Tương trợ tư pháp là gì? Nội dung của tương trợ tư pháp theo luật hình sự

1. Tương trợ pháp là gì?

Hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong đấu tranh chống tội phạm hình sự được thực hiện không chỉ trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác mà còn được tiến hành thông qua các hoạt động ký kết điều ước quốc tế của Cộng đồng quốc tế. Đây là thực tiễn đã được công nhận rộng rãi trong đấu tranh ngăn ngừa và trừng phạt tội phạm hình sự giữa các quốc gia. Mỗi điều ước quốc tế trong lĩnh vực này có mục đích điều chỉnh một loại tội phạm xác định hoặc một nhóm hành vị cùng loại gây nguy hiểm cho xã hội. Trong các điều ước quốc tế về chống tội phạm đối tượng điều chỉnh là các mối quan hệ có liên quan đến hoạt động tác nghiệp điều tra và tố tụng hình sự. Quan trọng nhất trong các điều ước quốc tế loại này là điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, đây là loại hình điều ước có tính chuyên môn cao, được các quốc gia sử dụng tương đối phổ biến trong cuộc chiến chống tội phạm hình sự bên cạnh các điều ước quốc tế đa phương về chống tội phạm được thông qua trong khuôn khổ khu vực hoặc tính toàn cầu.

Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của mỗi quốc gia trong nhưng thập niên gần đây đã chứng minh sự cần thiết phải tăng cường tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế, đây chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc ký kết các điều ước quốc tế đa phương cũng như song phương về đấu tranh chống tội phạm, thông qua các hình thức hợp tác đa dạng và đảm bảo có hiệu quả mà thiếu các điều ước này cuộc chiến chống tội phạm hình sự của nhân loại chắc chắn sẽ không có được kết quả khả quan. Nguyên nhân có tính khách quan dẫn đến việc các quốc gia phải tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý với nhau rất rõ ràng và được chỉ rõ, trong quá trình tiến hành điều tra và xét xử các vụ án hình sự có thể xuất hiện trường hợp thủ phạm hoặc nạn nhân hay nhân chứng, cũng như các chứng cứ quan trọng của vụ án hiện diện hoặc đang ở trên lãnh thổ của quốc gia khác, điều này làm phát sinh sự cấp thiết phải tiến hành các hoạt động trợ giúp lẫn nhau giữa các quốc gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Bởi vì, theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia trong luật quốc tế, các hành vi tố tụng hình sự cần thiết của cơ quan tư pháp của quốc gia có thẩm quyền tài phán chỉ có thể được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia này, chứ không thể được thực hiện ra ngoài phạm vi lãnh thổ đó. Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình xét xử các vụ án hình sự chỉ có thể được tiến hành một cách hiệu quả nếu các hành vi tố tụng cần thiết liên quan đến vụ việc được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định trên lãnh thổ nước ngoài qua con đường tương trợ tư pháp. Trong quá trình hình thành và phát triển luật hình sự quốc tế, các hoạt động tương trợ tư pháp đầu tiên được thực hiện dựa trên các quy phạm tập quán quốc tế, như aut dedere aut purire và các quy phạm tập quán khác. Hiện nay, hoạt động pháp lý quốc tế này được tiến hành chủ yếu thông qua con đường kết các điều ước quốc tế về tương trợ pháp trong các vấn đề hình sự các điều ước quốc tế này chủ yếu điều ước song phương đa phương khu vực.

Hình minh họa. Tương trợ tư pháp là gì? Nội dung của tương trợ tư pháp theo luật hình sự

