Phạm tội chưa đạt là gì? Ví dụ minh họa về phạm tội chưa đạt

1. Căn cứ pháp lý

Phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

Điều 15. Phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.


2. Phân tích hành vi phạm tội chưa đạt

2.1. Dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội chưa đạt

Tội phạm sau khi hoàn tất các hoạt động cần thiết tại giai đoạn chuẩn bị thì sẽ chuyển tiếp đến việc thực hiện hành vi trên thực tế. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp tội phạm đều được thực hiện hoàn thành mà trong giai đoạn này tội phạm đã hoặc đang thực hiện nhưng vì một lý do nào đó mà không đạt được mục đích hay nói cách khác hậu quả xảy ra ngoài mong muốn của người phạm tội. Tại Điều này, chúng ta sẽ xem xét các dấu hiệu cấu thành hành vi phạm tội chưa đạt.

2.1.1. Hành vi đã hoặc đang thực hiện

Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp, nếu việc chuẩn bị công cụ, phương tiện, thu thập thông tin…tại giai đoạn chuẩn bị phạm tội là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa cho các suy nghĩ, ý định phạm tội thì đến giai đoạn này lại là biểu hiện cho quyết tâm đến cùng của tội phạm.

Ví dụ: Tội phạm giết người tại Điều 123 Bộ luật hình sự, người phạm tội đã dùng dao đâm nạn nhân hoặc dùng vật cứng đánh mạnh vào đầu nạn nhân….tất các các hành động này thể hiện tội phạm đang diễn ra, người phạm tội đang tác động, xâm phạm đến quyền con người được pháp luật hình sự bảo vệ. Tội cướp tài sản tại Điều 168, người phạm tội đã dùng dao khống chế hoặc dùng dây trói nạn nhân hoặc các hành vi khác bằng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực làm nạn nhân không thể chống cự. Tất cả các hành động nói trên của người phạm tội nhằm đạt được mục đích cuối cùng của mình (ở tội giết người, người phạm tội đã dùng dao đâm hoặc dùng vật cứng đánh mạnh vào đầu nhằm gây cái chết cho nạn nhân; ở tội cướp tài sản, người phạm tội dùng dao khống chế, đe dạo nạn nhân…nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân).

2.1.2. Mục đích người phạm tội chưa đạt được

Sở dĩ ở đây chúng ta không sử dụng cụm từ hậu quả để nói lên rằng tội phạm chưa đạt do hậu quả chưa xảy ra là hoàn toàn không chính xác. Có nhiều trường hợp hậu quả chính là mục đích, là cái mong muốn đạt được của người phạm tội khi thực hiện hành vi và ngược lại có khi hậu quả không phải là đích cuối cùng mà người phạm tội hướng đến. Trong bất kỳ trường hợp nào, một hành vi phạm tội dù chưa đạt hoặc hoàn thành đều để lại những hậu quả nhất định, tội giết người nêu trên hậu quả có thể là nạn nhân chết (phù hợp với mong muốn của người phạm tội) hoặc hậu quả là gây thương tích, ảnh hưởng đến đời sống bình thường sau này của nạn nhân như gây ra cảm giác sợ hãi, lo lắng…Do vậy ở mọi khía cạnh, góc độ dù hành vi phạm tội hoàn thành hay chưa đạt đều gây ra hậu quả cho nạn nhân, gia đình và xã hội.

Dấu hiệu của tội phạm chưa đạt thể hiện rõ nét ở mục đích phạm tội. Và rõ ràng một khi chưa đạt được mục đích thì tội phạm đó đã cấu thành dấu hiệu tội phạm chưa đạt. Các trường hợp chưa đạt bao gồm:

– Hậu quả trên thực tế không đồng thời là hậu quả mong muốn của người phạm tội (đã thực hiện tất các hành vi).

– Hành vi khách quan đang diễn ra nhưng chưa dẫn đến hậu quả.

