Quy định pháp luật về tội ra mệnh lệnh trái pháp luật
Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật là hành vi của người chỉ huy trong quân đội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình yêu cầu cấp dưới thực hiện mệnh lệnh trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
1. Quy định về tội ra mệnh lệnh trái pháp luật
Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật được quy định tại Điều 393 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
Điều 393. Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra mệnh lệnh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội ra mệnh lệnh trái pháp luật
2.1. Mặt khách thể
Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật xâm phạm đến quan hệ chỉ huy, phục tùng trong quân đội.
2.2. Mặt khách quan
Người nào phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, ra mệnh lệnh bằng lời nói hoặc bằng văn bản yêu cầu cấp dưới của mình thực hiện mệnh lệnh, nhiệm vụ mà pháp luật không cho phép, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể ra mệnh lệnh trái pháp luật trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ: trong thời bình, trong chiến đấu, trong khu vực có chiến sự, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, tình trạng khẩn cấp…
Nếu hành vi khách quan của người ra mệnh lệnh cấu thành tội phạm độc lập khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập đó. Trong trường hợp người thực hiện mệnh lệnh tái pháp luật hoàn toàn nhận thức được mệnh lệnh của người chỉ huy là vi phạm các quy định của pháp luật thì người thực hiện mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2.3. Mặt chủ quan
Tội phạm được thực hiện ở lỗi cố ý.
2.4. Mặt chủ thể
Chủ thể của tội phạm là những người chỉ huy trong Quân đội nhân dân. Trong đó, người chỉ huy là cán bộ quân đội được giao phụ trách cơ quan, đơn vị thuộc quyền, có những nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thuộc cơ quan, đơn vị đó.