2. Nội dung tương trợ tư pháp theo luật hình sự quốc tế

Trong hợp tác quốc tế chống tội phạm, tương trợ tư pháp là khả năng duy nhất thực hiện các hành vi tố tụng hình sự cần thiết nước ngoài. Các quy định của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp điều chỉnh tống thế các vấn đề có liên quan nằm trong nội dung tương trợ pháp lý, còn những vấn đề chuyên biệt có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống tội phạm có thể được ghi nhận trong các điều ước quốc tế đa phương về chung một loại tội phạm hình sự quốc tế cụ thể, như: các quy định về dẫn độ tội phạm được ghi nhận trong các điều ước quốc tế chuyên biệt về chống tội phạm khủng bố, buôn lậu ma túy, buôn bán và vận chuyển nộ lệ, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Nhìn chung, các quy định của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp được ký kết giữa các quốc gia trong lĩnh vực hình sự đều có nội dung tương đối giống nhau và thường điều chỉnh các vấn đề pháp lý cơ bản sau đây trong trợ giúp pháp lý trên bình diện quốc tế

+ Chuyển giao và tiếp nhận các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc hình sự được thụ lý;

+ Tiến hành các hoạt động tác nghiệp điều tra – thẩm vấn, như: thẩm vấn các nghi can, các bị cáo, lấy lời khai của nhân chứng hoặc trưng cầu ý kiến tư vấn chuyên môn của các chuyên gia có liên quan như chuyên viên tâm lý, bác sĩ giám định pháp y…;

+ Thực hiện các hành vi khám xét tư pháp thu hồi và chuyển giao vật chứng vụ án, tiến hành các hoạt động giám định cần thiết cũng như các hành vi truy tìm tội phạm;

+ Cung cấp các thông tin cần thiết về pháp luật hiện hành và thực tiễn tòa án của nước mình, các thông tin về tiền án của cá nhân tội phạm đã bị tòa án của nước mình ra án quyết trước đó, bản in dấu vân tay của cá nhân tội phạm;

+ Thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp khác theo yêu cầu của quốc gia hữu quan đã được thỏa thuận và ghi nhận trong điều ước quốc tế đối với từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh xác định.

Vấn đề dẫn độ tội phạm cũng nằm trong khuôn khổ của tương trợ tư pháp về hình sự. Đây là vấn đề pháp lý quốc tế hết sức phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau, do vậy chế định dẫn độ tội phạm sẽ được nghiên cứu cụ thể ở một phần riêng với các vấn đề pháp lý của nó.

Theo quy định chung của các điều ước quốc tế hiện hành về tương trợ tư pháp trong vấn đề hình sự, trình tự thủ tục thực hiện tượng trợ tư pháp hình sự được quy định như sau:

– Quốc gia yêu cầu phải soạn thảo văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp theo các quy định về thủ tục được ghi nhận trong điều ước quốc tế, phải đáp ứng được các quy tắc thủ tục này. Nội dung các vấn đề yêu cầu phải được trình bày rõ ràng và cụ thể. Văn bản yêu cầu cùng các tài liệu kèm theo phải được soạn thảo bằng ngôn ngữ của quốc gia yêu cầu và có bản dịch sang ngôn ngữ của quốc gia được yêu cầu đính kèm theo. Tập hợp các tài liệu và giấy tờ này sẽ được gửi cho quốc gia được yêu cầu theo con đường đã được quy định trong điều ước quốc tế hữu quan;

– Sau khi đã nhận được yêu cầu tương trợ tư pháp, quốc gia được yêu cầu sẽ nghiên cứu và cho phép thực hiện các hành vi trợ giúp pháp lý theo yêu cầu trên lãnh thổ nước mình. Toàn bộ quá trình thực hiện các yêu cầu này phải thực sự tuân thủ các quy định tố tụng của pháp luật quốc gia được yêu cầu, nghĩa là luật tố tụng hình sự của nước này sẽ được áp dụng trong quá trình tiến hành các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là quy định có tính nguyên tắc bao trùm lên toàn bộ các hành vi tượng trợ tư pháp được thực hiện. Tuy nhiên, trong luật quốc tế cho phép nguyên tắc pháp luật này có ngoại lệ, theo đó luật tố tụng của quốc gia yêu cầu có thể được áp dụng đối với các hoạt động tương trợ tư pháp được tiên hành trên lãnh thổ quốc gia được yêu cầu. nếu quy định tố tụng này không trái với pháp luật của quốc gia được yêu cầu. Trong trường hợp đặc biệt và cụ thể này, tất nhiên chỉ áp dụng quy định của luật tố tụng nước yêu cầu theo đề nghị chính thức của quốc gia này;

– Toàn bộ chi phí cho hoạt động tương trợ tư pháp sẽ do quốc gia nơi tiến hành các hoạt động trợ giúp này phải gánh chịu. Như vậy hành vi trợ giúp tư pháp được thực hiện ở quốc gia nào thì quốc gia đó phải có nghĩa vụ thanh toán và chịu mọi phí tổn có liên quan.

