Dưới đây là một số Đề thi môn Luật Hàng hải và vận tải quốc tế do hilaw.vn tổng hợp xin chia sẻ để các bạn tham khảo, ôn tập.
1. Đề thi môn Luật Hàng hải và vận tải quốc tế số 01
Các em hãy giải quyết tranh chấp sau đây:
Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu liên quan đến khả năng đi biển của tàu.
Các bên tranh chấp:
Nguyên đơn: Chủ hàng Australia
Bị đơn: Cty vận tải đường biển Trung Quốc.
Các vấn đề được đề cập:
Hợp đồng thuê tàu chuyến;
Kiện đòi bồi thường về tổn thất hàng hóa;
Khả năng đi biển của con tàu;
Sự mẫn cán hợp lý.
Nguyên đơn, chủ hàng đồng thời là Người nhận hàng, ký với Bị đơn, Chủ sở hữu tàu, Hợp đồng vận chuyển 5.100 MT cát silicon từ Bunbary (Australia) đến Burnside (Louisiana). Chủ tàu đã ký phát clean B/L đề ngày 09 tháng 02 năm 1982, xác nhận hàng hóa đã được bốc lên hầm số 1 tầng trên (hầm 1A), hầm số 2 tầng trên (hầm 2A) và hầm số 4. Khi tàu đến Burnside ngày 31 tháng 03 năm 1982, hàng hóa trong hầm 1A đã bị tổn thất. Nguyên đơn thông báo hàng tổn thất cho Bị đơn và yêu cầu một Cty giám định độc lập làm giám định tổn thất, Cty Giám định kết luận rằng nước đã vào hầm hàng này từ nắp hầm tàu và từ khoang nước dằn tàu (nước để giữ cân bằng, ổn định tàu) trên của con tàu. Chứng thư Giám định cho thấy cát trong Hầm 1A bị ướt nghiêm trọng ở một số chỗ, mẫu cát lấy từ những chỗ ướt này để kiểm tra clorua đã cho thấy cát tổn thất do bị ướt nước.
Khoang dẫn tàu tiếp giáp với Hầm 1A chứa một lượng nước ngọt lấy từ sông Ministar trước khi tàu đến Burnside. Đại diện của Nguyên đơn cho biết đã thấy nước chảy vào hầm từ một khe nứt chỗ nối hàn trên vách ngăn phía trước và tiếp giáp với khoang dằn tàu bên sườn phải Hầm số 1.
Số hàng bị tổn thất ở Hầm 1A được dỡ xuống sà lan, tính sơ bộ có khoảng 990,881 short tons (short ton = 907,2 kgs) bị tổn thất. Sau đó Nguyên đơn đã phải bán số hàng tổn thất này cho một người khác, thu được 99, 088 USD (tức bán với giá 100USD/short ton).
Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn bồi thường 45.996 USD tiền thiệt hại theo giá thị trường cho số cát bị tổn thất do Bị đơn đã không thực hiện sự mẫn cán hợp lý để làm cho tàu có đủ khả năng đi biển.
Bị đơn thì cho rằng: Nguyên đơn đã không chứng minh được các tổn thất mà Bị đơn phải chịu trách nhiệm vì vết nứt ở mối hàn trên ngăn tiếp giáp là một ẩn tỳ. Hơn nữa, theo Bị đơn, khiếu kiện đòi bồi thường này là quá đáng và tiền bồi thường chỉ giới hạn ở giá bán cộng với tiền cước vận chuyển gồm cả phí dỡ hàng tại cảng đích (Freight landed value).
Dữ liệu bổ sung:
1 – Con tàu này được đóng tại Nam Tư năm 1962. Không có thông tin về việc cải hoàn, bảo dưỡng hay sửa chữa tàu, trừ một Hóa đơn đề tháng 9 năm 1981 của một xưởng sửa chữa tàu cho thấy tàu được sửa chữa thông thường và chứng từ kiểm tra phân hạng tiến hành gần thời gian này cũng không chứng minh được là đã có bất kỳ sự kiểm tra chi tiết nào về các mối hàn.
2 – Trong quan hệ thương mại, khi hàng hóa bị tổn thất, có nguyên tắc xác định giá hàng để tính khoản bị tổn thất nhằm đòi bồi thường.
2. Đề thi môn Luật Hàng hải và vận tải quốc tế số 02
Lý thuyết
Nghĩa vụ và các trường hợp miễn trách nhiệm của người vận chuyển theo Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015?
Bài tập
Hãy giải quyết vụ tranh chấp sau đây:
MẤT HÀNG
ĐIỀU KHOẢN MIỄN TRÁCH VÀ GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM TRONG B/L
Nguyên đơn: PT Soolee Metalindo Petkasa
Bị đơn: Synergy Shipping Pte.Ltd
Vấn đề được đề cập:
Điều khoản miễn trách
Giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển.
Diễn biến sự việc:
Bị đơn ký hợp đồng, nhận vận chuyển cho Nguyên đơn 1300MT thép thanh từ Singapore về Batam (Indonesia). Hàng được vận chuyển trên boong sà lan Limin XIX do bên thứ ba là Freighter Services là chủ sở hữu. Sà làn Limin XIX do tàu kéo Fajar Putra kéo. Tàu rời Singapore vào lúc 17:50hrs ngày 21/3/2005.
Nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn bồi thường vì mất hàng và Bị đơn đòi bên thứ ba (Freighter Services) – người vận chuyển thực tế bồi thường lại cho mình. Hàng được vận chuyển theo B/L do Bị đơn cấp. Trên B/L cả mặt trước và mặt sau đều ghi: “Chở trên boong, người gửi hàng chịu mọi rủi ro’ (Ship on deck at shipper’s risk).
