1. Khái niệm pháp nhận là gì?
Ngoài cá nhân tham gia vào các quan hệ dân sự còn có các cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác. Để các tổ chức tham gia vào các quan hệ dân sự với tư cách là một chủ thể riêng biệt trong các quan hệ xã hội nói chung, các quan hệ pháp luật nói riêng, các tổ chức này phải có các điều kiện do pháp luật quy định. Pháp luật dân sự đưa ra khái niệm pháp nhân nhằm phân biệt với thể nhân (tự nhiên nhân) là những cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật.
Khái niệm pháp nhân trong các văn bản pháp luật trước đây của Nhà nước ta được đề cập ở dạng mô tả các dấu hiệu của pháp nhân như Thông tư số 525 ngày 26/3/1975 của Trọng tài kinh tế, Nghị định số 17 ngày 16/01/1990 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Pháp lệnh hợp đồng dân sự ngày 01/7/1991. Các dấu hiệu (điều kiện) được quy định ở Thông tư số 525 và Nghị định số 17 đặc trưng cho các pháp nhân là các tổ chức kinh tế trong điều kiện kế hoạch hoá nền sản xuất, Pháp lệnh hợp đồng dân sự mô tả các dấu hiệu của pháp nhân có tính chất chung và bao quát các pháp nhân ở mọi dạng, thế loại. Điều 84 BLDS mô tả các dấu hiệu (điều kiện) của một tổ chức có tư cách pháp nhân là:
– Được thành lập một cách hợp pháp;
– Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
– Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
– Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Qua các văn bản pháp luật đã ban hành và tính chất chủ thể trong các quan hệ dân sự, kinh tế có thể đưa ra khái niệm pháp nhân như sau:
Pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Các điều kiện của pháp nhân
Các điều kiện của pháp nhân là các dấu hiệu để công nhận một tổ chức có tư cách là chủ thể của quan hệ dân sự. Các điều kiện của pháp nhân được xác định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015.
2.1. Được thành lập một cách hợp pháp
Một tổ chức được coi là hợp pháp nếu có mục đích, nhiệm vụ hợp pháp và được thành lập hợp pháp theo trình tự và thủ tục do luật định. Tổ chức hợp pháp được Nhà nước công nhận dưới các dạng: cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng kí hoặc công nhận. Nhà nước bằng các quy định về thẩm quyền ra quyết định thành lập, trình tự, thủ tục thành lập, điều kiện thành lập các tổ chức chi phối đến các tổ chức tồn tại trong xã hội. Việc công nhận sự tồn tại một tổ chức phụ thuộc vào hoạt động của tổ chức đó có phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị hay không. Một khi sự tồn tại của một tổ chức (không chỉ là tổ chức chính trị) có nguy cơ đến sự tồn tại của nền tảng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của giai cấp thống trị thì Nhà nước không cho phép nó tồn tại. Bởi vậy, chỉ những tổ chức hợp pháp được Nhà nước công nhận sự tồn tại mới có thể trở thành chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật. Trong thực tiễn mỗi pháp nhân được thành lập theo một trình tự riêng phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của pháp nhân đó (quyết định thành lập, cho phép, công nhận).
2.2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
Trước tiên, tổ chức là một tập thể người được sắp xếp dưới một hình thái nào đó (doanh nghiệp, công ti, bệnh viện, trường học, hợp tác xã...) phù hợp với chức năng và lĩnh vực hoạt động, bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của loại hình tổ chức đó. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhằm biến một tập thể người thành một thể thống nhất (một chủ thể) có khả năng thực hiện có hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra khi thành lập. Việc chọn lựa hình thức tổ chức như thế nào căn cứ vào mục đích, nhiệm vụ của tổ chức đó, căn cứ vào cách thức góp vốn thành tài sản của tổ chức, ngoài ra có thể còn do tính chất, truyền thống về loại hình tổ chức và cả loại tên gọi của các tổ chức đó. Thống nhất về tổ chức được quy định trong quyết định thành lập, trong điều lệ mẫu, trong các văn bản pháp luật, trong điều lệ của từng loại tổ chức hay từng tổ chức đơn lẻ.
Pháp nhân phải là một tổ chức độc lập. Một tổ chức độc lập hoàn toàn theo nghĩa rộng không tồn tại trên thực tế mà bất kì một tổ chức nào cũng bị chi phối theo dạng này hay dạng khác của cá nhân trong tổ chức đó, của các tổ chức khác và của Nhà nước. Sự độc lập của tổ chức được coi là pháp nhân chỉ giới hạn trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động với các chủ thể khác. Trong các lĩnh vực này, tổ chức không bị chi phối bởi các chủ thể khác khi quyết định các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của tổ chức đó trong phạm vi điều lệ, quyết định thành lập và các quy định của pháp luật đối với tổ chức đó. Pháp nhân có ý chí riêng và hành động theo ý chí của mình, chỉ với sự độc lập mà pháp luật thừa nhận thì một tổ chức mới có thể trở thành một chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật. Sự tồn tại độc lập của tổ chức còn thể hiện ở chỗ nó không phụ thuộc vào sự thay đổi các thành viên của pháp nhân (kể cả cơ quan pháp nhân). Có rất nhiều tổ chức thống nhất nhưng không độc lập như các phòng, ban, khoa... trong các trường học, các tổ chức là một bộ phận của pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

2.3. Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
Để một tổ chức tham gia vào các quan hệ tài sản với tư cách là chủ thể độc lập thì tổ chức đó phải có tài sản riêng của mình – tài sản độc lập. Tài sản riêng của pháp nhân không chỉ là tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân (như đối với các công ti, các hợp tác xã dù nguồn vốn hình thành có thể khác nhau…) mà có thể được Nhà nước giao cho tổ chức được quyền quản lí của pháp nhân đó. Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của cá nhân – thành viên của pháp nhân, độc lập với cơ quan cấp trên của pháp nhân và các tổ chức khác. Tài sản độc lập của pháp nhân là tài sản thuộc quyền của pháp nhân đó, do pháp nhân chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trong phạm vi nhiệm vụ và phù hợp với mục đích của pháp nhân. Tài sản của pháp nhân thể hiện dưới dạng vốn, các tư liệu sản xuất và các loại tài sản khác phù hợp với từng loại pháp nhân. Tài sản của pháp nhân được hình thành trên những cơ sở khác nhau dưới dạng được Nhà nước giao để thực hiện chức năng (các pháp nhân là lực lượng vũ trang) được giao theo pháp luật về doanh nghiệp nhà nước; được chuyển giao quyền sở hữu cho các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội; từ nguồn vốn đóng góp của các thành viên; từ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp... Tài sản của pháp nhân có thể thuộc sở hữu nhà nước hoặc thuộc hình thức sở hữu hỗn hợp hoặc các hình thức sở hữu khác nhưng các pháp nhân thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt như một chủ sở hữu trong khuôn khổ điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân ghi nhận.
Trên cơ sở có tài sản riêng, pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Pháp nhân tham gia vào các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân như một chủ thể độc lập và phải chịu trách nhiệm về những hành vi được coi là “hành vi của pháp nhân”. Cơ quan cấp trên không chịu trách nhiệm thay hoặc trách nhiệm bổ sung cho pháp nhân. Pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho cơ quan quản lí cấp trên của pháp nhân hoặc cho thành viên của pháp nhân. Các thành viên của pháp nhân không phải dùng tài sản riêng của mình để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân.
Trách nhiệm của pháp nhân thuộc dạng trách nhiệm “hữu hạn” trong phạm vi tài sản riêng của pháp nhân. Độc lập về tài sản và chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của pháp nhân là tiền đề vật chất để một tổ chức tham gia vào quan hệ dân sự như là một chủ thể độc lập.
2.4. Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể là nguyên đơn, bị đơn trước toà án
Với tư cách là một chủ thể độc lập, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách riêng, có khả năng hưởng quyền và gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định phù hợp với điều lệ của pháp nhân. Pháp nhân không “núp” dưới danh nghĩa của tổ chức khác, cũng không được phép cho người khác “núp” dưới danh nghĩa của mình để hoạt động. Khi pháp nhân không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc có gây thiệt hại cho cá nhân hoặc pháp nhân khác thì pháp nhân có thể là bị đơn trước toà án. Ngược lại, cá nhân hoặc pháp nhân khác không thực hiện nghĩa vụ, hoặc gây thiệt hại cho pháp nhân thì pháp nhân có quyền khởi kiện trước toà án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Việc phân định các điều kiện của pháp nhân thành ba hay bốn là tuỳ thuộc vào cách sắp xếp trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, pháp nhân ở bất cứ hệ thống pháp luật nào cũng phải thoả mãn các điều kiện chung nhất bao gồm:
– Tiền đề về tổ chức để biến một tập thể người thành một chủ thể độc lập và hợp pháp để tham gia vào các quan hệ pháp luật;
– Tiền đề vật chất để tham gia vào các quan hệ tài sản và tư chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
– Tổng hợp các tiền đề tổ chức và vật chất để một tổ chức có tư cách chủ thể tham gia vào các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân trong khuôn khổ pháp luật và điều lệ của pháp nhân quy định.
– Các điều kiện của pháp nhân nêu trên là một thể thống nhất không tách rời nhau, hợp thành tư cách chủ thể của pháp nhân.
3. Các loại pháp nhân
Các điều kiện của pháp nhân là các yếu tố bắt buộc để một tổ chức có tư cách pháp nhân. Đó là những điều kiện cần và đủ để một tổ chức có tư cách chủ thể. Một pháp nhân phải có các điều kiện nêu trên và ngược lại một tổ chức có đủ các điều kiện nêu trên được coi là một pháp nhân. Tuy nhiên, các pháp nhân có những nhiệm vụ, mục đích, cũng như hình thức sở hữu khác nhau cho nên có thể phân loại pháp nhân theo những đặc tính riêng biệt của chúng.
3.1. Pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại là pháp nhân đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
– Có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận,
– Lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Các pháp nhân dạng này tồn tại dưới các tên gọi khác nhau (doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, các hợp tác xã...) với mục đích hoạt động kinh doanh, được thành lập theo các trình tự thủ tục khác nhau. Tài sản của các tổ chức này thuộc các hình thức sở hữu khác nhau nhưng là tài sản riêng của các tổ chức đó và phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng đó.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.2. Pháp nhân phi thương mại
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Như vậy, mục tiêu lợi nhuận chỉ là mục tiêu phụ trong hoạt động của các
pháp nhân này. Các cá nhân là thành viên pháp nhân chỉ được hưởng lương theo mức quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của pháp nhân phù hợp với quy định. Nếu năm tài chính của pháp nhân có lợi nhuận dôi dư thì cũng không được chia lợi nhuận này cho các thành viên của pháp nhân mà phải đầu tư để tiếp tục phát triển pháp nhân.
Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.2.1. Các pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang
Là những pháp nhân được Nhà nước giao tài sản để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý điều hành xã hội vì lợi ích công cộng, không nhằm mục đích kinh doanh (cơ quan hành chính các cấp; trường học, bệnh viện, các cơ quan an ninh, quốc phòng...). Các pháp nhân này hoạt động bằng nguồn kinh phí của Nhà nước cấp và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi kinh phí đó. Trong trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến hoạt động có thu bằng tài sản có được từ hoạt động này.
3.2.2. Các pháp nhân là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị–xã hội–nghề nghiệp
Các tổ chức chính trị, chính trị–xã hội, chính trị–xã hội nghề nghiệp được thành lập để hoạt động phục vụ lợi ích chung của xã hội, được quy định bởi điều lệ của các tổ chức này. Khi tham gia vào các quan hệ dân sự, các tổ chức này tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định các tài sản không được sử dụng để chịu trách nhiệm dân sự như trụ sở của các cơ quan Đảng, đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh...
3.2.3. Các pháp nhân là tổ chức xã hội, tổ chức xã hội–nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Mỗi loại tổ chức có chức năng và nhiệm vụ riêng phù hợp với mục đích và nhiệm vụ được quy định trong điều lệ của các tổ chức đó. Tài sản của các pháp nhân dạng này được hình thành từ sự đóng góp của các thành viên và các nguồn khác phù hợp với pháp luật và điều lệ. Các tổ chức này phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Trong trường hợp tổ chức chấm dứt hoạt động thì tài sản không được phân chia cho các hội viên mà phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.