Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

1. Căn cứ pháp

Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp được quy định tại Điều 325 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Khoản 123 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):

Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.


2. Cấu thành tội phạm của tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm vào chế độ giáo dục, chăm sóc và bảo vệ những người chưa thành niên, xâm phạm vào trật tự an toàn xã hội.

Hình minh họa. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

– Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội, sống sa đọa là xúi giục, rủ rê, lôi kéo, kích động, thúc đẩy… hoặc bằng những thủ đoạn khác như dùng lời nói, cử chi, hành động, tiền hoặc các lợi ích vật chất khác tác động để người chưa thành niên phạm tội sống sa đọa hoặc thông qua đó khổng chế, uy hiếp về tinh thần, ép buộc người chưa thành niên phạm tội, sống sa đọa. Việc đưa người chưa thành niên vào cuộc sống sa đọa là trường hợp đưa họ vào con đường thích lối sống hưởng thụ, nghiện thuốc phiện, ma túy, xem sách báo, phim ảnh đồi trụy…

– Chứa chấp người chưa thành niên phạm tội là việc tạo điều kiện cho họ có chỗ ăn, ở, che giấu với mọi người xung quanh… gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý.

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Biết rõ hành vi của mình là phạm pháp nhưng vẫn thực hiện vì động cơ vụ lợi hoặc vì lý do cá nhân khác.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.


3. Hình phạt

* Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 325 BLHS có mức phạt tù từ một năm đến năm năm.

* Khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 325 BLHS có mức phạt tù từ ba năm đến mười hai năm cho các trường hợp sau: có tổ chức; dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; đối với trẻ em dưới 13 tuổi; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.

* Khoản 3 quy định về hình phạt bổ sung. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 của điều luật thì còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm

Bài viết liên quan