Nguyên tắc của phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng

Bài viết dưới đây của hilaw.vn sẽ cung cấp cho bạn đọc thêm kiến thức về những nguyên tắc của phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và việc vận dụng nó vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay….


1. Khái niệm chủ nghĩa duy vật biện chứng

C.Mác đã kế thừa tư tưởng về phương pháp biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel và lý luận về chủ nghĩa duy vật của Ludwig Andreas von Feuerbach và phát triển nên phương pháp luận này. Các nhà triết học Marx-Lenin cho rằng phương pháp duy vật biện chứng là cơ sở triết học cho hệ tư tưởng của họ.

Triết học Mác là một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, là hạt nhân thế giới quan, phương pháp luận của hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, là công cụ nhận thức vĩ đại để giai cấp công nhân nhận thức và cải tạo thế giới, xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn đó là xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những cống hiến vĩ đại của C.Mác trong lĩnh vực triết học đó là tạo nên sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và phép biện chứng; sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử; làm cho triết học trở thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng để giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Trong lịch sử triết học duy vật trước C.Mác đã chứa đựng không ít những hạt nhân hợp lý. Nhưng do sự hạn chế của điều kiện lịch sử xã hội, trình độ phát triển của khoa học cho nên tính siêu hình, duy vật về tự nhiên, duy tâm về xã hội là nhược điểm lớn nhất của chủ nghĩa duy vật trước C.Mác. Trong khi đó, phép biện chứng lại bị nhốt trong cái vỏ duy tâm thần bí của triết học cổ điển Đức, đặc biệt là hệ thống triết học duy tâm, bảo thủ, phản động của G.V.Ph.Hêghen. Để xây dựng một thế giới quan, phương pháp luận triết học thực sự khoa học và cách mạng, đem lại cho loài người một công cụ nhận thức vĩ đại, C.Mác đã tiến hành cải tạo chủ nghĩa duy vật L.Phoiơbắc, phép biện chứng duy tâm của Hêghen. Công lao của C.Mác trong cải tạo chủ nghĩa duy vật đã được V.I.Lênin đã khẳng định: “Trong khi nghiên cứu sâu và phát triển chủ nghĩa duy vật triết học, Mác đã đưa học thuyết đó tới chỗ hoàn bị và mở rộng học thuyết ấy từ chỗ nhận thức giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xã hội loài người”.

Phép biện chứng là một cống hiến vĩ đại, không thể phủ nhận của C.Mác. C.Mác đã chủ định nghiên cứu phép biện chứng từ rất sớm. Trong khi thừa nhận những hạt nhân hợp lý, C.Mác đã chỉ ra thế giới quan duy tâm, lộn ngược, tính chất bảo thủ, phản động, bất lực trước những vấn đề xã hội và lịch sử trong phép biện chứng của G.V.Ph.Hêghen. C.Mác đã đặt ra yêu cầu phải sử dụng phép biện chứng duy vật để phân tích các vấn đề xã hội và lịch sử. Theo đó, phép biện chứng duy vật của C.Mác khác hẳn về chất so với phép biện chứng duy tâm của G.V.Ph.Hêghen. Đúng như C.Mác đã khẳng định: “Phương pháp biện chứng của tôi không những khác phương pháp của Hê-ghen về cơ bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy nữa.”(2). Tạo ra sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng là cống hiến vĩ đại của C.Mác mà trong lịch sử triết học chưa từng có. C.Mác đã đem lại cho loài người tiến bộ vũ khí lý luận sắc bén, công cụ nhận thức vĩ đại.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở lý luận của thế giới quan khoa học; là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Triết học Mác-Lênin là triết học duy vật, bởi triết học đó coi ý thức là tính chất của dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người và nhiệm vụ của bộ não người là phản ánh giới tự nhiên. Sự phản ánh có tính biện chứng, bởi nhờ nó mà con người nhận thức được mối quan hệ qua lại chung nhất giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất; đồng thời nhận thức được rằng, sự vận động và phát triển của thế giới là kết quả của các mâu thuẫn đang tồn tại bên trong thế giới đang vận động đó.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng – nó là hình thức cao nhất trong các hình thức của chủ nghĩa duy vật. Cốt lõi của chủ nghĩa duy vật biện chứng là chủ nghĩa duy vật kết hợp với phép biện chứng.

Đặc trưng của phương pháp duy vật biện chứng là coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác.

