Quyền phụ nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Xâm phạm quyền phụ nữ là vấn nạn của xã hội, gây “nhức nhối” cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người phụ nữ. Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, trong việc bảo đảm quyền của người phụ nữ. Đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng xâm phạm quyền phụ nữ chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực và hơn thế nữa dần trở thành một hiện tượng của xã hội.


1. Quy định về quyền của phụ nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình

Thứ nhất, về quyền được yêu thương, chung thủy

Yêu thương, chung thủy chính là những yếu tố quan trọng để gìn giữ và phát triển một gia đình hạnh phúc. Theo cách hiểu đơn giản “thủy” là đơn giản, là khởi nguồn, “chung” là cuối cùng, kết thúc. Như vậy, “chung thủy” có thể hiểu là khái niệm chỉ sự không thay đổi, trước sau như một không thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, “chung thủy” miêu tả sự đẹp đẽ, đáng trân trọng của con người trong một mối quan hệ nào đó, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng. 

Tình yêu thương, chung thủy giữa vợ và chồng là tình cảm gắn bó giữa hai người khác giới trong quan hệ hôn nhân. Tình yêu thương và chung thủy là hai khái niệm gắn bó với nhau. Vợ chồng có yêu thương nhau thì mới chung thủy với nhau và ngược lại. Vợ chồng chung thủy với nhau thì càng ngày vun đắp tình yêu càng lớn. Theo đó, quyền được yêu thương, chung thủy của người vợ thể hiện ở cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Về phương diện vật chất, vợ chồng có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong việc đảm bảo những nhu cầu thiết yếu trong gia đình cũng như của mỗi người. Về phương diện tinh thần, vợ chồng luôn dành cho nhau sự yêu thương, chung thủy, cùng nhau sống hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là cùng nhau vượt qua những lúc ốm đau, bệnh tật, những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. 

Trong mối quan hệ với người thứ ba, vợ chồng cùng nhau đoàn kết, tương trợ, bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho nhau. Nếu một trong hai bên vợ, chồng hoặc cả hai thể hiện tình yêu đối với người khác thì đó là dấu hiệu của sự không chung thủy. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Để bảo vệ quyền được yêu thương, chung thủy của phụ nữ, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định những hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà con vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đề cao sự gắn bó chặt chẽ giữa vợ và chồng trong đời sống hôn nhân – gia đình. Hai bên cùng nhau hỗ trợ, sinh sống, tạo lập sợi dây gắn kết khăng khít từ nền tảng tình yêu thương chân thành. Sự yêu thương đó lâu ngày sẽ góp phần tạo nên sự chung thủy, bền vững trong gia đình. 

Thứ hai, về quyền được tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ 

Để xây dụng gia đình hạnh phúc, tiến bộ thì việc tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ và chồng cần được nhìn nhận như là một nghĩa vụ dưới cả góc độ pháp luật và đạo đức. Quyền được tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ của người phụ nữ được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, cụ thể như: hành vi, cách đối xử và thái độ của người chồng. Việc tôn trọng, quan tâm, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống vợ chồng giúp cho người vợ có thể phát triển tối đa những điểm mạnh của bản thân. 

Tại Điều 21 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau”. Có thể thấy rằng, việc tôn trọng nhau có sự liên quan trực tiếp giữa vợ và chồng. Pháp luật không cho phép bất kì trường hợp nào xác phạm, bôi nhọ, làm xấu đi danh dự, nhân phẩm, uy tín của người kia vì bất cứ mục đích nào. 

Để đảm bảo tối đa quyền này của phụ nữ, Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đối xử tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc hoặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ [9]. Ngoài ra, những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì còn bị xử lý theo pháp luật hình sự. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Pháp luật Việt Nam đề cao một gia đình hạnh phúc, tiến bộ, luôn tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau đặc biệt là giữa vợ và chồng. Hai bên cùng nhau chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống sinh hoạt vợ chồng sẽ là nền tảng để xây dựng một gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh, phát triển. Điều này thúc đẩy hơn nữa sự phát triển quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. 

Thứ ba, về quyền được chung sống giữa vợ và chồng

Quyền được chung sống có thể hiểu là sự gắn kết mật thiết giữa vợ và chồng về phương diện sinh hoạt vật chất và tinh thần trong suốt thời kì hôn nhân. Hoặc có thể hiểu một cách đơn giản là sự chung sống trong cùng một mái nhà, ăn chung, ngủ chung,… Nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng được Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 19 như sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ chung sống với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

Theo đó, vợ và chồng có nghĩa vụ tạo lập một cuộc sống chung để xây dựng và bảo vệ chế độ hôn nhân, gia đình hạnh phúc và tiến bộ. Từ đó, vợ chồng có nghĩa vụ chung sống với nhau để xây dựng, vun đắp tình cảm, tạo lập một gia đình yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Quy định mới này của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã phần nào hạn chế được một số trường hợp hôn nhân giả tạo và bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên vợ chồng có sự thỏa thuận hoặc do yêu cầu nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thì việc sống chung giữa hai bên vợ chồng không bắt buộc phải thực hiện. 

