Người chứng kiến trong tố tụng hình sự

1. Người chứng kiến trong tố tụng hình sự là ai?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.


2. Người không được làm người chứng kiến

Để bảo đảm cho việc tiến hành một số hoạt động tố tụng được khách quan, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cần phải có sự tham gia của người chứng kiến, đồng thời quy định, những người sau đây không được làm người chứng kiến:

– Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;

– Người dưới 18 tuổi;

– Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.

Việc Bộ luật Tố tụng hình sự quy định những người không được làm người chứng kiến nhằm loại trừ và ngăn ngừa những trường hợp do quan hệ tình cảm cá nhân, do hạn chế năng lực nhận thức, năng lực hành vi… mà khó có thể xác nhận được hành vi tố tụng, hoạt động tố tụng mà họ chứng kiến một cách khách quan, đúng đắn.

Tuy nhiên, tùy theo từng hoạt động tố tụng mà người chứng kiến còn phải có các điều kiện khác nhằm bảo đảm danh dự, nhân phẩm, uy tín… cũng như bảo đảm tính khách quan của việc tiến hành các hoạt động tố tụng. Cụ thể là điều kiện về giới khi khám người, xem xét dấu vết trên thân thể, buộc phải có người cùng giới chứng kiến; điều kiện về người chứng kiến là người đại diện chính quyền, cơ quan, tổ chức như khi tiến hành khám xét, bắt người… phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc, học tập… chứng kiến.

Hình minh họa. Người chứng kiến trong tố tụng hình sự

3. Quyền và nghĩa vụ của người chứng kiến

3.1. Quyền của người chứng kiến

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người chứng kiến có quyền:

– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ;

– Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
– Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến;

– Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.

3.2. Nghĩa vụ của người chứng kiến

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người chứng kiến có nghĩa vụ:

– Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu;

– Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến;

– Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến;

– Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bài viết liên quan