Phân loại nghĩa vụ theo quy định pháp luật

Chủ thể của nghĩa vụ là những người tham gia quan hệ nghĩa vụ. Họ đứng về hai phía và có quyền, nghĩa vụ dân sự đối lập nhau một cách tương ứng. Một quan hệ nghĩa vụ được hình thành làm phát sinh mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ giữa ít nhất là hai người đứng ở hai phía đối lập nhau (một người có quyền, một người có nghĩa vụ) nhưng cũng có thể mối liên hệ đó là giữa nhiều người đối với nhau (nhiều người có quyền, nhiều người có nghĩa vụ). Đồng thời cũng có nhiều quan hệ nghĩa vụ mà quyền, nghĩa vụ liên quan đến cả người thứ ba. Căn cứ vào chủ thể tham gia, tính chất, đặc điểm, nội dung và phương thức thực hiện nghĩa vụ mà nghĩa vụ có thể được phân thành các loại sau đây:


1. Nghĩa vụ một người

Nghĩa vụ một người là nghĩa vụ mà trong đó, mỗi bên chủ thể chỉ có một người tham gia. Nghĩa vụ một người chỉ tồn tại một dạng duy nhất là: Một người có nghĩa vụ đối với một người có quyền. Vì vậy, việc xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong các quan hệ nghĩa vụ này hết sức đơn giản bởi theo đặc điểm của nghĩa vụ thì quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Tuy nhiên, nếu là quan hệ song vụ thì cần xác định ai là người có quyền, ai là người có nghĩa vụ tương ứng với từng hành vi cụ thể.


2. Nghĩa vụ nhiều người

Nghĩa vụ nhiều người là nghĩa vụ mà trong đó, một bên chủ thể có nhiều người tham gia.

Nghĩa vụ nhiều người có thể là một trong các dạng sau:

– Nhiều người có nghĩa vụ đối với một người có quyền;

– Nhiều người có quyền đối với một người có nghĩa vụ;

– Nhiều người có nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền.

Trong những trường hợp này, cần phải xác định rõ phạm vi . quyền yêu cầu của mỗi một người có quyền đối với người có nghĩa vụ, cũng như phạm vi nghĩa vụ mà từng người có nghĩa vụ phải thực hiện trước người có quyền. Mặt khác, cần phải xác định giữa những người có nghĩa vụ hoặc giữa những người có quyền có mối liên quan như thế nào trong quá trình cùng nhau thực hiện nghĩa vụ hoặc cùng nhau hưởng quyền. Vì vậy, đối với các quan hệ nghĩa vụ nhiều người cần phải xác định là nghĩa vụ riêng rẽ hay nghĩa vụ liên đới.


3. Nghĩa vụ dân sự riêng rẽ

Điều 287 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi nhiều người cùng . thực hiện một nghĩa vụ, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ thì mỗi ngưi chỉ phải thực hiện phân nghĩa vụ của mình”.

Nghĩa vụ dân sự riêng rẽ là loại nghĩa vụ nhiều người, trong đó mỗi một người trong số những người có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình hoặc mỗi người trong số những người có quyền chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho riêng phần quyền của mình.

Bản chất của loại nghĩa vụ này là không có sự liên quan lẫn nhau giữa những người cùng thực hiện nghĩa vụ, cũng như không có sự liên quan trong việc thực hiện quyền yêu cầu của những người có quyền. Nếu nhiều người có nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xác định thành từng phần và mỗi người thực hiện nghĩa vụ theo phần của mình một cách riêng rẽ. Người nào thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì quan hệ nghĩa vụ giữa người đó với người có quyền sẽ chấm dứt (họ không phải chịu trách nhiệm đối với phần nghĩa vụ mà những người có nghĩa vụ khác chưa thực hiện). Nếu nhiều người có quyền thì mỗi người chỉ có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho riêng phần quyền của mình (không được phép yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ). Khi một trong số những người có quyền đó nhận được sự thực hiện nghĩa vụ đối với phần quyền của mình thì quan hệ nghĩa vụ giữa người đó với người có nghĩa vụ được coi là chấm dứt. Quan hệ nghĩa vụ giữa người có nghĩa vụ với những người có quyền khác vẫn tồn tại và vẫn có hiệu lực.