Ngoài ra, việc thể hiện tình cảm thương yêu, chia sẻ với nhau còn được nhìn nhận thông qua việc vợ chồng cùng nhau thực hiện các công việc sinh hoạt trong gia đình. Sau khi kết hôn, cuộc sống của hai bên nam nữ đã trở thành cuộc sống chung, sinh hoạt chung. Công việc chăm lo, vun vén cho gia đình thuộc về cả hai vợ chồng. Sự chia sẻ với nhau, hỗ trợ nhau là vô cùng cần thiết để mọi thứ diễn ra dễ dàng, hiệu quả, tạo sự gắn kết hơn trong tình cảm vợ chồng. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã ghi nhận một cách rõ ràng nghĩa vụ chung sống của vợ chồng, tuy nhiên không thể nói rằng mục đích của hôn nhân đã đạt được khi kết hôn mà hai bên không thực sự chung sống với nhau. Việc hai bên vợ chồng liên tục không chung sống với nhau trong một thời gian dài có thể dẫn đến những khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ hôn nhân.

Hình minh họa. Quyền phụ nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014

2. Tình hình thực hiện

Trong những năm gần đây, tình trạng xâm phạm quyền phụ nữ có chiều hướng gia tăng. Ngày càng có nhiều trường hợp xâm phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, công tác bảo vệ quyền của người phụ nữ trong gia đình vẫn chưa thật sự hiệu quả, nhận thức về quyền này chưa đầy đủ. Đặc biệt ở một số vùng nông thôn, đa số người dân chưa nhận thức được chính xác như thế nào là xâm phạm quyền của bản thân họ, nhầm lẫn giữa xâm phạm quyền phụ nữ với những mâu thuẫn thường gặp hàng ngày trong cuộc sống gia đình. Việc xâm phạm quyền phụ nữ vẫn chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền phụ nữ chưa được hiểu và thực hiện đúng đã gây ra những vụ việc xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân trong các vụ xâm phạm quyền phụ nữ mà đặc biệt là hành vi bạo lực gia đình, bạo lực tình dục.

Có thể thấy, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe là quyền chính đáng của bất kỳ cá nhân nào, là một trong những vấn đề thuộc về nhân quyền luôn được pháp luật tôn trọng. Tại Việt Nam, vấn đề này được ghi nhận và cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước, đó là Hiến pháp 2013, quy định cụ thể tại các Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 19 và Điều 20. Trong đó tại Điều 19 và khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 ghi nhận như sau: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai ị tước đoạt tính mạng trái luật. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Bình đẳng giới 2006,… cũng có các quy định liên quan nhằm bảo hộ quyền con người, quyền công dân, thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với quyền được bảo vệ về tính mạng và sức khỏe của mỗi cá nhân, đồng thời, thể hiện được sự nhân văn của pháp luật. 

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù quyền được yêu thương, chăm sóc và quý trọng của phụ nữ có xu hướng được cải thiện đáng kể nhưng với nhiều lý do khác nhau mà số phụ nữ bị xâm phạm đến quyền này vẫn còn tồn tại. Việc phụ nữ bị xâm hại, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục vẫn đang diễn ra trên khắp cả nước. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam vào năm 2018 được tiến hành trên phạm vi cả nước với sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ ở độ tuổi 18-60 cho thấy: 58% số phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo lực gia đình; cứ 03 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình được hỏi thì 01 người đã từng bị chồng bạo hành; độ tuổi bị bạo hành chiếm tỷ lệ cao nhất là 18-24 tuổi; đặc biệt các chuyên gia báo động tình trạng bạo lực gia đình hiện nay diễn ra ở các vùng đều ở mức cao. Chẳng hạn, ở khu vực Đông Nam Bộ là trên 42%, ở Tây Nguyên gần 40%, còn tỷ lệ ở Đồng bằng sông Hồng cũng chiếm khoảng 37%. Ngay cả phụ nữ mang thai cũng có tới 5% từng bị bạo lực về thể xác, 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục do chính chồng mình gây ra; ở nông thôn, tỷ lệ này là 10,1% cao hơn so với thành thị là 9,5% [13]. 

Ngoài ra, theo thống kê tại Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam vào năm 2018 cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Chỉ riêng số liệu tổng hợp các vụ án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình do Tòa án nhân dân Tối cao báo cáo cho thấy, từ ngày 01/07/2008 đến 31/07/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn đã được giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình, chiếm 76,6%. Số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết, trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi bạo lực gia đình. 