Trên bình diện hợp tác quốc tế khu vực trong đấu tranh chống lội phạm, vấn đề tương trợ tư pháp là đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế được thông qua trong khuôn khổ tổ chức quốc tế khu vực. Trong số các điều ước quốc tế loại này, cần phải kể đến Công ước châu Âu năm 1959 về tương trợ tư pháp và Nghị thư bổ sung cho Công ước này được thông qua vào năm 1978. Thành viên của hai văn bản pháp lý quốc tế này là các quốc gia – thành viên Hội Đồng châu Âu. Thèo quy định, các quốc gia thành viên của Công ước có nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề pháp lý tổng thể dựa trên cơ sở của nguyên tắc có đi có lại trong lĩnh vực truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại hình tội phạm thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia yêu cầu tương trợ tư pháp.

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế toàn cầu chống tội phạm nhằm mục đích thống nhất hóa các quy tắc về tương trợ tư pháp, Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1990 đã thông qua điều ước quốc tế mẫu về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Các quy định của điều ước quốc tế mẫu chủ yếu điều chỉnh các vấn đề quan trọng sau đây trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý:

– Các trường hợp được quyền không trợ giúp pháp lý; nội dung và việc thực hiện nội dung đề nghị tương trợ tư pháp đảm bảo bí mật trong tương trợ pháp lý theo yêu cầu của bên hữu quan;

– Trình tự thủ tục tiếp nhận các tài liệu, giấy tờ có liên quan. Cho phép tiếp xúc với người bị bắt giữ và những người khác nhằm mục đích thu thập chứng cứ, khám xét điều tra và cầm giữ.

Theo quy định về các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp được ghi nhận trong điều ước quốc tế mẫu, việc yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể bị quốc gia được yêu cầu từ chối thực hiện, khi quốc gia này cho rằng việc tương trợ pháp lý như vậy có thể xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, an ninh và trật tự công cộng hoặc các lợi ích quan trọng khác có tính sống còn đối với quốc gia, nếu hoạt động tương trợ tư pháp không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật nước mình hay hành vi được thực hiện là hành vi tội phạm theo các quy phạm có hiệu lực của luật quốc tế về chiến tranh. Điều ước quốc tế mẫu về tương trợ tư pháp cũng ghi nhận các điều khoản tương ứng về vấn đề thực hiện chương trình bảo vệ nhân chứng, bảo vệ các cá nhân đã cung cấp thông tin hoặc tài liệu, giấy tờ cần thiết cho hoạt động xét xử của tòa án. Từ góc độ luật quốc tế có thể nhận xét rằng điều ước quốc tế mẫu về tương trợ tư pháp là văn bản có tính khuyến nghị, xác định các chuẩn mực quốc tế cụ thể mà các quốc gia nên tuân thủ trong toàn bộ quá trình tương trợ pháp lý về các vấn đề hình sự đồng thời điều ước này có xu hướng mở rộng các hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia.

