Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Căn cứ pháp lý

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác được quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

2.1. Khách thể của tội phạm

Điều 21 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm được quy định tại Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do vậy, tội phạm xâm phạm quyền đảm bảo bí mật và an toàn về thư tín, điện tín của công dân. Đồng thời tội phạm xâm phạm những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện.

Hình minh họa. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm là thứ, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác của cá nhân được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy vi tính. Các hành vi phạm tội thể hiện sau đây:

– Hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác công khai hay bí mật để chiếm lấy những thứ nêu trên của người khác về cho mình vì động cơ cá nhân. Thư từ, điện tín có thể là để ngỏ hay dán kín; có thể là ở thùng thư, bưu điện hay ở nhà riêng, đang do mình có trách nhiệm chuyển giao hay lừa người khác nhận chuyển hộ rồi chiếm đoạt. Hành vi xâm phạm an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác còn thể hiện như tịch thu trái phép thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác…

– Hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là dùng mọi thủ đoạn để biết được nội dung thông tin trong bức thư, điện thoại, điện tín. Các hành vi như bóc xem trộm thư, điện tín, sao chụp lại chúng; nghe trộm, ghi âm các cuộc điện thoại…, trong trường hợp này thư tín, điện thoại, điện tín còn nguyên vẹn mà chi bị lộ các thông tin trong đó. Trường hợp xem một bức thư hay một bức điện bò ngỏ thì không phạm tội.

Người có hành vi nêu trên phải là người đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, phải làm rõ chức vụ, quyền hạn này.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.


3. Hình phạt

– Khung 1 phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

– Khung 2: phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức là từ 2 người trở lên khi thực hiện tội phạm có sự phân công vai trò trách nhiệm của từng người trong hành động;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình trong các hoạt động liên quan trực tiếp đến thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc là người có chức trách liên quan đến hoạt động điều tra lợi dụng thụ lý vụ án đã ra lệnh khám xét trái pháp luật…;

+ Phạm tội nhiều lần là phạm tội từ 2 lần trở lên mà các lần phạm tội chưa bị xét xử;

+ Gây hậu quả nghiêm trọng như do bị lộ thông tin làm mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến ly hôn hoặc do bị mất thông tin điện báo nên bị thiệt hại về kinh tế, bị đối tác cùng làm ăn kinh tế phạt vì không thực hiện đúng yêu cầu…;

+ Tái phạm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án chưa được xoá án tích mà lại phạm tội này.

– Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Bài viết liên quan