Trọng tài quốc tế là gì?
Trên bình diện quốc tế cũng như quốc gia, khi đặt ra câu hỏi “Trọng tài là gì? thường nhận được nhiềuc cách trả lời khác nhau, với các định nghĩa không thống nhất.
Theo JAMES and NICHOLAS: “Trọng tài được coi như là một tiến trình tư được mở ra theo sự thoả thuận của các bên nhằm giải quyết một tranh chấp đang tồn tại hoặc có thể sẽ phát sinh bởi một hội đồng trọng tài gồm một hoặc nhiều trọng tài viên. Hội đồng trọng tài này là kết quả của sự lựa chọn của chính các bên tranh chấp hoặc thông qua những đại diện của họ, và chính các bên cũng sẽ là những người thiết lập nên các thủ tục mà hội đồng trọng tài phải áp dụng để giải quyết tranh chấp”.‘ Với một quan điểm tương tự như vậy, OKEZIE CHUKWUMERIJE cho rằng: “Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên với nhau, được thực hiện thông qua một cá nhân do các bên lựa chọn hoặc bởi việc dựa trên những thủ tục hay những tổ chức nhất định được lựa chọn bởi chính các bên”.?
Với một cách tiếp cận khác nhưng cùng nội dung như trên thì trọng tài được coi là một thủ tục mà trong đó theo sự thoả thuận của các bên tranh chấp sẽ được giải quyết bởi một hoặc nhiều trọng tài viên, người sẽ ra quyết định ràng buộc đối với các bên tham gia tranh chấp. Cách tiếp cận này còn nhấn mạnh hơn về việc loại trừ sự áp đặt của toà án đổi với các bên về thủ tục trọng tài, bởi vì với phương pháp trọng tài “các bên sẽ tự quyết định về thủ tục giải quyết tranh chấp, thay vì phải dựa vào toà án”.
Mặc dù còn có những nhìn nhận khác nhau về trọng tài theo quan điểm riêng, nhưng rõ ràng, có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của trọng tài như sau:
Thứ nhất, quá trình trọng tài diễn ra trên cơ sở thoả thuận trọng tài được thiết lập bởi các bên tranh chấp.
Thứ hai, thủ tục trọng tài được xác định bởi các bên và thường là một thủ tục xét xử kín được điều khiển bởi hội đồng trọng tài gồm một hoặc một số lẻ các trọng tài viên.
Thứ ba, phán quyết của trọng tài về vụ tranh chấp là chung thẩm, buộc các bên phải thực hiện.

Trọng tài quốc tế luôn chứa đựng những đặc điểm chung của một trọng tài, nhưng một trọng tài chỉ được coi là trọng tài quốc tế nếu nó chứa đựng đầy đủ tính “quốc tế”. Về mặt lí luận cũng như thực tiễn, việc xác định một trọng tài là quốc tế hay nội địa thường rất có ý nghĩa bởi vì hầu hết các nước đều xây dựng các quy chế pháp lí khác nhau cho mỗi loại trọng tài này. Các trọng tài nội địa (trọng tài giải quyết các tranh chấp thuần túy nội địa, không có yếu tố nước ngoài) thường bắt buộc phải tuân theo những quy định về trọng tài của quốc gia đó như: tố tụng trọng tài, luật điều chỉnh nội dung tranh chấp, ngôn ngữ trọng tài.‘ Nhưng, với trọng tài quốc tế thì điều này là không nhất thiết. Có nghĩa là, trọng tài quốc tế có thể tiến hành phiên xử và đưa ra phán quyết ở trong nước hay nước ngoài trên cơ sở một trình tự tố tụng, ngôn ngữ và luật áp dụng cho nội dung tranh chấp do chính các bên tranh chấp thoả thuận ra.
Hiện nay, về mặt lý luận cũng như thực tiễn trọng tài, có hai yếu tố chính hoặc được sử dụng riêng biệt hoặc được sử dụng kết hợp để xác định tính “quốc tế” của trọng tài, đó là: bản chất của tranh chấp và đặc điểm của chủ thể tham gia tranh chấp.
Về yếu tố thứ nhất, bản chất của tranh chấp, trọng tài sẽ được coi là có tính quốc tế nếu tranh chấp được giải quyết bởi trọng tài mang bản chất quốc tế. Một tranh chấp sẽ được coi là có bản chất quốc tế nếu nó liên quan tới bất kì yếu tố nước ngoài nào như: nơi giao kết hợp đồng ở nước ngoài, nơi thực hiện hợp đồng ở nước ngoài, hàng hoá di chuyển qua biên giới, việc thanh toán hợp đồng liên quan tới hơn một quốc gia v.v..
