Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo BLHS 2015

1. Căn cứ pháp lý

Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc là hành vi của người không có chức vụ, cấp bậc nhưng đã tự phong cho mình những cấp bậc, chức vụ nhất định để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.


2. Cấu thành tội phạm của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

2.1. Khách thể của tội phạm

– Trật tự quản lý hành chính Nhà nước về chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang.

– Chức vụ của một người là do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Ví dụ: Chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp; bộ trưởng, thứ trưởng các bộ; giám đốc, phó giám đốc các sở,…

– Cấp bậc có thể hiểu là trật tự chức vụ trong quân đội, chính quyền, đoàn thể. Trật tự này được quy định tuỳ theo từng ngành, từng cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Trật tự chức vụ trong Viện nghiên cứu là Viện trưởng, Phó Viện trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng… Trong ngành công an tỉnh là Giám đốc, Phó giám đốc, trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Đội trưởng, Đội phó,…

– Vị trí công tác có thể hiểu là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức của một cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,…

Hình minh họa. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

– Chức vụ có thể do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao nhiệm vụ thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thi hành công vụ, còn cấp bậc là cấp quân hàm của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc cấp hàm của cán bộ, công chức thuộc các ngành khác theo quy định của nhà nước. Hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc được hiểu là người phạm tội thực hiện các hành vi như sử dụng giấy chứng nhận, giấy giới thiệu giả hoặc nhặt được; sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, biển hiệu, bao gồm cả việc sử dụng sai trang phục, phù hiệu, biển hiệu…

Ví dụ: Mặc sắc phục cảnh sát giao thông để dừng xe, kiểm tra giấy tờ xe, yêu sách, xin tiền hoặc đóng giả nhà báo đến đưa tin, lấy tài liệu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đóng giả cán bộ quản lý thị trường để thu thuế…

– Hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc chi cấu thành tội phạm khi người giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc là tiền đề của hành vi trái pháp luật, còn hành vi trái pháp luật là hệ quả, là mục đích của hành vi giả mạo, thiếu một trong hai hành vi này thì không cấu thành tội giả mạo chức vụ, cấp bậc.

Ví dụ: Trong thời gian gần hai năm, Nguyễn Vấn K đã tự phong cho mình quân hàm Đại tá rồi Thiếu tướng, Thanh tra Bộ Quốc phòng, kỹ sư hàng hải, thạc sĩ Luật… và đang là cố vấn cho công ty Huê Phong (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) để được hưởng lương cao và được ăn nhậu, tiệc tùng. Qua nhiều lần tiếp xúc, K đã làm quen được với Ban giám đốc Công ty Giày Hiệp Hưng và được doanh nghiệp này mời làm cố vấn với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Hành vi của K đã bị Công an quận Phủ Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện. Sau khi làm rõ vụ việc và tính chất của hành vi giả mạo cấp bậc, chức vụ của K chi nhằm mục đích nâng cao uy tín bản thân, được mời đi ăn nhậu, tiệc tùng mà chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước, tổ chức, công dân nên chi xử lý hành chính chứ không truy cứu TNHS về tội danh theo Điều 339 BLHS.

– Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Người phạm tội có thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Người giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi của mình là giả mạo chức vụ, cấp bậc, biết hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện không cần biết đến hậu quả của tội phạm.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là chủ thể thường, là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo quy định của BLHS. Do tội phạm quy định tại Điều 339 là tội phạm ít nghiêm trọng nên theo quy định tại Điều 12 BLHS thì chỉ người 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội này.

Người phạm tội cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn nhưng để dễ dàng thực hiện hành vi trái pháp luật và tạo lòng tin với người bị hại nên thường giả danh chức vụ, cấp bậc không phải của họ, có thể là cao hơn hoặc thấp hơn.


2. Hình phạt

Về hình phạt, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Bài viết liên quan