Cũng trong năm 1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc còn thông qua điều ước quốc tế mẫu về chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội dung điều chỉnh cơ bản của điều ước này là các vấn đề có liên quan đến quá trình chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự cho quốc gia mà bị cáo là công dân trong trường hợp bị cáo này đã trốn về và lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật trong lãnh thổ của quốc gia mà họ mang quốc tịch và đồng thời việc dẫn đô tội phạm là không thể được tiến hành theo nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình cho nước ngoài xét xử hình sự đã được cộng đồng cùng thừa nhận. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ có thể được thực hiện khi đáp ứng điều kiện tiên quyết: hành vi mà bị cáo thực hiện phải được định danh là hành vi tội phạm hình sự theo pháp luật hiện hành của cả hai quốc gia có liên quan (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự). Đây là nội dung của nguyên tắc định danh kép tội phạm mà các quốc gia thường sử dụng như là điều kiện bắt buộc trong dẫn đổ tội phạm của luật hình sự quốc tế. Tuy nhiên, điều ước quốc tế mẫu về chuyển giao truy cứu hình sự quốc tế có quy định cho phép quốc gia được yêu cầu có khả năng từ chối và không tiếp nhận yêu cầu chuyển giao này, nếu bị cáo không phải là công dân nước mình hoặc không thường xuyên cư trú trên lãnh thổ quốc gia nước này, nếu hành vi được định danh là hành vi tội phạm theo các quy định của luật quốc tế về chiến tranh, về hành vi phạm tội có liên quan tới lĩnh vực thuế quan, hải quan hoặc tài chính – tiền tệ nếu quốc gia được yêu cầu tiếp nhận chuyên gia truy cứu hình sự lại định danh hành vi được thực hiện là hành vi tội phạm chính trị theo pháp luật nước mình. Như vậy, mục đích của điều ước quốc tế mẫu này là thống nhất hóa các quy tắc điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự từ quốc gia này sang quốc gia khác, khi việc dẫn độ tội phạm là không thể được thực hiện theo luật quốc gia hoặc luật quốc tế.

Hiện nay, trong quan hệ hợp tác đấu tranh chống tội phạm, vấn đề các cá nhân bị giam giữ ở nước ngoài là vấn đề thời sự có tính cấp thiết cần điều chỉnh trong quan hệ tương trợ tư pháp. Chính vì vậy, trong khuôn khổ hoạt động chức năng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Điều ước quốc tế mẫu về chuyển giao tù nhân nước ngoài vào năm 1985. Trong điều ước quốc tê loại hình này đã nhấn mạnh đến mục đích phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng của các tù nhân sau khi ra tù có thể đạt được nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn, nếu xã hội tạo điều kiện tối ưu cho họ được thụ án tại nước họ. Trong điều ước còn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị giam giữ. Điều ước cho phép quốc gia nơi phạm nhân đang thụ án được quyền áp dụng các đạo luật về an xá hoặc đặc xá đối với họ, đảm bảo giành cho phạm nhân được hưởng các quyền nhân đạo này. Trong trường hợp tại quốc gia thi hành phán quyết quy định mức án tù giam đối với hành vi tội phạm thấp so với mức án được quy định trong phán quyết, thì quốc gia này có quyền quyết định mức án tù giam tối đa theo các quy định hiện hành của pháp luật nước mình. Ngoài ra điều ước quốc tế về chuyển giao phạm nhân nước ngoài còn điều chỉnh một loạt các vấn đề tương ứng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp này.

Cùng với thời gian, hoạt động tương trợ tư pháp ngày càng được phát triển và mở rộng trong hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm. Nếu trước kia hoạt động này chỉ giới hạn trong việc cung cấp các thông tin cần thiết về cá nhân tội phạm hoặc các băng nhóm tội phạm thì ngày nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện và thành tựu kỹ thuật hiện đại, việc trao đổi trong hợp tác quốc tế chống tội phạm đã bao trùm lên các lĩnh vực, các xu hướng khác của đấu tranh chống tội phạm, như : xác lập và chuyển giao các tập tàng thư lưu trữ các dữ liệu tội phạm, tiến hành nghiên cứu và trao đổi khoa học xác định nguyên nhân, khuynh hướng và dự báo sự phát triển tội phạm cùng các biện pháp áp dụng và ngăn ngừa các tội phạm xuất hiện trong tương lai. Đây là nội dung hợp tác quốc tế mới phát sinh trong thời gian gần đây giữa các quốc gia mà cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm và nỗ lực giải quyết vì một thế giới ổn định và phát triển bền vững trong cơn lốc của thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ.

Bài viết liên quan