Khái niệm, vai trò và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

1. Giáo dục là gì?

Từ khi ra đời, giáo dục đã trở thành một yếu tố cơ bản thúc đẩy sự phát triển thông qua việc thực hiện các chức năng xã hội của nó. Đó chính là những tác động tích cực của giáo dục đến các mặt hay các quá trình xã hội và tạo ra sự phát triển cho xã hội. Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “giáo dục”:

– Giáo dục được hiểu là quá trình hình thành và phát triển nhân cách dưới ảnh hưởng của tất cả các hoạt động từ bên ngoài, được thực hiện một cách có ý thức của con người trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội.Ví dụ:Ảnh hưởng của các hoạt động đa dạng nội khóa, ngoại khóa của nhà trường; ảnh hưởng của lối dạy bảo, nếp sống trong gia đình; ảnh hưởng của sách vở, tạp chí; ảnh hưởng của những tấm lòng nhân từ của người khác;…

– Giáo dục còn được hiểu là hệ thống những tác động có mục đích xác định được tổ chức một cách khoa học (có kế hoạch, có phương pháp, có hệ thống) của các cơ quan giáo dục chuyên biệt (nhà trường) nhằm phát triển toàn diện nhân cách. Qua những môn học trên trường, lớp cũng như qua những hoạt động như báo cáo thời sự, biểu diễn văn nghệ, cắm trại, thăm quan,… được tổ chức ngoài giờ lên lớp, sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của người được giáo dục, dưới tác động của giáo viên, của nhà giáo dục.

– Giáo dục được hiểu là quá trình hình thành và phát triển nhân cách người giáo dục dưới quan hệ của những tác động sư phạm của nhà trường, chỉ liên quan đến các mặt giáo dục như: trí học, đức học, mĩ dục, thể dục, giáo dục lao động.

– Ngoài ra, giáo dục còn được hiểu là quá trình hình thành và phát triển nhân cách người được giáo dục chỉ liên quan đến giáo dục đạo đức.

Sự ra đời và phát triển của giáo dục gắn liền với cự ra đời và phát triển của xã hội. Một mặt, giáo dục phục vụ cho sự phát triển xã hội, bởi lẽ, xã hội sẽ không phát triển thêm một bước nào nếu như không có những điều kiện cần thiết cho giáo dục tạo ra. Mặt khác, sự phát triển của giáo dục luôn chịu sự quy định của xã hội thông qua những yêu cầu ngày càng cao và những điều kiện ngày càng thuận lợi do sự phát triển xã hội mang lại. Chính vì vậy, trình độ phát triển của giáo dục phản ánh những đặc điểm phát triển của xã hội.

Vậy giáo dục là hiện tượng xã hội đặc biệt, bản chất của nó là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử – xã hội của các thế hệ loài người nhằm nâng cao hiểu biết về thế giới quan khoa học cũng như hình thành nhân cách của con người.


2. Đào tạo là gì?

Đào tạo đề cập đến việcdạycác kỹ năng thực hành, nghề nghiệp hay kiến thức liên quan đến một lĩnh vực cụ thể, để người học lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kĩ năng,nghề nghiệp một cách có hệ thống để chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng đảm nhận được một công việc nhất định.Khái niệm đào tạo thường có nghĩa hẹp hơn khái niệm giáo dục, thường đào tạo đề cập đến giai đoạn sau, khi một người đã đạt đến một độ tuổi nhất định, có một trình độ nhất định. Có nhiều dạng đào tạo: đào tạo cơ bản đào tạo chuyên sâu, đào tạo chuyên môn và đào tạo nghề, đào tạo lại,đào tạo từ xa, tự đào tạo

Vậy đào tạo được hiểu là hoạt động học tập nhằm giúp cho người lao động có thể thực hiện có hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình. Nói một cách cụ thể đào tạo liên quan đến việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng đặc biệt, nhằm thực hiện những công việc cụ thể một cách hoàn hảo hơn.


