Về thời hạn tạm giữ, tạm giam trong thủ tục rút gọn cũng được quy định để phù hợp với thời hạn điều tra, thời hạn truy tố và thời hạn chuẩn bị xét xử. Thời hạn tạm giữ, tạm giam được quy định tại Điều 459 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trong thủ tục rút gọn, Cơ quan điều tra không được gia hạn tạm giữ, tạm giam; Viện kiểm sát, Tòa án cũng không được gia hạn tạm giam. Bởi lẽ các vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn là những vụ án đơn giản, rõ ràng, không mang tính chất phức tạp, nếu gia hạn là do vụ án có tính chất phức tạp nên không đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, phải chuyển sang áp dụng thủ tục thông thường. Do đó, lưu ý thời hạn các vụ án được trong áp dụng thủ tục rút gọn thì không được gia hạn. Thời hạn tạm giữ, tạm giam cụ thể như sau:
– Thời hạn tạm giữ không được quá 03 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
– Thời hạn tạm giam để điều tra không được quá 20 ngày, trong giai đoạn tuy tố không quá 05 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày.
Về nguyên tắc chung, thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được nhiều hơn thời hạn điều tra và thời hạn truy tố. Do đó, thời hạn tạm giam không quá 20 ngày theo quy định này tức là không quá thời hạn 20 ngày cho việc điều tra (khoản 1 Điều 460) và không quá 05 ngày cho việc truy tố (khoản 1 Điều 461) trong thủ tục rút gọn. Thời hạn tạm giam để bảo đảm việc xét xử sơ thẩm là không quá 17 ngày gồm: 10 ngày chuẩn bị xét xử sơ thẩm (khoản 1 Điều 462) và 07 ngày để mở phiên tòa (khoản 2 Điều 462); Thời hạn tạm giam để bảo đảm việc xét xử phúc thẩm là không quá 22 ngày gồm 15 ngày chuẩn bị xét xử phúc thẩm (khoản 2 Điều 464) và 07 ngày để mở phiên tòa (khoản 3 Điểu 464).
Lưu ý: Thời hạn tạm giữ và thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong thủ tục rút gọn là thời hạn tối đa và không có điều luật nào quy định được gia hạn. Đây là điểm khác biệt so với việc quy định thời hạn tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố và xét xử trong thủ tục chung.