Tình huống về các giai đoạn thực hiện tội phạm

1. Lý thuyết về các giai đoạn thực hiện tội phạm

1.1. Khái niệm các giai đoạn thực hiện tội phạm

Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước trong quá trình thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.

– Các giai đoạn thực hiện tội phạm

+ Chuẩn bị phạm tội (Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015)

Chuẩn bị phạm tội là một bước trong các giai đoạn thực hiện tội phạm, trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó.

Người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu TNHS về tội được quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự 2015. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu TNHS về tội được quy định tại Điều 123, Điều 168 BLHS năm 2015.

Xem thêm: Chuẩn bị phạm tội [Bình luận Bộ luật Hình sự]

+ Phạm tội chưa đạt (Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015)

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Người phạm tội chưa đạt phải chịu TNHS về tội phạm chưa đạt”.

Xem thêm: Phạm tội chưa đạt [Bình luận Bộ luật Hình sự]

+ Tội phạm hoàn thành

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong CTTP của một tội phạm cụ thể.

– Tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là trường hợp tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội không bị truy cứu TNHS về tội định thực hiện. (Căn cứ tại Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015)

Xem thêm: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội [Bình luận BLHS]


2. Giải quyết tình huống cụ thể

2.1. Mô tả tình huống

Vào khoảng 09 giờ 10 phút ngày 02/11/2017, Phạm Quốc T đi bộ ngang qua nhà số 189Q/14 Tôn Thất Thuyết, Phường 3, Quận 4 thì thấy có chiếc xe gắn máy kiểu dáng Wave, biển số 59C2 – 159.33 của anh Mai Văn H dựng ở trong sân nhà nhưng không thấy người coi giữ nên T lén lút đến gần chiếc xe rồi dùng cây đoản hình chữ L nạy mở khóa cổ xe. Ngay lúc này, bà Nguyễn Ngọc Q đi chợ về nhìn thấy nên tri hô thì Trường bỏ chạy. Nghe tiếng tri hô của bà Q thì các anh Nguyễn Hoàng P và Võ Văn Út N ở trong nhà chạy ra đuổi và bắt giữ được T đưa về trụ sở Công an phường 3 Quận 4 để xử lý.

Được biết chiếc xe máy này có giá trị 3.500.000 đồng.

Phạm Quốc T đang có một (01) tiền án về tội trộm cắp tài sản.

2.2. Yêu cầu về vấn đề cần giải quyết

1. Tội phạm của Phạm Quốc T thực hiện dừng lại ở giai đoạn nào? Tại sao?

2. Giả sử, ngày 29/10/2017, Phạm Quốc T đang chuẩn bị điều kiện cần thiết như kìm cộng lực, khóa để mở, khăn bịt mặt… để đi trộm cắp chiếc xe máy nói trên, thì bị phát hiện và bắt, thì Phạm Quốc T có bị truy cứu TNHS không? Tại sao?

2.3. Định hướng giải quyết vấn đề

Các sự kiện có ý nghĩa pháp lý

– Phạm Quốc T thấy có chiếc xe gắn máy kiểu dáng Wave, biển số 59C2–159.33 của anh Mai Văn H dựng ở trong sân nhà nhưng không thấy người coi giữ;

– Phạm Quốc T lén lút đến gần chiếc xe rồi dùng cây đoản hình chữ L nạy mở khóa cổ xe; bà Nguyễn Ngọc Q đi chợ về nhìn thấy nên tri hô thì T bỏ chạy;

– Phạm Quốc T bị bắt giữ và đưa về đồn công an; chiếc xe máy này có giá trị 3.500.000 đồng;

– Phạm Quốc T đang có một (01) tiền án về tội trộm cắp tài sản. Pháp luật liên quan cần áp dụng

+ Điều 14, Điều 15 và Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015;

+ Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999.

Cách thức áp dụng

1. Phạm Quốc T thực hiện tội phạm dừng lại ở gia đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành.

Căn cứ vào Điều 15 BLHS 2015 thì: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.

Dựa vào tình huống thì trong lúc Phạm Quốc T dùng cây đoản hình chữ L nạy mở khóa cổ xe thì bị phát hiện và đuổi bắt. Như vậy, Phạm Quốc T đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, tuy nhiên chưa thực hiện được đến cùng và chưa chiếm đoạt được tài sản vì bị nạn nhân phát hiện, ngăn chặn. Hay nói cách khác, yếu tố khách quan đã tác động làm ngăn cản, cản trở hành vi phạm tội của T, do đó, tội phạm mà Phạm Quốc T thực hiện dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa đạt chưa hoàn thành.

2. Nếu Phạm Quốc T đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để phạm tội mà bị bắt thì T không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trong vụ án này, Phạm Quốc T thực hiện hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, do đó không nằm trong các tội phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Kết luận

1. Phạm Quốc T thực hiện tội phạm dừng lại ở gia đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

2. Nếu Phạm Quốc T đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để phạm tội thì bị bắt thì T không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu hỏi bổ sung

1. Giả sử, trong vụ án này, Phạm Quốc T không có ý định trộm xe máy, mà chỉ có ý định là vào nhà có cái gì trộm cái đó, nhưng khi đột nhập vào nhà thì bị phát hiện và bắt giữ, vậy T có bị truy cứu TNHS không? Tại sao?

2. Giả sử, Phạm Quốc T lấy được xe máy Wave biển số 59C2-159.33 đưa về nhà mình, sau đó vì nghĩ cho hoàn cảnh khó khăn của anh Mai Văn H nên mang sang trả lại, thì hành vi của T có được xem là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Tại sao?

Bài viết liên quan