Quy chế pháp lý về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng

0

Trong số các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường, nếu bị mất  khả năng thanh toán, khả năng chi trả các nghĩa vụ phát sinh trong hoạt  động kinh doanh có thể bị đặt vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, tổ chức  tín dụng với chức năng của tổ chức trung gian tài chính đi vay để cho vay  lại nên khi bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, khả năng chi  trả cần phải được kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Trung ương.

Việc  kiểm soát của Ngân hàng trung ương đối với tổ chức tín dụng bị mất khả  năng thanh toán, khả năng chi trả là trách nhiệm của Ngân hàng Trung  ương nhằm tìm kiếm các giải pháp khôi phục lại khả năng thanh toán,  khả năng chi trả các khoản nghĩa vụ phát sinh trong hoạt động kinh  doanh ngân hàng, nhất là các khoản tiền gửi để ngăn chặn tình trạng đổ  vỡ mang tính dây chuyền trong hoạt động của tổ chức tín dụng.  Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm  soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi  trả, mất khả năng thanh toán. Do đó, khi có nguy cơ mất khả năng chi  trả, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về  thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến  áp dụng để khắc phục

Ngân hàng Nhà nước xem xét, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng  kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp  sau đây:  

– Có nguy cơ mất khả năng chi trả;  

– Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng  thanh toán; 

– Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của  vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm  toán gần nhất;  

– Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân  hàng Nhà nước;  

– Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm  b, khoản 1 Điều 130 của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 trong thời hạn một năm liên tục hoặc  tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục. 

Hình minh họa. Quy chế pháp lý về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng  kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt. Quyết định đặt tổ  chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt gồm các nội dung quy  định tại Khoản 2 Điều 147 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Ngân  hàng Nhà nước quyết định xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt  quy định tại điểm d khoản 2 Điều 148 của Luật các Tổ chức tín dụng.  Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng,  thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại  đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không  có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn. Ngân hàng Nhà nước  có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ  phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ  chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu  cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 149 Luật các Tổ  chức tín dụng hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ  chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ  của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính  đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín  dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín  dụng

Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám  đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách  nhiệm sau đây:

– Xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức  tín dụng trình Ban kiểm soát đặc biệt thông qua và tổ chức triển khai thực  hiện phương án đó;  

– Tiếp tục quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động và bảo đảm an  toàn tài sản của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại điểm b  khoản 2 Điều 148 của Luật này;  

– Chấp hành yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt liên quan đến tổ  chức, quản trị, kiểm soát, điều hành tổ chức tín dụng quy định tại các  điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 148 của Luật các Tổ chức tín dụng;  

– Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều  149 của Luật các Tổ chức tín dụng.  

Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và  các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp sau đây: i) Tổ chức tín  dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ  thống các tổ chức tín dụng; ii) Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng  chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác. Khoản vay đặc biệt được ưu tiên  hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản  bảo đảm của tổ chức tín dụng hoặc được chuyển đổi thành phần vốn góp,  vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng liên quan quy định tại Điều 149 của  Luật các Tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối  với tổ chức tín dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Hoạt động của tổ  chức tín dụng trở lại bình thường;

b) Trong quá trình kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào một tổ chức tín dụng khác;

c) Tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán.

Trường hợp Tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán thì  Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt việc áp dụng các biện pháp  phục hồi khả năng thanh toán gửi Tòa án

5/5 - (1 bình chọn)


 
LƯU Ý: Nội dung bài viết trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung bài viết trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: info@hilaw.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Để lại bình luận