Từ đây, có thể thấy bạo lực gia đình gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất mà còn gây những tổn thương về tâm lý, tinh thần. Đặc biệt, bạo lực gia đình còn làm cho các gia đình có nguy cơ tan vỡ, gây rối loạn trật tự và tác động tiêu cực đến tâm sinh lý của con nhỏ.


3. Thực trạng áp dụng và một số kiến nghị hoàn thiện

Từ những phân tích về thực trạng đáng báo động trên, cũng như từ những bất cập còn tồn đọng trong việc quy định pháp luật về quyền phụ nữ trong nhóm quyền mang tính chất riêng tư giữa vợ và chồng, nhóm tác giả kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật về quyền phụ nữ trong nhóm quyền mang tính chất tình cảm riêng tư giữa vợ và chồng như sau: 

Một là, pháp luật về hôn nhân – gia đình cần đưa ra quy định rõ ràng về việc xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ, chồng. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có quy định về việc bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng. Tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức sống cuộc sống chung, coi nhau là vợ chồng”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 5 Luật này quy định về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân – gia đình, vi phạm quyền được yêu thương, chung thủy của người phụ nữ như sau: Người chồng kết hôn trái pháp luật với người khác; người chồng sống chung như vợ chồng với người khác; người chồng có hành vi ngoại tình. Tuy nhiên, trong thực tế, các hành vi này thường diễn ra trong lén lút, không công khai. Chính vì vậy, việc bổ sung các quy định để xác định rõ hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy giữa vợ và chồng là cần thiết để đảm bảo hơn nữ quyền của phụ nữ khi có những vi phạm xảy ra trong thực tế. 

Để được coi là sống chung như vợ chồng là việc đang có vợ, có chồng chung sống với người khác chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng nhau sinh hoạt như một gia đình. Việc sống chung như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, tài sản chung, được hàng xóm, xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn duy trì mối quan hệ đó. Nhưng trên thực tế, hành vi vi phạm này được được thực hiện dưới dạng không công khai, không có tài sản chung, không sống chung, có hoặc không có con chung (hành vi ngoại tình). Hành vi ngoại tình có thể dẫn đến việc có con chung với nhau. 

Người có hành vi ngoại tình là đã vi phạm nghĩa vụ yêu thương, chung thủy đối với người mình đã kết hôn. Hành vi này kéo theo nhiều những hệ lụy khác. Tuy nhiên, những hậu quả của hành vi này lại giống với hậu của của việc chung sống như vợ chồng. Do vậy, việc áp dụng các quy định của pháp luật về xử phạt hành vi chung sống như vợ chồng trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Theo quan điểm của tác giả, để coi là hành vi có vi phạm nghĩa vụ yêu thương, chung thủy hay không thì chỉ cần xác định là người chồng có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng hoặc ngoại tình với người khác công khai hoặc bí mật, kéo dài hay trong thời gian ngắn miễn là những hành vi đó mang hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, tổn thương tinh thần cho người phụ nữ. Việc đưa ra quy định rõ ràng về việc xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ, chồng có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ quyền của người phụ nữ, bảo vệ gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh tiến bộ.

Hai là, cần bổ sung thêm quy định về biện pháp xử phạt hành chính về các hành vi bạo lực gia đình. Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới về hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong gia đình (Điều 13) [7]. Theo nhóm tác giả, các quy định này còn mang tính khái quát, chưa nêu rõ các chế tài xử phạt từng hành vi bạo lực gia đình cụ thể như bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục,… Chính vì thế, pháp luật về hôn nhân và gia đình cần bổ sung những quy đình về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi bạo lực cụ thể bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục,… để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. 

Ba là, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình mặc dù đã có những quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền lợi của người phụ nữ [9]. Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính này còn thấp so với điều kiện kinh tế của xã hội hiện nay, tính răn đe không cao. Cụ thể, hành vi xâm phạm sức khỏe thành viên trong gia đình, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình chỉ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Điều 49, 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP), …  

Số tiền bị phạt chỉ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng là không đủ lớn để có tính răn đe triệt để đối với người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, ngược đãi thành viên trong gia đình. Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,… trước ngày 01/07/2020 được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng; từ ngày 01/07/2020 được thực hiện theo Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.600.000 đồng/tháng. Hệ số lương thấp nhất theo cách tích hệ số lương của công nhân viên chức Nhà nước là 1,86. Theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu thấp nhất thuộc về vùng IV là 3.070.000 đồng/tháng. Từ đó, tác giả đề xuất tăng mức phạt của hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình lên 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Việc tăng mức phạt này tương đương với 1 tháng lương, đánh trực tiếp vào việc hạn chế chi phí sinh hoạt đời sống của người có hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình.  

Chính vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung những quy định này lên mức phạt 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng là cần thiết để răn đe những đối tượng có hành vi bạo lực gia đình. Như vậy mới có thể bảo đảm được quyền của người phụ nữ dưới góc độ bình đẳng giới đặc biệt là bình đẳng giới đối với chồng.

Bài viết liên quan