2.1.3. Tội phạm chưa đạt là ngoài ý muốn

Xét về ý chí thì hành vi của người phạm tội phải được diễn ra theo đúng những gì họ mong muốn. Tức là hậu quả xảy ra trên thực tế phải khớp với hậu quả mong muốn của họ.Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vì một lý do nào đó (có thể là nạn nhân chống cự, phát hiện và hỗ trợ của mọi người xung quanh, sự cố của công cụ, phương tiện…..) mà mục đích của người phạm tội vẫn chưa đạt được. Để phân biệt với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội quy định tại Điều 16 thì chúng ta phải xác định và làm rõ rằng tội phạm chưa đạt là ngoài mong muốn, còn biểu hiện về ý chí, quyết tâm thì người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng.

Tại giai đoạn này, chúng ta cũng cần phải làm rõ thêm các hành vi trên thực tế của người phạm tội, biểu hiện ở việc thực hiện các hành vi khách quan. Xem xét người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi được cho là cần thiết để tội phạm hoàn thành hay chưa. Để có đánh giá chính xác thì phải nhìn nhận vào từng tội danh cho từng hoàn cảnh, điều kiện nhất định.

Ví dụ: Tội giết người: trường hợp người phạm tội đã dùng súng bắn nhưng súng kẹt cò không nổ (chưa thực hiện hết các hành vi khách quan) hoặc đã bắn nhưng đạn không trúng nạn nhân hoặc trường hợp đạn trúng nạn nhân nhưng nạn nhân không chết vì được phát hiện và cấp cứu kịp thời (đã thực hiện toàn bộ các hành vi khách quan cần thiết được cho là sẽ dẫn đến hậu quả như mong muốn của người phạm tội).

Sự phân loại nêu trên là cần thiết và có ý nghĩa trong hoạt động truy tố, xét xử tội phạm, có liên quan và quyết định mức khung hình phạt phù hợp.

Không giống giai đoạn chuẩn bị phạm tội, pháp luật hình sự quy định người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự cho tội phạm chưa đạt. Không có bất kỳ sự giới hạn tội danh bởi lẽ phạm tội chưa đạt là ngoài mong muốn của người phạm tội, và trên thực tế nó đã gây ra những hậu quả nhất định.

So với Bộ luật hình sự 1999 thì không có sự thay đổi trong quy định về Phạm tội chưa đạt. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Thông qua khái niệm có thể thấy hình vi phạm tội chưa đạt chỉ có thể có đối với các tội cố ý. Tuy không có một sự rõ ràng nào trong quy định, nhưng có thể hiểu chỉ có những tội cố ý trực tiếp thì mới có thể phạm tội chưa đạt. Bởi lẽ, người thực hiện hành vi phạm tội mong muốn thực hiện đến cùng hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra.

2.2. Phân loại hành vi phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt được chia làm 02 dạng: Phạm tội chưa đạt hoàn thành và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Phạm tội chưa đạt hoàn thành là người phạm tội đã thực hiện tất cả các hành vi mà người đó cho là cần thiết để hậu quả mong muốn có thể xảy ra, nhưng vì những nguyên nhân khách quan ngoài thực tế mà hậu quả đó không xảy ra. Nghĩa là chưa đạt về mặt hậu quả, hoàn thành về mặt hành vi.

Ví dụ: A muốn giết B, đâm nhiều nhát vào vị trí trọng yếu trên người B, A nghĩ là B đã chết nên bỏ đi, nhưng do người đi đường phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên B được cứu sống. Trường hợp này, hành vi của A là hành vi phạm tội chưa đạt hoàn thành.

Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là việc người thực hiện hành vi phạm tội không thực hiện được tất cả các hành vi mà người đó cho là cần thiết để dẫn đến hậu quả mà họ mong muốn. Tuy nhiên, cần chú ý việc không thực hiện được các hành vi họ cho là cần là bởi nguyên nhân khách quan, còn về mặt ý chí thì người này vẫn mong muốn thực hiện.

Ví dụ: A đang chuẩn bị đâm B thì có người ngăn cản,tri hô, lực lượng chức năng có mặt và bắt A, nên A không thể thực hiện được hành vi của mình.

Ý chí của chủ thể trong trường hợp này là rất quan trọng, đây là căn cứ để phân biệt giữa tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Người thực hiện hành vi phạm tội dù trong trường hợp chưa thành hay đã hoàn thành đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trên.


3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung

Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung

Bài viết liên quan