Hình minh họa. Nguyên tắc của phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng

2. Khái quát về nguyên tắc của phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng

Phương pháp luận biện chứng duy vật được coi là những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo các chủ thể trong việc xác định phạm vi, phương pháp, cách thức, phương tiện tác động nhằm tạo ra những biến đổi cho phù hợp và hiệu quả. Vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật trong quán triệt và xử lý mối quan hệ lớn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta hiện nay là góp phần định hướng phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Sự xuất hiện của chủ nghĩa Mác đã tạo ra một bước ngoặt trong triết học, một trong những biểu hiện nổi bật của cuộc cách mạng này là sự thống nhất chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng. Phép biện chứng duy vật trở thành cơ sở của thế giới quan và phương pháp luận khoa học, vì nó là một hệ thống lý luận phản ánh những mối liên hệ, những quá trình biến đổi của bản thân thế giới hiện thực, căn cứ vào những kết quả khoa học đã được đúc kết, kết hợp với sự tổng kết, khái quát thực tiễn hoạt động của con người. Phương pháp luận của phép biện chứng là những kết luận được rút ra từ việc khảo sát các mối liên hệ của các sự vật, từ quá trình phát sinh, phát triển cụ thể của nó, “từ các mặt liên hệ, liên kết, vận động, sinh ra và mất đi của các sự vật”. Vì vậy, phương pháp luận của phép biện chứng duy vật được coi là những nguyên tắc xuất phát chỉ đạo các chủ thể trong việc xác định phạm vi, phương pháp, cách thức, phương tiện tác động nhằm tạo ra những biến đổi cho phù hợp và hiệu quả.

Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng cụ thể chúng ta sẽ đi phân tích ở những mục sau đây…


3. Nguyên tắc khách quan

Với nguyên tắc này, nhận thức về sự vật phải xuất phát từ chính bản thân sự vật hiện tượng đó với những thuộc tính, mối liên hệ bên trong vốn có của nó.

Vì vậy, nhận thức cần đạt tới cái bản chất, cái quy luật chi phối sự vật. Đây là quá trình khó khăn và phải trải qua nhiều giai đoạn, bởi lẽ cái bản chất thể hiện qua vô vàn các hiện tượng phong phú, đa dạng, phức tạp và luôn vận động, biến đổi.

Bằng thực tiễn, thông qua thực tiễn, kết quả của hoạt động thực tiễn cho phép đánh giá tri thức ấy có khách quan, đúng đắn hay không. V.I.Lênin viết: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”(1).

Vì vậy, trong nhận thức cần tránh thái độ thụ động, chủ quan, bảo thủ, trì trệ, thiếu tính sáng tạo, mà cần chủ động, tích cực, thông qua hoạt động thực tiễn của con người để nhận biết đúng các thuộc tính, các cấp độ bản chất, các hệ thống quy luật chi phối sự vật.

=> Như vậy, nguyên tắc khách quan là điều kiện cần thiết cho mọi nhận thức khoa học. Nếu nhận thức và phương pháp hoạt động của chủ thể không tôn trọng quy luật khách quan, nếu hoạt động thực tiễn không tuân theo quy luật khách quan, chúng ta sẽ phải gánh những kết quả không như mong muốn.


4. Nguyên tắc toàn diện, phát triển và lịch sử

4.1. Nguyên tắc toàn diện

Theo V.I.Lênin đã viết rằng: “Muốn thực sự thấu hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Chúng ta không thể làm được điều đó một cách hoàn toàn đầy đủ, nhưng sự cần thiết phải xem xét tất cả mọi mặt sẽ đề phòng cho chúng ta khỏi phạm phải sai lầm và sự cứng nhắc”(2). Những chỉ dẫn trên của V.I.Lênin nhắc nhở con người trong nhận thức, muốn biết chân tướng của sự vật cần phải xem xét sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, các yếu tố, các thuộc tính khác nhau của nó; phải xem xét sự vật, hiện tượng này trong mối liên hệ với sự vật hiện tượng khác kể cả khâu trung gian của nó, phải xem xét nó trong mối liên hệ với nhu cầu thực tiễn để từ đó thấy được vị trí, vai trò của các mối liên hệ giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng hay giữa các sự vật, hiện tượng với nhau. Qua đó, xác định được những quan hệ trọng tâm trọng điểm cần được giải quyết trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nguyên tắc toàn diện này cũng chỉ ra rằng, một luận điểm là đúng đắn trong những quan hệ này lại trở thành sai lầm trong những quan hệ khác, một luận điểm, một hướng đi, một cách làm là đúng đắn, hữu ích trong điều kiện này lại có thể là không phù hợp, có hại trong điều kiện khác.

4.2. Về nguyên tắc phát triển

Phép biện chứng duy vật chỉ ra rằng, liên hệ là quá trình tác động qua lại – cái tạo thành “nguyên nhân cuối cùng của mọi sự vận động và biến đổi của sự vật”. Cho nên, mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng là nguyên nhân tạo nên sự vận động của chúng. Cũng chính do có mối liên hệ phổ biến mà trong thế giới khách quan luôn tồn tại xu hướng phát triển không ngừng. Vật chất không vận động đi tới tiêu vong mà tạo ra sự chuyển hóa (biến đổi) theo những hướng khác nhau, trong đó có khuynh hướng vận động theo chiều hướng đi lên, từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn (gọi là phát triển).