Về yếu tố thứ hai, đó là căn cứ vào đặc điểm của chủ thể tham gia tranh chấp. Yếu tố này được pháp luật một số nước thừa nhận, kể cả Luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL). Đặc điểm này thường được xác định dựa vào hai dấu hiệu chính đó là: quốc tịch của các chủ thể (các bên tham gia tranh chấp có quốc tịch khác nhau) hoặc trụ sở của các chủ thể hay nơi cư trú thường xuyên của họ ở các nước khác nhau.
Ngoài việc sử dụng riêng lẻ từng yếu tố, hoặc là đặc điểm của chủ thể hoặc là bản chất của tranh chấp để xác định tính quốc tế của trọng tài, thực tiễn còn bắt gặp việc sử dụng kết hợp hai yếu tố này với nhau. Luật mẫu của UNCITRAL 1985 về trọng tài thương mại quốc tế là một ví dụ điển hình. Điều 1(3) Luật này quy định:
“Trọng tài là quốc tế nếu:
(a) Các bên tham gia thoả thuận trọng tài, tại thời điểm kí kết thoả thuận trọng tài đó, có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau; hoặc
(b) Một trong những địa điểm sau đây được đặt ở ngoài quốc gia nơi các bên có trụ sở kinh doanh:
(i) Nơi tiến hành trọng tài nếu được xác định trong hoặc theo thoả thuận trọng tài
(ii) Nơi mà phần chủ yếu của các nghĩa vụ trong quan hệ thương mại được thực hiện hoặc nơi mà nội dung tranh chấp có quan hệ mật thiết nhất;
(c) Các bên đã thoả thuận rõ rằng vấn đề chủ yếu của thoả thuận trọng tài liên quan đến nhiều nước”.
Như vậy, theo quy định của Điều 1(3)(a) thì tính quốc tế của trọng tài có liên quan tới yếu tố chủ thể, trong khi đó Điều 1(3)(b)(ii) có liên quan tới bản chất quốc tế của tranh chấp.
Pháp luật trọng tài Việt Nam hiện hành không có quy định giải thích rõ thế nào là trọng tài quốc tế, tuy nhiên, trong Luật trọng tài thương mại 2010 có những quy định áp dụng riêng đối với trọng tài giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài như quy định về ngôn ngữ trọng tài, luật áp dụng giải quyết tranh chấp.
Tóm lại, trọng tài quốc tế là một phương thức giải quyết tranh chấp mà sự bắt đầu của nó dựa trên sự thoả thuận của các bên tham gia tranh chấp nhằm giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài (hay yếu tố quốc tế) bởi một hội đồng trọng tài gồm một hoặc một số lẻ các trọng tài viên, trên cơ sở trình tự thủ tục do các bên tranh chấp thoả thuận chọn ra. Tính quốc tế của trọng tài được quyết định dựa trên hai yếu tố, hoặc được sử dụng riêng rẽ hoặc được kết hợp với nhau đó là: tính chất quốc tế của tranh chấp (International Nature of the dispute) và đặc điểm của chủ thể tham gia tranh chấp (Identity of the parties).
Cần lưu ý là, trọng tài quốc tế chỉ là trọng tài giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, một trọng tài quốc tế có thể là một trong tài nước ngoài nhưng cũng có thể là một trọng tài trong nước. Để xác định một trọng tài là trọng tài nước ngoài hay trong nước không phải dựa vào tính quốc tế của nó mà phải dựa vào quy định pháp luật cụ thể của quốc gia và điều ước quốc tế có liên quan. Việc phân biệt trọng tài nước ngoài hay trong nước có ý nghĩa rất quan trọng khi xem xét hiệu lực của phán quyết trọng tài, bởi vì đối với phán quyết trọng tài trong nước thì chỉ đặt ra vấn đề phán quyết đó có hiệu lực hay sẽ bị hủy bởi toà án quốc gia (nếu có yêu cầu toà án hủy phán quyết trọng tài), trong khi đó phán quyết của trọng tài nước ngoài thì đặt ra vấn đề nó có được công nhận và thi hành hay không ở nước mà đương sự yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết?