Ly thân là gì? Phân biệt ly thân với ly hôn

Ly thân là khái niệm không còn xa lạ đối với các cá nhân và hộ gia đình Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể giải đáp được ly thân là gì, ly thân khác gì so với ly hôn và các thủ tục cần thiết được tiến hành khi muốn ly thân,… Cùng hilaw.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây:


1. Ly thân là gì?

Hiện nay, có nhiều quan điểm không thống nhất giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới về ly thân. Tại Pháp, chế định ly thân được quy định tại Điều 296 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp, theo đó Ly thân được hiểu là sự giảm độ gắn kết quan hệ vợ chồng, theo đó, hệ quả quan trọng nhất là sự hủy bỏ nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng, trong khi những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ tương trợ giúp đỡ nhau vẫn phải được duy trì giữa hai vợ chồng.

Việc ly thân theo quy định của pháp luật Pháp, do tòa án ra quyết định trên cơ sở những căn cứ và điều kiện giống như căn cứ và điều kiện ly hôn (vợ chồng ly thân, vợ chồng thống nhất chấm dứt hôn nhân, vợ chồng ly thân do lỗi của một bên hoặc ly thân do cuộc sống chung đã hoàn toàn chấm dứt).

Theo pháp luật của Vương quốc Anh thì ly thân được hiểu là việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung, chỉ để lại nghĩa vụ trung thành và không thể thiết lập cuộc hôn nhân mới.

Tại Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp luật Việt Nam nào đưa ra định nghĩa cụ thể về ly thân. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn đời sống của nhiều gia đình Việt Nam và thông tin trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy ly thân là việc hai vợ chồng không sống chung với nhau trong thời kỳ hôn nhân nhưng chưa làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp luật.

Hình minh họa. Ly thân là gì? Phân biệt ly thân với ly hôn

2. Phân biệt ly thân với ly hôn

Ly thân và ly hôn rất dễ gây nhầm lẫn vì chúng có nhiều điểm tương đồng như: vợ chồng không chung sống với nhau, không có sự phụ thuộc về kinh tế và tinh thần trong quá trình sinh hoạt riêng,…Tuy nhiên, ly thân và ly hôn vẫn có những điểm khác biệt cơ bản sau:

2.1. Về bản chất, mục đích

Ly thân là giúp các cặp vợ chồng có thời gian bình tĩnh, suy nghĩ lại, từ đó có thể giải quyết các mâu thuẫn, xung đột. Vì vậy, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung. Trong khi đó, ly hôn thường diễn ra khi mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không thể dung hòa được, dẫn đến yêu cầu phải chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp luật.

2.2. Về hậu quả pháp lý

Trong thời gian ly thân, do chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý nên mọi quyền và nghĩa vụ của các bên về tài sản chung và con chung theo pháp luật vẫn phải tuân thủ giống như thời kỳ đang chung sống. Ngược lại, khi thủ tục ly hôn được tiến hành, hai bên phải sẽ chấm dứt sự ràng buộc với nhau về tài sản chung, quyền nuôi con và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và các văn bản có liên quan đồng thời được sự công nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc hai người không còn là vợ chồng cả trên thực tế và danh nghĩa.

2.3. Về thủ tục

Do không được pháp luật thừa nhận, quy định cụ thể giống như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Tuy nhiên, trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Ngược lại, ly hôn chỉ được thực hiện khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.


3. Thủ tục ly thân được thực hiện như thế nào?

Đa phần các thủ tục ly thân thường dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng và được lập thành văn bản. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bên có thể thỏa thuận về quyền nuôi con, chia tài sản, việc cấp dưỡng,….Tuy nhiên, sự thỏa thuận này sẽ không được công nhận về mặt pháp lý nên nó không có giá trị bắt buộc.

Chính điều này cũng dẫn đến nhiều trường hợp một trong các bên sau khi ký thỏa thuận lại không thực hiện các nghĩa vụ được thỏa thuận, từ đó làm gia tăng mâu thuẫn, không đạt được mục đích của ly thân và dẫn tới ly hôn. Vì vậy, việc lập một văn bản thỏa thuận ly thân có sự xác nhận của một tổ chức hành nghề luật hoặc trước sự chứng kiến của một luật sư ít nhiều cũng sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận của cả hai bên vợ và chồng.

Bài viết liên quan