Mặt sau B/L có Điều 9 (c) loại trừ trách nhiệm về bất kỳ sự mất mát, hư hỏng hoặc chi phí liên quan tới hàng trên boong dù xảy ra như thế nào và dù do sơ suất tàu không đủ khả năng đi biển hoặc vì lý do nào khác” (liability for any loss, damage or expense connected with deck cargo howsoever caused anh whether due to negligence, unseaworthiness or otherwise).
Cả hai mặt B/L đều có Điều 64 (c) quy định giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển là 100 Euro/kiện. Tuy nhiên Nguyên đơn chưa bao giờ nhận được hoặc nhìn thấy một B/L chính (original B/L); thực tế là Bị đơn giữ các bản B/L chính và gửi cho đại lý của Nguyên đơn một bản copy B/L.
Mặt sau của copy B/L bỏ trống, do vậy Nguyên đơn không thấy Điều 9 (c).
Thông tin bổ sung:
Vào lúc khởi hành từ Singapore, sà lan Limin XIX không đủ khả năng đi biển, cấu trúc của sà lan rất kém, nhiều bộ phận đã bị ăn mòn nghiêm trọng.
Theo sự phân tích kỹ thuật của giám định, hàng hóa bị tổn thất do sà lan Limin XIX không đủ khả năng đi biển.

3. Đề thi môn Luật Hàng hải và vận tải quốc tế số 03
Lý thuyết
1 – Trình bày về đối tượng điều chỉnh của ngành luật hàng hải và nêu nét đặc thù của ngành luật hàng hải.
2 – Bạn hãy nêu chức năng của Giấy vận chuyển đường biển (Seaway bill) theo quy định của BLHH 2015?
3 – Bạn hãy nêu ý nghĩa của vận đơn và phân loại vận đơn sau đây căn cứ vào ghi chú trên vận đơn, tính pháp lý của vận đơn?
Bài tập
1 – Tàu đến cảng lúc 2:15PM ngày 18/8/2015 và đưa “Thông báo sẵn sàng” (TBSS) lúc 3:30 PM cùng ngày. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến (Charter Party) quy định thời điểm tàu đến cảng (laycan) trong khoảng 18-22/08/2015. Hỏi thời hạn làm hàng (laytime) được tính vào lúc nào?
2 – Công ty Sóng Đại Dương là một Công ty kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Công ty Sóng Đại Dương có ký hợp đồng nhận vận chuyển theo chứng từ vận chuyển một lô hàng mỹ phẩm từ Singapore về TP. Hồ Chí Minh cho một Công ty ở Singapore, hai bên thỏa thuận hợp đồng sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam. Trong quá trình vận chuyển, Công ty Sóng Đại Dương đã có một số sai sót dẫn đến làm hư hỏng một số lô hàng. Vậy theo quy định của BLHH 2015, Công ty có phải bồi thường không và mức bồi thường là bao nhiêu?
(Biết rằng Vận đơn không ghi cụ thể giá trị của lô hàng trên)./.
4. Đề thi môn Luật Hàng hải và vận tải quốc tế số 04
Nhận định
Các nhận định sau đây là đúng hay sai? Tại sao?
1 – Trong hợp đồng thuê tàu, các bên được quyền tự do thỏa thuận về lịch trình và hành trình.
2 – Theo quy định tại Công ước Hamburg 1978, người chuyên chở không có nghĩa vụ cung cấp con tàu đủ khả năng đi biển.
3 – Vận đơn đường biển là bằng chứng của một hợp đồng vận chuyển.
4 – Thời điểm kết thúc nghĩa vụ của người chuyên chở đối với hàng hóa trong hợp đồng thuê tàu chợ là thời điểm hàng hóa được dỡ khỏi tàu tại cảng dỡ.
Lý thuyết
1 – Phân tích các chức năng của vận đơn đường biển trong hợp đồng thuê tàu chợ.
2 – So sánh và lý giải những điểm khác biệt về nghĩa vụ cơ bản của người chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chợ theo quy định của Công ước Brussels 1924 và Công ước Hamburg 1978. Liên hệ đánh giá những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này./.
5. Đề thi môn Luật Hàng hải và vận tải quốc tế số 05
Nhận định
Các nhận định sau đây là đúng hay sai? Tại sao?
1 – Trong hợp đồng thuê tàu, người chuyên chở và người thuê chở được tự do thỏa thuận về cước phí.
2 – Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng thuê tàu chợ bao gồm các Công ước quốc tế và pháp luật quốc gia.
3 – Trong hợp đồng thuê tàu chợ, vận đơn đường biển chỉ được cấp phát sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu.
4 – Theo quy định của Công ước Hamburg 1978, thời điểm bắt đầu nghĩa vụ của người chuyên chở đối với hàng hóa là thời điểm hàng hóa được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng.
Lý thuyết
1 – Phân tích những điểm khác nhau cơ bản giữa hợp đồng thuê tàu chợ và hợp đồng thuê tàu chuyến.
2 – So sánh và lý giải những điểm khác biệt về các trường hợp miễn trách của người chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chợ theo quy định của Công ước Brussels 1924, Công ước Hamburg 1978. Theo anh chị các Công ước trên có ảnh hưởng như thế nào đối với pháp luật hàng hải Việt Nam và đề xuất Việt Nam gia nhập vào một Điều ước quốc tế phù hợp nhất./.