Hình minh họa. Phân loại nghĩa vụ theo quy định pháp luật

4. Nghĩa vụ dân sự liên đới

Để quyền dân sự của các chủ thể được bảo đảm, trong một số trường hợp, nghĩa vụ nhiều người sẽ được xác định là nghĩa vụ dân sự liên đới nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Mục đích của việc xác định một nghĩa vụ liên đới khi có nhiều người tham gia quan hệ nghĩa vụ là buộc những người có nghĩa vụ phải cùng nhau gánh vác toàn bộ nghĩa vụ nhằm bảo đảm quyền lợi cho chủ thể có quyền được trọn vẹn, kể cả khi có một trong số những người có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, trong quan hệ nghĩa vụ liên đới, những người có nghĩa vụ luôn luôn liên quan với nhau trong cả quá trình thực hiện toàn bộ nghĩa vụ cũng như quyền yêu cầu của những người có quyền luôn được coi là một thể thống nhất.

Nghĩa vụ dân sự liên đới là loại nghĩa vụ nhiều người, trong đó, một trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nội dung của nghĩa vụ hoặc một trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.


5. Nghĩa vụ theo phần

Đối tượng của nghĩa vụ dân sự hết sức đa dạng, mỗi loại đối tượng cụ thể có những đặc điểm và tính chất khác nhau. Do đó, tuỳ thuộc đối tượng như thế nào mà nghĩa vụ dân sự đó có thể là nghĩa vụ phân chia được theo phần hoặc là nghĩa vụ không phân chia được theo phần.

Nếu đối tượng của nghĩa vụ là một vật được xác định và vật đó là vật không chia được hoặc đối tượng là một công việc mà theo tính chất công việc đó phải được thực hiện cùng một lúc thì được gọi là nghĩa vụ không phân chia được theo phần. Ngược lại, nếu đối tượng của nghĩa vụ là một vật chia được hoặc công việc có thể thực hiện theo từng phần khác nhau thì được gọi là nghĩa vụ phân chia được theo phần (nghĩa vụ theo phần).


6. Nghĩa vụ hoàn lại

Luật thực định không có định nghĩa về nghĩa vụ hoàn lại. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, từ quy định của pháp luật đã làm hình thành một nghĩa vụ mới sau một nghĩa vụ trước đó. Chẳng hạn tại khoản 2 Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: “Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình”.

Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ nghĩa vụ hoàn lại được dùng để chỉ những nghĩa vụ phát sinh từ một nghĩa vụ khác. Vì vậy, nghĩa vụ hoàn lại có thể được hiểu như sau:

Nghĩa vụ hoàn lại là một quan hệ nghĩa vụ, trong đó một bên có quyền yêu cầu bên kia (người có nghĩa vụ) thanh toán lại khoản tiền hoặc lợi ích vật chất khác mà người có quyền đã thay người có nghĩa vụ thực hiện cho người khác hoặc một bên có nghĩa vụ phải hoàn trả cho bên có quyền khoản tiền hay lợi ích vật chất mà họ đã nhận được từ người khác trên cơ sở quyền yêu cầu của bên có quyền.

Thông thường, từ một nghĩa vụ dân sự liên đới có thể làm phát sinh nghĩa vụ hoàn lại theo một trong hai trường hợp sau đây:

– Khi một trong số những người có nghĩa vụ liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì người đó trở thành người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại, có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thanh toán cho mình khoản tiền hoặc lợi ích vật chất mà người đó đã bỏ ra để thay họ thực hiện cho người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ dân sự liên đới trước đó.