Các chủ thể cần nhận thức và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các phương pháp hành động cho phù hợp để có được những biến đổi theo chiều hướng phát triển. Đây là quá trình phức tạp, bởi lẽ, sự biến đổi theo chiều hướng phát triển của hiện thực là quá trình vận động có tính quy luật nội tại, diễn ra trong nó, là quá trình phủ định biện chứng, phủ định có kế thừa.

4.3. Về nguyên tắc lịch sử

Xem xét hiện tượng xã hội, V.I. Lênin chỉ dẫn rằng, cần phải “xem xét vấn đề theo quan điểm sau đây: một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào, và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành thế nào?”.

Phép biện chứng duy vật không chỉ là một lý luận khoa học cho phép phản ánh đúng đắn các sự vật, hiện tượng, nó còn là một công cụ sắc bén để mổ xẻ, phân tích các vấn đề xã hội và tìm ra các giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể. Chính nhờ công cụ sắc bén này, chủ nghĩa Mác đã tìm ra các quy luật vận động của xã hội, đã nhìn xã hội như một cơ thể sống luôn vận động, biến đổi do những mối liên hệ nội tại của nó tạo ra; thấy được vai trò quyết định của điều kiện vật chất, của cơ sở kinh tế nhưng cũng thấy vai trò hết sức to lớn của kiến trúc thượng tầng chính trị, của tư tưởng, văn hóa… Điều đó đã khắc phục được tư tưởng duy tâm, siêu hình, lối nhìn nhận phản biện chứng trước đây. Khái lược điều đó cho thấy các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật là những nguyên tắc cơ bản để nhận thức về các mối quan hệ lớn ở nước ta hiện nay.


5. Vận dụng vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Cần tôn trọng quy luật khách quan; phát huy tính năng động chủ quan

Mục đích, đường lối, chủ trương đặt ra không được xuất phát từ ý muốn chủ quan mà phải xuất phát từ hiện thực, phản ánh nhu cầu chín muồi và tính tất yếu của đời sống vật chất trong từng giai đoạn cụ thể. Khi đã có mục đích, đường lối, chủ trương đúng; phải tổ chức lực lượng vật chất để thực hiện nó.

Nguyên tắc khách quan đòi hỏi phát huy tính năng động chủ quan, tính sáng tạo của ý thức, của con người. Tôn trọng tri thức khoa học, lý luận phản ánh đúng thế giới khách quan, từ đó tạo khả năng xác định và hình thành được mục đích, phương hướng, biện pháp và ý chí cần thiết cho hoạt động thực tiễn của con người. Chống thái độ thụ động, ỷ lại và bảo thủ, trì trệ; và chú ý vai trò của lợi ích bởi nếu phù hợp sẽ thúc đẩy, ngược lại, sẽ cản trở thậm chí cố tình bóp méo, xuyên tạc chân lý. Chống bệnh chủ quan, duy ý chí, lối nghĩ đơn giản, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan. Căn bệnh này xuất hiện chủ yếu là do thiếu kiến thức, lý luận hoặc kém, hoặc lạc hậu; ít kinh nghiệm.

Tôn trọng khách quan, phát huy tính năng động chủ quan vừa có ý nghĩa phương pháp luận cơ bản, vừa là yêu cầu có tính nguyên tắc trong hoạt động thực tiễn.

Tại Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;… Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”(4). Việc nắm vững và giải quyết các mối quan hệ lớn là những khía cạnh cụ thể để thực hiện mục tiêu tổng quát của thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước chủ nghĩa xã hội ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội XII của Đảng xác định, một trong các nhiệm vụ tổng quát là: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;…”

Như vậy, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một trong những mối quan hệ lớn cần được quán triệt trong nhận thức cũng như giải quyết có hiệu quả trong thực tiễn. Việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ này cần bảo đảm nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển và lịch sử – cụ thể.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là những bộ phận quan trọng không thể thiếu, có quan hệ thống nhất, cùng tồn tại, có ảnh hưởng qua lại, vừa làm tiền đề vừa làm điều kiện cho nhau. Trong đó, xã hội muốn phát triển phải có tăng trưởng kinh tế để giải quyết các nhu cầu vật chất không thể thiếu của con người, mặt khác, tăng trưởng kinh tế thì mới có khả năng huy động các nguồn lực vật chất cho việc phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực tế không thể có một nền văn hóa phát triển lành mạnh, phong phú và một xã hội tiến bộ, công bằng trên cơ sở một nền kinh tế yếu kém, suy thoái hay một nền kinh tế tăng trưởng nóng lấy số lượng tăng trưởng là thước đo duy nhất. Ngược lại, trong một xã hội mà đạo đức xuống cấp, tham nhũng, lãng phí cao, nhiều lao động có trình độ học vấn và tay nghề thấp, bị lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói…thì cũng không thể có kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững.

Bài viết liên quan