Phân tích cấu thành tội phạm của tội giết người

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Căn cứ để xác định hành vi của một người đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người là gì? Cùng hilaw.vn tìm hiểu qua bài viết sau.


1. Căn cứ pháp lý

Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15
năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội giết người

2.1. Mặt khác thể

Hành vi phạm tội giết người xâm phạm tính mạng của người khác.

2.2. Mặt khách quan

Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật

+ Hành vi tước đoạt tính mạng được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Những hành vi không có khả năng này không thể coi là hành vi khách quan của tội giết người. Hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người có thể là hành động như bắn, chém, đâm… Hành vi khách quan của tội giết người cũng có thể là không hành động – đó là những trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm một số việc nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng cho người khác nhưng họ đã không hành động, không thực hiện những việc làm đó. Không hành động của họ trong trường hợp này có khả năng gây ra cái chết cho người khác.

Hình minh họa. Cấu thành tội phạm tội giết người

Ví dụ: Để trả thù người có thai đến thời kỳ sinh nở, không thể sinh bình thường mà phải mổ, bác sĩ phụ sản trực tiếp xử lý ca mổ đã cố ý trì hoãn không cho mổ với mục đích giết hại người đó và dẫn đến người đó chết.

+ Hành vi tước đoạt tính mạng được coi là hành vi khách quan của tội giết người phải là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng của chính mình không phải là hành vi khách quan của tội giết người. Hành vi gây ra cái chết cho người khác được pháp luật cho phép cũng không phải là hành vi khách quan của tội giết người, như hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc thi hành hình phạt tử hình…

Trong thực tiễn xét xử còn gặp những trường hợp tước đoạt tính mạng của người khác do được sự đồng ý của nạn nhân. Động cơ của những hành vi này có thể khác nhau, trong đó có những động cơ mang tính nhân đạo.

Ví dụ: Tước đoạt tính mạng của người mắc bệnh hiểm nghèo nhằm tránh đau đớn kéo dài cho họ theo sự yêu cầu của nạn nhân và gia đình nạn nhân. Dù với động cơ gì, theo Luật hình sự Việt Nam những trường hợp này cùng bị coi là trái pháp luật. Tuy nhiên, một số nước trên thế giới lại cho phép và công nhận việc tước đoạt tính mạng người khác trong những trường hợp đó là hợp pháp.

Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì tội phạm có thể đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa đạt.

Quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan – hành vi tước đạt sinh mạng của người khác – đã thực hiện và hậu quả chết người đã xảy ra cũng là một dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm tội giết người.

Việc xác định mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết để có thể buộc người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người đã xảy ra. Người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những hậu quả chết người đã xảy ra, ra nếu hành vi họ đã thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã xảy ra đó. Việc xác định này trong nhiều trường hợp cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi có sự hỗ trợ của giám định pháp y.

2.3. Mặt chủ quan

Lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý. Lỗi cố ý ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.

– Trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất nhiên sẽ xảy ra), nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội. 

– Trong trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình, người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hay nói một cách khác, họ chấp nhận hậu quả đó.

Trong trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra, việc xác định lỗi là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không có ý nghĩa trong việc định tội. Nhưng trong trường hợp hậu quả chết người chưa xảy ra, việc xác định lỗi này có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể là:

  • Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn chưa đạt;
  • Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (nếu có thương tích xảy ra) hay các tội phạm khác mà người phạm tội đã thực hiện (không mong muốn hậu quả chết người nhưng có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra nhưng nó chưa xảy ra), mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.

Trong thực tiễn, việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không phải luôn đơn giản, mà trong nhiều trường hợp hết sức phức tạp. Việc xác định lỗi còn đặc biệt phức tạp hơn trong những trường hợp xác định lỗi cố ý gián tiếp hay chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin đối với hậu quả chết người.

Ví dụ: Đứng trước tình hình nạn chuột phá lúa và hoa màu, bà con nông dân đã áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để diệt chuột, trong đó có biện pháp giăng bẫy điện xung quanh ruộng lúa, hoa màu. Do vườn mía phía sau nhà bị chuột cắn phá, chị A đã nhiều lần dùng thuốc diệt chuột, keo diệt chuột nhưng không có hiệu quả. Thấy nhiều gia đình dùng điện diệt chuột có hiệu quả, chị A đã dùng điện giăng xung quanh vườn mía nhà mình bằng dây điện trần. Xung quanh vườn mía có hàng rào cao khoảng 1-1,5m và không có lối đi tắt, qua cho những người hàng xóm. Thường thường, chị A cắm điện vào 22 giờ đêm hôm trước và rút phích cắm vào 5 giờ sáng hôm sau. Khi cắm điện diệt chuột, chị A có nói với mọi người xung quanh, hàng xóm biết việc này và thường cho họ những con chuột đã bẩy được. Khoảng 24 giờ ngày 29/7/2019, có một thanh niên khác xã với chị A đã trèo qua rào để vào vườn mía của Sơn và bị điện giật chết. Trong trường hợp này, có hai quan điểm khác nhau: chị A phạm tội giết người (lỗi cố ý gián tiếp) và chị A phạm tội vô ý làm chết người (lỗi vô ý vì quá tự tin). Tuy nhiên, nếu phân tích chính xác, chúng ta có thể khẳng định chị A gây ra hậu quả chết người với lỗi vô ý vì quá tự tin.

Mục đích, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết người. Hành vi giết người nếu có mục đích chống chính quyền nhân dân sẽ cấu thành tội theo Điều 113 Bộ luật hình sự. Động cơ phạm tội tuy không có ý nghĩa về mặt định tội nhưng có một số động cơ phạm tội được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hay giảm nhẹ.

Xem thêm: Khái niệm, đặc điểm và các yếu tố cấu thành tội phạm

2.4. Mặt chủ thể

Là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.

Bài viết liên quan