Căn cứ khởi tố vụ án hình sự là hành vi có dấu hiệu của tội phạm đã được xác định. Vi phạm pháp hiật xảy ra vô cùng phong phú, đa dạng trong đời sống xã hội. Các vi phạm pháp luật được xử lý bằng các biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp hình sự. Để bảo đảm cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, tránh được những trường hợp oan sai có thể xảy ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm.
Việc xác định dấu hiệu của tội phạm dựa trên những cơ sở do luật định (tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước người phạm tội tự thú; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm).
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định căn cứ khởi tố vụ án là khi xác định dấu hiệu của tội phạm; không cần phải đủ dấu hiệu tội phạm. Ví dụ: khi một gia đình bị phá cửa và mất trộm tài sản 02 triệu đồng là đã có thể khởi tố vụ án trộm cắp tài sản; khi phát hiện một người bị chết do bị đâm từ sau lưng là đã có thể khởi tố vụ án về tội giết người… Việc quyết định khởi tố vụ án là tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra để xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án, bảo đảm cho việc xử lý chính xác, khách quan.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án xác định có dấu hiệu tội phạm. Có những trường hợp các cơ quan đó tự mình phát hiện tội phạm để khởi tố; nhưng cũng có nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền không tự mình phát hiện tội phạm, mà dựa vào các nguồn tin khác nhau. Các nguồn tin này là những cơ sở ban đầu để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh nhằm xác định dấu hiệu của tội phạm.
Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các cơ sở khởi tố vụ án hình sự, gồm:
1. Tố giác của cá nhân
Cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một người nào đó mà họ cho rằng là tội phạm. Việc tố giác của cá nhân có thể bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng các hình thức khác và cũng không nhất thiết phải tố giác trực tiếp đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Tòa án, mà có thể tố giác đến bất cứ cơ quan, tổ chức nào thuận tiện nhất. Việc tố giác của cá nhân có nội dung yêu cầu xử lý chủ thể nào thì phải rõ ràng về hành vi phạm tội của người hoặc pháp nhân thương mại bị tố giác; thường nêu rõ thiệt hại do tội phạm gây ra.
Dù việc tố giác thực hiện bằng hình thức nào, thì khi tiếp nhận các thông tin, các cơ quan chức năng phải lập biên bản, thụ lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn có quyền yêu cầu người tố giác ký xác nhận, hoặc ghi lại họ, tên, địa chỉ và số điện thoại của người tố giác. Với quy định như vậy, có thể thấy ưu điểm là làm cho cá nhân ý thức hơn về trách nhiệm bảo đảm sự thật của mình đối với nội dung tố giác, mặt khác giúp các cơ quan chức năng dễ dàng liên hệ để thu thập thông tin và xác minh thêm thông tin khi cần thiết.
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Nếu như tố giác của cá nhân chỉ là việc báo tin của họ về tội phạm với đối tượng là bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (bằng miệng, qua các phương tiện truyền thông hoặc bằng băn bản) thì tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin về tội phạm do các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tiếp nhận và báo cáo bằng văn bản đối với Cơ quan điều tra.
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng
Đó là những thông tin có dấu hiệu của tội phạm được Cơ quan điều tra nắm bắt và thụ lý trên các kênh thông tin khác nhau thông qua các phương tiện truyền thông. Trong thời đại hiện nay, phương tiện thông tin đại chúng đóng một vai trò rất lớn trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc khi phát hiện tội phạm, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Ví dụ như qua hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra có thẩm quyền phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan thanh tra làm văn bản kiến nghị kèm theo hồ sơ, tài liệu, chứng cứ đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đề nghị khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận và thụ lý các kiến nghị khởi tố và trả lời bằng văn bản kết quả thụ lý và giải quyết cho cơ quan, tổ chức đã kiến nghị.
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trực tiếp phát hiện tội phạm. Đó là những cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm hoặc có điểu kiện để phát hiện tội phạm, hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện tội phạm. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, các chủ thể nêu trên có quyền khởi tố vụ án hình sự và tiến hành các hoạt động điều tra theo luật định.
6. Người phạm tội tự thú
Tự thú là việc người đã thực hiện hành vi phạm tội tự nhận và khai rõ hành vi phạm tội của mình trước cơ quan, tổ chức. Đây là căn cứ thuận lợi cho Cơ quan điều tra, nhằm nhanh chóng phát hiện tội phạm và ngăn ngừa hành vi phạm tội.
Sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong thời hạn 20 ngày (trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng), và có thể được gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh để xem xét khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Để xác minh các nguồn tin về tội phạm đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động như:
- Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
- Khám nghiệm hiện trường;
- Khám nghiệm tử thi;
- Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
Trong trường hợp xác minh có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.