pháp, nghĩa vụ tuân theo pháp luật.

Chương III. “Nghị viện nhân dân” (gồm 21 điều) quy định tổ chức và hoạt động của Nghị viện nhân dân. Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài. Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần. Nghị viện nhân dân bầu một Nghị trưởng, hai Phó nghị trưởng, 12 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết để lập thành Ban thường vụ. Ban thường vụ Nghị viện nhân dân là cơ quan hoạt động thường xuyên của Nghị viện nhân dân và có quyền quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Hình minh họa. Hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản và ý nghĩa của Hiến pháp 1946

Chương IV. “Chính phủ” (gồm 14 điều) quy định tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng. Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận. Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ tướng đề cử ra Hội đồng Chính phủ duyệt y. Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ.

Chương V. “Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính” (gồm 6 điều) quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã. Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Uỷ ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có Uỷ ban hành chính. Uỷ ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Uỷ ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra. Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Uỷ ban hành chính có trách nhiệm: Thi hành các mệnh lệnh của cấp trên; thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân địa phương mình sau khi được cấp trên chuẩn y; chỉ huy công việc hành chính trong địa phương. Uỷ ban hành chính chịu trách nhiệm đối với cấp trên và đối với Hội đồng nhân dân địa phương mình.

Chương VI.. “Cơ quan tư pháp” (gồm 7 điều)) quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có: Toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp. Các thẩm phán Tòa án đều do Chính phủ bổ nhiệm. Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với thẩm phán nếu là việc đại hình.

Chương VII. “Sửa đổi Hiến pháp” có 1 điều, quy định trình tự sửa đổi Hiến pháp như sau: Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi; những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.


3. Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ và là một bản Hiến pháp dân chủ nhân dân. Sở dĩ khẳng định như vậy vì những lý do sau:

– Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận thành quả đấu tranh của nhân dân ta giành độc lập, tự do cho dân tộc, lật đổ chế độ thực dân – phong kiến ở nước ta. Đây là sự kiện đánh dấu sự “đổi đời” của đất nước và của nhân dân ta.

– Hiến pháp năm 1946 do chính nhân dân xây dựng nên thông qua những đại diện của mình là các đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Hiến pháp năm 1946 thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc là thực hiện quyền tự do của công dân một nước độc lập.

– Hiến pháp năm 1946 đã đặt cơ sở pháp lý nền tảng cho việc tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước kiểu mới, một “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt” của nhân dân với sự sáng tạo ra một hình thức chính thể cộng hòa dân chủ độc đáo với chế định Chủ tịch nước phù hợp với điều kiện chính trị – xã hội rất phức tạp ở nước ta giai đoạn này, một công cụ chủ yếu để thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Quyền lực Nhà nước được tập trung vào cơ quan đại diện của nhân dân (Nghị viện và Hội đồng nhân dân) không có sự phân chia quyền lực như đối với các Nhà nước tư sản. Nguyên tắc tập trung dân chủ lần đầu tiên được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước kiểu mới. Nhiều nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được Hiến pháp năm 1946 quy định đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

– Hiến pháp năm 1946 công nhận và bảo đảm quyền dân chủ của công dân phù hợp với tình hình và đặc điểm của giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước Việt Nam. Hiến pháp bảo đảm sự tồn tại của quyền tư hữu tài sản, mở rộng quyền bầu cử cho mọi thành phần giai cấp, kể cả địa chủ, quan lại phong kiến. Các quyền tự do, dân chủ của công dân được Hiến pháp năm 1946 quy định mang tính tiến bộ, tính nhân văn sâu sắc.

Nhìn chung, Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là Hiến pháp dân chủ nhân dân và còn mang nhiều dấu ấn của Hiến pháp tư sản. Điều này phù hợp với mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong giai đoạn đó. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa hết sức to lớn, nó đặt nền móng cho quá trình hình thành và phát triển của Hiến pháp Việt Nam.

Bài viết liên quan