1. Căn cứ pháp lý
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác đê xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức và công dân.
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Cấu thành tội phạm của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm đến các hoạt động bình thường và lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là hành vi tuy không có mục đích chống chính quyền nhân dân nhưng đã có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ này để cố ý bằng lời nói hay việc làm truyền bá những tư tưởng xuyên tạc, trái với đường lối của Đảng và nhà nước, gây sự nghi ngờ, bất mãn với nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, cơ quan, tổ chức, công dân; làm ra, tàng trữ, lưu hành các loại sách, báo, tranh ảnh… có nội dung làm người khác hiểu sai về đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Ví dụ: Trong quá trình tác nghiệp để đưa tin về một vụ án lớn đang thu hút sự chú ý của công luận, khi nhận được thông tin từ cơ quan điều tra, nhà báo Nguyễn Văn A đã đưa thêm những thông tin nhạy cảm, không có thực, lợi dụng những thông tin đó đề bình luận về sự thiếu khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng , người tiến hành tố tụng… gây nên sự nghi ngờ của nhân dân đối với hoạt động giải quyết vụ án này. Hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.
– Cần lưu ý, hành vi lợi dụng và hành vi xâm phạm là hai hành vi cần và đủ để cấu thành tội phạm theo Điều 331 BLHS. Nếu hành vi lợi dụng nhưng chưa xâm phạm hoặc xâm phạm nhưng không lợi dụng thì chưa phải là hành vi phạm tội này.
– Nói chung, hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ gây ra chủ yếu là thiệt hại phi vật chất, nếu có thiệt hại về vật chất thì cũng từ thiệt hại phi vật chất dẫn đến.
Theo đó hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ là những thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi chống người thi hành công vụ, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Động cơ mục đích của người phạm tội có thể khác nhau và có ý nghĩa rất quan trọng để phân biệt với các hành vi tương tự nhưng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân quy định tại BLHS. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia như tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116); tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117)…
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này là người đạt độ tuổi chịu TNHS và có năng lực TNHS. Như vậy, người dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS vì theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 331 BLHS không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Hình phạt
Người phạm tội theo khoản 1 Điều 331 BLHS phải chịu hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng (khoản 2 Điều 331 BLHS), người phạm tội phải chịu hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Hiện tại, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng” song thực tiễn áp dụng tình tiết này thường dựa trên cơ sở đánh giá tổng thể về những thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra (cả về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội…), quy mô, số lần thực hiện hành vi phạm tội, thái độ của người thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: Người phạm tội phát tán tài liệu sai sự thật trong phạm vi toàn quốc hoặc viết bài đăng trên các báo có uy tín, thu hút đông đảo bạn đọc gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của nhà nước, của các công chức lãnh đạo…