Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Căn cứ pháp lý

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

2.1. Mặt khách thể của tội phạm

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đã gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác. Do đó khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Trong trường hợp này, người phạm tội đã không tuân thủ xử sự cứu giúp người khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Hình minh họa. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không thực hiện nghĩa vụ cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đó. Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này, cần chú ý đến những điều kiện sau:

Thứ nhất, người phạm tội có nghĩa vụ và điều kiện cứu giúp mà đã không cứu giúp.

Thứ hai, từ việc không cứu giúp đó đã dẫn đến hậu quả nạn nhân đã chết.

Ví dụ: Một bác sĩ gặp một người bị tai nạn giao thông trên đường. Mặc dù bác sỹ đó có khả năng băng bó, rửa, mổ, khâu vết thương cho người bị nạn để cứu họ nhưng do đang tham gia giao thông trên đường nên bác sĩ không có những dụng cụ cần thiết cho hoạt động cứu người. Buộc bác sĩ phải gọi xe, chở người bị nạn đến bệnh viện đế cấp cứu. Nhưng do mất quá nhiều máu, không được cầm kịp thời nén người bị nạn đã tử vong trên đường cấp cứu. Vị bác sĩ này không phạm tội. Ngược lại một người biết bơi rất giỏi, có sức khỏe và có khả năng cứu giúp người đang trong tình trạng ị chết đuối dưới sông. Nhưng ngại bị ướt, vội đi vì có cuộc hẹn gấp nên người này đã cố tình không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy khốn đó. Dan đến việc người bị nạn bị chết đuối, trường hợp này, người không cứu giúp đã phạm tội “ Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” .

Hậu quả của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là thiệt hại về thể chất – hậu quả chết người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra đối với người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không thực hiện nghĩa vụ cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đỏ với hậu quả chết người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là lỗi cố ý gián tiếp.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của pháp luật.


3. Hình phạt

* Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 có mức phạt tù từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

* Khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 102 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù từ một năm đến năm năm trong hai trường hợp sau: (1) người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm như: cùng đi tắm sông với nhau, người biết bơi đã đùa nghịch làm cho người không biết bơi chới với sắp chìm mà không cứu vớt…; (2) người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp như: bác sỹ đối với bệnh nhân, người lái thuyền, lái tàu thủy với người đang sắp chết đuối…

* Hình phạt bổ sung quy định người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ.

Bài viết liên quan