3. Chính sách giáo dục và đào tạo

Chính sách giáo dục và đào tạo là một trong những chính sách xã hội cơ bản trong hệ thống các chính sách xã hội của Nhà nước. Chính sách giáo dục và đào tạo là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục và đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu Nhà nước về lĩnh vực này.

Chính sách giáo dục và đào tạo có mối quan hệ biện chứng với các chính sách xã hội khác đặc biệt là mối quan hệ giữa các chính sách lao động và việc làm, an sinh xã hội…Đối tượng của chính sách giáo dục đào tạo đó là con người, là vốn quý nhất, là nguồn lực cốt lõi để phát triển đất nước. Chính vì thế chính sách giáo dục và đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi quốc gia nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Kinh nghiệm cho thấy nếu không có chính sách phát triển giáo dục đào tạo đúng đắn sẽ không tạo được động lực để xã hội phát triển. Nhiều quốc gia đã coi chính sách phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Vậy chính sách giáo dục và đào tạo là hệ thống các quan điểm, mục tiêu của Nhà nước về giáo dục và đào tạo cùng các phương hướng, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đó trong một giai đoạn nhất định.

Hình minh họa. Khái niệm, vai trò và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

4. Vai trò của giáo dục và đào tạo

Giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo như Nhật Bản với quan điểm coi “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; cần kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hóa lâu đời phương Đông với những tri thức Phương Tây hiện đại”; hay Singapore với phương châm “Thắng trong cuộc đua về giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế”; Cường quốc Mỹ cũng luôn chú trọng đến việc “Tập trung cho đầu tư giáo dục – đào tạo và thu hút nhân tài”; một người bạn lớn của Việt Nam là Liên Xô trước đây cũng đã khẳng định “Chính sách về con người là điểm bắt đầu và là điểm kết thúc của mọi chính sách kinh tế – xã hội”.

Với vị trí quốc sách hàng đầu, giáo dục và đào tạo có vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Vai trò của giáo dục và đào tạo được thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng ở các kì đại hội. Nghị quyết TW2, khoá VIII đã khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay”. Thêm vào đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam”. Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 được thông qua tại Đại hội XI, vai trò của giáo dục và đào tạo lại được làm rõ: “Giáo dục và đào tạo cần tập trung vào việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Vai trò của giáo dục và đào tạo còn được khẳng định tại Nghị quyết Trung ương 8, Khoá XI: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.


5. Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân

5.1. Giáo dục mầm non

Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:

– Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi;

– Trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi;

– Trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.

5.2. Giáo dục phổ thông

Giáo dục phổ thông gồm:

– Giáo dục tiểu học được thực hiện trong năm năm học, từ lớp một đến lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là sáu tuổi;

– Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong bốn năm học, từ lớp sáu đến lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu có tuổi là mười một tuổi;

– Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong ba năm học, từ lớp mười đến lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, có tuổi là mười lăm tuổi.

Cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm:

– Trường tiểu học;

– Trường trung học cơ sở;

– Trường trung học phổ thông;

– Trường phổ thông có nhiều cấp học;

– Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp.

5.3. Giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

– Trung cấp chuyên nghiệp được thực hiện từ ba đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, từ một đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

– Dạy nghề được thực hiện dưới một năm đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp, từ một đến ba năm đối với đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

– Trường trung cấp chuyên nghiệp;

– Trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề).

5.4. Giáo dục đại học

Giáo dục đại học bao gồm:

– Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ hai đến ba năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành;

– Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành;

– Đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện từ một đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học;

– Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học, từ hai đến ba năm học đối với người có bằng thạc sĩ. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ có thể được kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

– Trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng;

– Trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học; đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

5.5. Giáo dục thường xuyên

Giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập.

Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:

– Trung tâm giáo dục thường xuyên được tổ chức tại cấp tỉnh và cấp huyện;

– Trung tâm học tập cộng đồng được tổ chức tại xã, phường, thị trấn.

– Chương trình giáo dục thường xuyên còn được thực hiện tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bài viết liên quan