Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính

0

Tài chính có vai trò quan trọng tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thực hiện được mục tiêu và chức năng của mình, bất kỳ nhà nước nào cũng đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính, vì vậy nhà nước luôn có các cơ chế tác động tới các quan hệ tài chính.

Để phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay, sự tác động của nhà nước đối với hệ thống và các quan hệ tài chính cũng có nhiều thay đổi. Nhà nước không với vai trò là chủ thể trực tiếp tham gia vào tất cả các quan hệ tài chính mà nhà nước thực hiện với vai trò quản lý vĩ mô đối với các quan hệ tài chính thông qua chức năng kinh tế của nhà nước đó là:


1. Nhà nước hoạch định chiến lược, định hướng phát triển, điều chỉnh sự vận động của nền tài chính quốc gia thông qua chính sách tài chính của nhà nước

Chính sách tài chính của nhà nước là tổng thể các quan điểm của nhà nước, các nguyên tắc thể hiện phương châm và mục đích sử dụng toàn bộ các khâu tài chính trong nền kinh tế nhà nước để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Hoạch định và thực thi chính sách tài chính quốc gia là đề ra các chủ trương, chính sách, đường lối và biện pháp về tài chính trong một thời kỳ tương đối lâu dài nhằm mục tiêu: tăng cường tiềm lực tài chính của đất nước, kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả và sức mua của đồng tiền, tạo công ăn việc làm. Vì vậy, trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập ngày nay nhà nước phải chuyển hướng cơ chế quản lý chính sách tài chính – tiền tệ kiểu “động viên tập trung” sang chính sách tài chính phân quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thực hiện cơ chế tài chính mở lành mạnh. Chính sách tài chính phải giải phóng triệt để mọi nguồn vốn. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách tài chính cần đứng trên quan điểm hệ thống. Chú trọng nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm, tổ chức đào tạo, thử nghiệm các phương thức phù hợp. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy về tài chính, tăng cường kiểm soát, thanh tra.


2. Nhà nước tạo lập cơ sở pháp lý cho các hoạt động tài chính trong nền kinh tế quốc dân

Điều 26 hiến pháp 1992 ghi rõ: “Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách”. Trong lĩnh vực tài chính, pháp luật đóng vai trò tối quan trọng để điều chỉnh những quan hệ tài chính phát triển lành mạnh. Nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng khung pháp lý tài chính phải hướng đến mục tiêu bảo đảm để nhà nước sử dụng tài chính làm công cụ sắc bén trong phân phối và giám đốc, công cụ quản lý vĩ mô nhằm phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường trong lĩnh vực tài chính, phát huy vai trò của tài chính nhà nước và động viên thu hút các nguồn tài chính khác. Điều đó đòi hỏi nhà nước phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp để tác động tới các khâu trong hệ thống tài chính.

Hình minh họa. Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính

3. Nhà nước thiết lập các thiết chế tác động tới sự vận động của tất cả các khâu tài chính

Thời kỳ bao cấp các thiết chế như Ngân hàng nhà nước, Bộ tài chính là những cơ quan trực tiếp điều chỉnh các quan hệ tài chính. Có thể nói nhà nước độc quyền trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các thể chế khác không được quyền tham gia lĩnh vực này. Vì vậy Ngân hàng nhà nước vừa là nhà quản lý vừa là chủ thể kinh doanh.

Trong cơ chế nền kinh tế thị trường hiện nay, nhà nước không còn can thiệp mang tính mệnh lệnh vào các quan hệ tài chính. Các thế chế như Ngân hàng nhà nước, các cơ quan chức năng của Bộ tài chính vừa mang tính chất quản lý vĩ mô, vừa mang tính chất điều chỉnh trực tiếp đối với sự vận động của nền tài chính thông qua việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trên thị trường ngoại tệ để thăng bằng cung cầu ngoại tệ bằng cách bán hoặc mua một lượng ngoại tệ phù hợp theo giá do ngân hàng nhà nước lựa chọn, tham gia huy động vốn trên thị trường tài chính thông qua việc phát hành chứng từ có giá…


4. Nhà nước xác lập cơ chế kiểm tra và thanh tra tài chính đảm bảo hoạt động quản lý có hiệu quả

Kiểm tra vừa là nội dung của hoạt động quản lý vừa có ý nghĩa là sự đảm bảo có hiệu quả của chính hoạt động quản lý. Nhà nước quy định chế độ kiểm tra tài chính áp dụng đối với hầu hết các chủ thể tham gia quá trình phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị nhằm đảm bảo việc sử dụng và phân phối các nguồn tài chính một cách có hiệu quả, bảo vệ lợi ích của nền kinh tế, lợi ích của nhà nước, lợi ích của các tổ chức và công dân. Nhà nước quy định quyền hạn của kiểm tra, thanh tra tài chính của các cơ quan thanh tra tài chính, thanh tra ngân hàng, thanh tra nhà nước. Việc thực hiện kiểm tra tài chính được thực hiện thường xuyên và định kỳ cả trước, trong và sau khi thực hiện các hoạt động tài chính.

Xem thêmHệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Xem thêmKhái niệm tài chính là gì?

5/5 - (1 bình chọn)


 
LƯU Ý: Nội dung bài viết trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung bài viết trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: info@hilaw.vn
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Để lại bình luận