– Khi một trong số những người có quyền liên đới đã nhận việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ thì người đó trở thành người có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại. Người đã nhận việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ có nghĩa vụ hoàn lại cho mỗi người có quyền liên đới khác khoản lợi ích vật chất mà người này đã thay họ để nhận từ người có nghĩa vụ trong nghĩa vụ dân sự liên đới trước đó.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ hoàn lại còn phát sinh trong các trường hợp sau:

– Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh từ một nghĩa vụ trước trong trường hợp nghĩa vụ trước có thỏa thuận biện pháp bảo lãnh. Trường hợp này được quy định tại Điều 340 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

– Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa người của pháp nhân với pháp nhân sau khi pháp nhân đã bồi thường cho người bị thiệt hại do người của pháp nhân gây ra được quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

– Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa người thi hành công vụ theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo luật này, người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn lại cho ngân sách nhà nước một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

– Nghĩa vụ hoàn lại phát sinh giữa người làm công, học nghề với chủ làm công, dạy nghề sau khi chủ làm công, dạy nghề đã bồi thường cho người bị thiệt hại do người làm công gây ra trong khi thực hiện công việc được giao. Nghĩa vụ hoàn lại mang một số đặc điểm sau đây:

Thnhất, nghĩa vụ hoàn lại bao giờ cũng phát sinh từ một nghĩa vụ cơ bản khác. Nó không thể phát sinh với ý nghĩa là một nghĩa vụ đầu tiên.

Thứ hai, trong nghĩa vụ hoàn lại bao giờ cũng có một người liên quan đến cả hai quan hệ nghĩa vụ. Người đó, nếu là người đã thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ trước thì trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại họ là người có quyền. Ngược lại, nếu trong quan hệ trước đó họ là người đã hưởng quyền thì ở nghĩa vụ hoàn lại họ là người có nghĩa vụ.

Thứ ba, nếu nghĩa vụ hoàn lại là nghĩa vụ nhiều người thì theo nguyên tắc, nghĩa vụ đó được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ. Người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ hoàn lại chỉ có thể đòi từng người có nghĩa vụ hoàn lại cho mình phần mà mình đã thực hiện thay cho người đó. Nếu một người đã hưởng quyền dân sự trên cơ sở quyền yêu cầu của nhiều người thì mỗi người trong số họ chỉ có quyền yêu cầu người đó hoàn lại cho phần quyền của riêng mình.


7. Nghĩa vụ bổ sung

Thuật ngữ “bổ sung cho thấy chức năng của nghĩa vụ này là thực hiện phần nội dung của nghĩa vụ chính trước đó khi đến thời hạn mà nghĩa vụ chính không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ. Như vậy, nghĩa vụ bổ sung bao giờ cũng có mối liên quan đối với một nghĩa vụ chính. Nói cách khác, nghĩa vụ bổ sung làm cho quyền và nghĩa vụ dân sự không chỉ là mối liên hệ giữa hai bên trong một quan hệ nghĩa vụ mà còn liên quan đến cả người thứ ba.

Khoa học pháp lý dùng thuật ngữ nghĩa vụ bổ sung để chỉ nghĩa vụ của người thứ ba đối với người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính. Người thứ ba chỉ có nghĩa vụ khi có sự thoả thuận giữa họ với người có quyền hoặc trong những trường hợp mà pháp luật quy định. .

Chẳng hạn, sự thoả thuận giữa các bên trong quan hệ bảo lãnh là căn cứ làm xuất hiện một nghĩa vụ bổ sung. Trong trường hợp này, bên cạnh quan hệ nghĩa vụ giữa người có quyền với người có nghĩa vụ (được gọi nghĩa vụ chính) còn có mối quan hệ nghĩa vụ giữa người có quyền với người bảo lãnh (gọi là nghĩa vụ bổ sung). Xét về mối liên quan giữa nó với nghĩa vụ chính thì nghĩa vụ này còn được gọi là nghĩa vụ phụ. Vì rằng người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ chính không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Mặt khác, hiệu lực của loại nghĩa vụ này phụ thuộc vào hiệu lực của nghĩa vụ chính.

Ví dụ: Nếu hợp đồng cho vay bị coi là vô hiệu thì vấn đề bảo lãnh cũng bị coi là vô hiệu (trừ trường hợp hợp đồng vay tài sản đã được thực hiện).

Bài viết liên quan