Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Bộ luật Hình sự 2015

Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự, là hành vi cố ý không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được trả lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.


1. Căn cứ pháp lý

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội chiếm giữ trái phép tài sản

2.1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của chiếm giữ trái phép tài sản là quan hệ sở hữu tài sản, bao gồm quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản (có giá trị từ mười triệu đồng trở lên), cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do tìm được, bắt được.

Hình minh họa. Cấu thành tội phạm của tội chiếm giữ trái phép tài sản

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện ở hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép dưới những hình thức sau đây: không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm; không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá mà mình tìm được hoặc bắt được. Trong đó:

– Không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá là trường hợp người phạm tội nhận được tài sản một cách hợp pháp do chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp giao nhầm nhưng không trả lại. Mặc dù chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đă yêu cầu được nhận lại theo đúng quy định của pháp luật.

– Không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá mà mình tim được, bắt được là trường hợp người phạm tội tìm được hoặc bắt được các thứ nêu trên khi không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp do người khác đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm hoặc gia súc, gia cầm bị thất lạc… nhưng không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt các tài sản đó.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì các hành vi nêu trên chỉ bị coi là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người chiếm giữ tài sản vẫn không không trả lại hoặc không giao nộp.

Tội phạm bị coi là hoàn thành từ thời điểm người chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay thẳng không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Theo hợp đồng mua bán hàng hoá, Nguyễn Tuyết Tr bán cho Phan Bá Ph 20 máy phát điện trị giá 6 800 000 đồng/chiếc. Việc giao nhận hành băng phương thức thuê phương tiện giao thông vận chuyển và giao hàng. Do nhầm lẫn trong khi khuân vác nên số máy phát điện được chuyển lên xe ô tô là 23 chiếc. Nguyễn Tuyết Tr giao cho lái xe nhiệm vụ bàn giao cho Phan Bá Ph toàn bộ số máy phát điện và nhận 136 000 000 đồng. Sau khi nhận đủ số tiền nêu trên, Nguyễn Tuyế Tr phát hiện đã giao thừa 3 máy. Việc này được lái xe ô tô xác nhận là đã giao cho Phan Bá Ph 23 máy phát điện (Phan Bá Ph cũng đã ký vào hoá đơn giao nhận hàng) và chi biết là nhận 136 000 000 đồng chứ không biết là giá mỗi chiếc máy là bao nhiêu. Nguyễn Tuyết Tr đã nhiều lần yêu cầu Phan Bá Ph trả lại 3 chiếc máy đã giao nhầm hoặc 20 400 000 đồng (số tiền tương được với giá bản 3 chiếc máy phát điện nhưng Phan Bá Ph vẫn một mực cho rằng không có chuyện giao nhầm và không trả lại. Hành vi của Phan Bá Ph đã phạm vào tội chiếm giữ trái phép tài sản.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Nhưng vì muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình nên cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại tất cả các khoản 1 và 2 Điều 176 Bộ luật Hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.


3. Hình phạt

Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định hai khung hình phạt đối với người phạm tội. Cụ thể:

– Người nào cố ý không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được trả lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

– Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Trong đó: phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên là trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên; phạm tội chiếm giữ cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt là trường hợp chiếm giữ trái phép cổ vật, vật là các di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia.

Bài viết liên quan